Hai "công chúa" của Korean Air Lines bị bố thẳng tay sa thải

Google News

Hai “công chúa” này của Korean Air Lines là tác giả của hai vụ bê bối gây xôn xao “cốc nước nổi giận” và “hạt mắc-ca nổi giận”...

 Hai chị em Heather Cho (trái) và Emily Cho - Ảnh: Korea Times.
Hãng hàng không Korean Air Lines đã trở thành công ty gia đình quy mô lớn (chaebol) tiếp theo của Hàn Quốc chứng kiến sự suy giảm đại diện của gia đình sáng lập.
Theo hãng tin Bloomberg, ông Cho Yang-ho, Chủ tịch của Hanjij Group - hãng mẹ của Korean Air Lines - vừa thẳng tay sa thải hai ái nữ của ông khỏi tập đoàn này.
Trước đó, con gái út của ông Cho là Emily Cho bị tố hất nước vào mặt một nhân viên quảng cáo tại một cuộc họp. Cách đây 4 năm, con gái lớn của ông là Heather Cho từng phải ngồi tù 5 tháng vì gây ra vụ "hạt mắc-ca nổi giận" khiến dư luận "dậy sóng".
Ông Cho, người đồng thời cũng giữ cương vị Chủ tịch của Korean Air, nói trong một bức email gửi đi vào ngày Chủ nhật rằng ông sẽ đưa các nhà quản lý doanh nghiệp chuyên nghiệp vào thay thế Emily Cho, 35 tuổi, và Heather Cho, 38 tuổi. Điều này đồng nghĩa với việc Emily bị cách chức Phó chủ tịch cấp cao của Korean Air, còn Heather không còn được giữ chức Chủ tịch Kal Hotel Network.
Động thái này diễn ra chỉ vài ngày sau khi cảnh sát Hàn Quốc tiến hành lục soát trụ sở của Korean Air sau những thông tin về vụ "cốc nước nổi giận" - cáo buộc Emily Cho hất nước vào mặt nhà quảng cáo.
Trong vụ "hạt mắc-ca nổi giận" cách đây 4 năm, Heather Cho bắt một tiếp viên phải quỳ xuống xin lỗi vì mang món hạt mắc-ca đựng trong túi, thay vì đựng trong đĩa, tới mời bà. Tiếp đó, Heather bắt máy bay phải quay lại cổng xuất phát tại sân bay JF Kennedy ở New York, khiến chuyến bay bị muộn. Vì hành động này, Heather bị báo chí Hàn Quốc gán cho biệt danh "công chúa hư".
Những năm gần đây, dư luận Hàn Quốc ngày càng ngán ngẩm với cách hành xử của thành viên các gia đình sáng lập chaebol. Những chaebol khổng lồ của nước này như Samsung, Hyundai và Lotte chịu sức ép ngày càng lớn từ các nhà đầu tư và Chính phủ đòi phải tăng cường minh bạch và giảm cơ chế sở hữu chéo khiến các tập đoàn này chịu sự kiểm soát quá lớn của gia đình sáng lập.
Theo dự báo của giới phân tích, lợi nhuận ròng của Korean Air có thể giảm 46% trong năm nay, còn 430,8 tỷ Won, tương đương 403 triệu USD.
Giá cổ phiếu Korean Air tăng 0,9% vào đầu giờ giao dịch sáng ngày thứ Hai, nhưng đã giảm khoảng 6,3% kể từ hôm 12/4 - khi truyền thông Hàn Quốc bắt đầu đưa tin về vụ "cốc nước nổi giận".
Theo Diệp Vũ/VnEconomy

>> xem thêm

Bình luận(0)