Hé lộ “tài chính” chủ đầu tư tiềm năng xây sân bay Long Thành

Google News

(Kiến Thức) - Chính phủ đề xuất giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư nhiều hạng mục sân bay Long thành. Trong khi đó lãnh đạo Bộ GTVT đã "tiết lộ" về số tiền mà ACV hiện đang có trong tài khoản.

ACV đang có bao nhiêu tiền trong tài khoản?
Ba ngày trước, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 13 xem xét, thẩm tra báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành) giai đoạn I.
Tại buổi họp, Chính phủ đã đề xuất giao giai đoạn I của dự án với tổng mức đầu tư gần 4,8 tỷ USD cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư các hạng mục chính. Tuy nhiên, các đại biểu nói từ trước đến nay Quốc hội chưa bao giờ chỉ định thầu cho doanh nghiệp cụ thể.
He lo “tai chinh” chu dau tu tiem nang xay san bay Long Thanh
 Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, tài khoản của ACV đang có khoảng 30.000 tỷ. (Ảnh minh họa).
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh băn khoăn, nói: “Đây là chỉ định thầu. Còn theo Luật Đấu thầu, dự án này phải tiến hành đấu thầu. Chưa bao giờ Quốc hội chỉ định giao cho một đơn vị cái gì cả. Vậy có cần trình ra Quốc hội việc này hay không?”
Hiện AVC cũng đang đầu tư nhà ga T3 của Tân Sơn Nhất, tới đây là sân bay Điện Biên thì liệu khả năng tài chính của ACV có làm được không? Chúng ta giao cho AVC giai đoạn I thì giai đoạn 2, giai đoạn 3 của dự án có giao nữa không? Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh đặt câu hỏi.
VnEconomy dẫn lời Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể hồi âm vấn đề trên rằng, vốn của ACV thì Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã báo cáo Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã kiểm tra chặt chẽ, tài khoản của ACV đang có khoảng 30.000 tỷ. Giai đoạn tới mỗi năm sẽ tăng khoảng 10.000 tỷ. Khoản đầu tư cho sân bay Long Thành Chính phủ sẽ giám sát chặt chẽ.
Theo Bộ trưởng Thể, ACV hiện đang quản lý, khai thác 21/22 sân bay của cả nước nhưng chỉ có 8 sân bay quốc tế có lợi nhuận còn lại làm nhiệm vụ chính trị là chính, như sân bay Điện Biên lỗ nhưng không thể bỏ được vì còn phục vụ an ninh quốc phòng.
Đầu năm 2021 phải khởi công dự án sân bay Long Thành
Cũng liên quan đến dự án xây sân bay Long Thành, ngày 16/10, sau khi nghe ý kiến của UBND tỉnh Đồng Nai và các bộ ngành liên quan trong khi tiến hành kiểm tra tiến độ giải phóng mặt bằng của dự án, Phó Thủ tướng Chính Phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng tỉnh Đồng Nai đã nỗ lực trong việc tổ chức các khâu kiểm đếm đất đai, lo các khu tái định cư cho người dân ở vùng dự án.
Tuy vậy, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý đây là dự án lớn, không phải là dự án riêng của tỉnh Đồng Nai mà là của đất nước, dự án liên quan đến hơn 5.000 hộ dân nên các ngành tập trung đẩy nhanh tiến độ dự án. Đặc biệt cần tập trung hoàn thành xây dựng tái định cư, giải phóng mặt bằng và tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về chủ trương của dự án cũng như giải quyết kịp thời các khiếu nại của dân theo đúng quy định pháp luật.
He lo “tai chinh” chu dau tu tiem nang xay san bay Long Thanh-Hinh-2
Chính phủ yêu cầu phải khởi công dự án sân bay Long Thành vào đầu năm 2021. (Ảnh phối cảnh sân bay Long Thành). 
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ ngành liên quan cử cán bộ chuyên trách theo dõi, hướng dẫn hỗ trợ tỉnh Đồng Nai thực hiện việc xây dựng kế hoạch đầu tư rà soát, thẩm định dự án cho từng giai đoạn.
"Khi có dự án được phê duyệt, lập tức lựa chọn các nhà thầu, mua sắm thiết bị. Đầu năm 2021 phải khởi công giai đoạn I dự án sân bay quốc tế Long Thành để chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng", - Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu.
Đề xuất 3 phương án đầu tư sân bay Long Thành
Trước đó, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Đỗ Tất Bình - Phó Tổng Giám đốc ACV cho biết, ACV đã có báo cáo nghiên cứu khả thi sân bay Long Thành và đề xuất ba phương án đầu tư sân bay Long Thành.
Theo đó, phương 1 là nhà đầu tư khai thác sân bay sử dụng vốn vay ODA. Cách này giúp nhà đầu tư tiếp cận nguồn vốn vay rẻ hơn, nhưng hiện chỉ có thể tiếp cận được vốn ODA của Nhật Bản và Hàn Quốc thông qua việc Chính phủ đi vay, rồi cho doanh nghiệp vay lại. Nhược điểm của phương án là sẽ làm tăng nợ công và phải sử dụng tư vấn, nhà thầu xây lắp của nước cho vay.
Phương án 2 là giao cho ACV đầu tư bằng vốn doanh nghiệp. Với lợi thế là doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 95% cổ phần và đang quản lý 21 cảng hàng không trên cả nước, khi ACV đầu tư sẽ giúp Nhà nước kiểm soát được tài sản chiến lược của quốc gia.
Phương án thứ 3 là đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, khai thác cảng bằng vốn doanh nghiệp theo hình thức đối tác công - tư (PPP), hợp đồng BOT. Ưu điểm của phương án này là không làm tăng nợ công do không sử dụng vốn ODA và Nhà nước có nguồn thu từ việc khai thác tài sản sau khi hết thời hạn hợp đồng BOT.
Khánh Hoài (T/H)

>> xem thêm

Bình luận(0)