Sáng 26/7, tại Hải Phòng, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), UBND TP Hải Phòng, Tổng cục Biển và Hải đảo đã phối hợp tổ chức chuỗi sự kiện với chủ đề “Phát huy vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thực hiện Nghị quyết 36/NQ/TW (2018) về chiến lược phát triển kinh tế biển bền vững gắn với công bằng xã hội”.
Tham dự hội thảo có TS. Nghiêm Vũ Khải - Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; TS Phan Tùng Mậu - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; ông Lê Khắc Nam - Ủy viên Ban thường vụ thành ủy, Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng; ông Philip Degenhardt - Giám đốc khu vực Quỹ Rosa Luxemburg Stiftung khu vực Đông Nam Á.
|
TS. Nghiêm Vũ Khải - Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phát biểu khai mạc hội thảo. |
Ngoài ra, còn có gần 100 đại biểu tham gia phiên thảo luận bàn tròn và thảo luận chung, chia sẻ kinh nghiệm, góc nhìn qua thực tế từ các tổ chức trong nước và quốc tế, thảo luận về các khuyến nghị chính sách, xây dựng kế hoạch hành động của VUSTA thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phát biểu tại hội thảo, TS. Nghiêm Vũ Khải cho biết, Nghị quyết số 36-NQ/TW là văn kiện rất quan trọng của Đảng. Các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển bền vững kinh tế biển đề ra trong Nghị quyết là các vấn đề rất bao quát, có tính chất chiến lược và dài hạn. Nghị quyết đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá.
Theo Phó Chủ tịch VUSTA, hội thảo lần này sẽ là mốc quan trọng vô cùng ý nghĩa ghi nhận hợp các bên giữa Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Tổng cục Biển và Hải đảo, đặc biệt là khi 2020 Việt Nam đảm nhận vai trò chủ tịch luân phiên ASEAN, chủ đề kinh tế biển bền vững là nội dung nổi bật để mối quan hệ hợp tác này phát huy ở tầm vóc khu vực, cả khối quản lý nhà nước và hợp tác giữa các tổ chức nhân dân.
|
Ông Lê Khắc Nam - Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng phát biểu tại hội thảo. |
|
Đông đảo đại biểu tham gia buổi hội thảo. |
Tại buổi hội thảo, ông Lê Khắc Nam - Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho hay, trong 6 tháng đầu năm 2019, Hải Phòng tiếp tục duy trì phát triển mạnh mẽ và đột phá. Kinh tế tăng trưởng cao, hầu hết các chỉ tiêu quan trọng đều thực hiện vượt mức, tạo đà để thành phố đat những đỉnh cao mới. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng gần 24%, cao gấp gần 2,5 lần bình quân chung cả nước. Tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn ước đạt trên 7 tỷ đô la Mỹ, tăng gần 90% so với cùng kỳ, gấp 11 lần tốc độ tăng cả nước.
Ông Nam khẳng định, với những lợi thế sẵn có, Hải Phòng quyết tâm vươn lên làm giàu từ kinh tế biển mà trọng điểm là phát triển cảng biển, dịch vụ cảng, công nghiệp, du lịch; xây dựng hệ thống các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng chất lượng cao, thu hút đội ngũ các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế giỏi về Hải Phòng gắn với phát triển đào tạo nhân lực, nhân tài. Đồng thời, xây dựng Hải Phòng trở thành đô thị kiểu mẫu, sáng, xanh, sạch, đẹp, gần gũi thiên nhiên, có chất lượng sống tốt; hun đúc khát vọng xây dựng thành phố trí tuệ, hạnh phúc, đáng sống.
Các đại biểu tham dự còn được lắng nghe những chia sẻ tham luận từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước, Viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức quốc tế như Quỹ Rosa Luxemburg Stiftung, các nhà nghiên cứu, đại diện các hội và trung tâm liên quan cùng đông đảo các nhà nghiên cứu, quản lý và truyền thông.
|
Hải Phòng quyết tâm vươn lên làm giàu từ kinh tế biển. (Ảnh: Đảo Cát Bà, Hải Phòng). |
Chia sẻ tại hội thảo, ông Tạ Đình Thi - Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo cho biết, cơ quan tham mưu và điều phối báo cáo việc thực hiện Nghị quyết 36 đã đánh giá cao nỗ lực của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, các tổ chức thành viên có nhiều đóng góp tích cực cho bảo vệ môi trường biển, hải đảo, và ông tin tưởng rằng mối quan hệ hợp tác nay sẽ góp phần thực hiện thành công mục tiêu cụ thể của chiến lược biển “Tiếp cận, tận dụng tối đa thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến và thuộc nhóm nước dẫn đầu trong ASEAN, có một số lĩnh vực khoa học và công nghệ biển đạt trình độ tiên tiến, hiện đại trên thế giới.
Theo ý kiến của TS Nguyễn Lê Tuấn - Tổng cục Biển và Hải đảo cho biết, trong kế hoạch 5 năm đến năm 2025 cần xây dựng và đưa vào vận hành ổn định, thông suốt cơ chế phối hợp, liên thông trong cấp phép ở biển, xả nước thải vào môi trường biển, giao khu vực biển; Hoàn thiện bộ tiêu chuẩn quốc gia về du lịch tương thích với các tiêu chuẩn trong ASEAN; Tiếp tục phát triển đội tàu biển Việt Nam theo hướng hiện đại, hiệu quả; Tiếp tục phát huy hiệu quả, đảm bảo an toàn khai thác tuyến vận tải hành khách ven biển, từ bờ ra đảo; Nâng cao thị phần vận chuyển hàng hóa xuất khẩu; Tăng cường hợp tác với các cơ quan quản lý cảng biển, hãng tàu biển nước ngoài để thu hút nguồn hàng thông qua Cảng biển Việt Nam; Khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; Nuôi trồng và khai thác hải sản; Công nghiệp ven biển; Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới; Phát triển các vùng biển; Phát triển kết cấu hạ tầng biển và ven biển; Nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hóa biển, xã hội gắn bó, thân thiện với biển; Về khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực biển; Về môi trường, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu và nước biển dâng; Đảm bảo quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế.
Bên cạnh đó, ý kiến của PGS.TS Lê Bộ Lĩnh – nguyên Phó Tổng thư ký Quốc hội cho rằng, cần tái cấu trúc hệ thống tổ chức KHCN công lập về biển đảo. Có thể xây dựng học viện KHCN biển đảo Việt Nam; Liên kết, hợp tác với các tổ chức KHCN các nước; Đánh giá nguồn nhân lực KHCN biển hiện nay về số lượng, chất lượng cơ cấu; Đổi mới chương trình đào tạo; Chính sách đãi ngộ đối với cán bộ KHCN biển…