HAGL nợ “khủng” thế nào trước khi được THACO “cứu“?

Google News

(Kiến Thức) - Là tập đoàn lớn kinh doanh trên nhiều lĩnh vực... nhưng 10 năm trở lại đây, Hoàng Anh Gia Lai gặp nhiều khó khăn dẫn tới nợ “khủng”.

Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) vừa ký kết thành công hợp tác với công ty ô tô Trường Hải (THACO) do ông Trần Bá Dương làm Chủ tịch. Theo đó, THACO đã, đang và sẽ tiếp tục đầu tư số vốn lên tới 1 tỉ USD vào HAGL. Trong một cuộc phỏng vấn với báo Người lao động, ông Đoàn Nguyên Đức cho hay: HAGL giống như con tàu lớn đang chìm giữa biển, chỉ có THACO có ưu thế về quản trị và tài chính mới giúp được HAGL.
HAGL no “khung” the nao truoc khi duoc THACO
 Ông Đoàn Nguyên Đức phát biểu tại lễ ký kết hợp tác với THACO. Ảnh: Người lao động.
Theo báo cáo tài chính mới nhất của HAGL được công bố, tính đến thời điểm 30/6/2018, tổng nợ HAGL ghi nhận 36.851 tỷ, trong đó nợ vay (ngắn và dài hạn) chiếm hơn 23.161 tỷ - gấp 2,5 lần vốn chủ sở hữu. Điều này khiến Kiểm toán mới đây đã lưu ý khả năng hoạt động liên tục của Tập đoàn khi cuối năm 2017, nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn.
Chủ nợ lớn nhất của doanh nghiệp này là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và công ty liên quan. HAGL đang nợ BIDV và công ty có liên quan tổng cộng hơn 9.223 tỷ đồng, bao gồm 376,3 tỷ đồng vay ngắn hạn, 2.971 tỷ đồng vay dài hạn và 5.876 tỷ đồng vay trái phiếu do BIDV và Công ty TNHH Chứng khoán BIDV phát hành. Như vậy, chỉ riêng khoản tín dụng BIDV cho HAGL vay đã chiếm khoảng 40% tổng nợ vay tài chính của doanh nghiệp này hiện nay.
Tiếp sau, ngân hàng Sacombank cũng là chủ nợ lớn của HAGL đang cho doanh nghiệp này vay dài hạn 2.770 tỷ đồng và ngắn hạn 58,5 tỷ đồng.
Cùng với 2 ngân hàng trên, Bầu Đức còn nợ tại một loạt ngân hàng khác như: vay dài hạn HDBank hơn 1.495 tỷ; vay 1.397 tỷ dài hạn và 374,6 tỷ đồng ngắn hạn từ ngân hàng Liên doanh Lào Việt (chi nhánh Attapeu); Ngân hàng Tiên Phong cũng cho HAGL vay 1.229 tỷ đồng dài hạn và 299,6 tỷ đồng ngắn hạn; Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Campuchia cũng cho vay 19,3 tỷ đồng dài hạn và 35,1 tỷ đồng ngắn hạn.
Ngoài ra, một loạt các tổ chức cũng phát hành trái phiếu với HAGL có thời hạn đến năm 2026, ngoài con số 5.876 tỷ đồng do BIDV và Công ty TNHH Chứng khoán BIDV phát hành, có thể kể đến như: Công ty CP Chứng khoán Euro Capital 1.694 tỷ đồng; Công ty Chứng khoán Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng 991 tỷ đồng; Chứng khoán Phú Gia 930 tỷ đồng; Chứng khoán FPT và Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng 594 tỷ đồng...
Theo chia sẻ của ông Đức, HAGL có tổng tài sản lên đến 53.000 tỉ đồng, đã hoạt động trên 25 năm với ngành nghề sản xuất kinh doanh chủ lực hiện nay là nông nghiệp, trải rộng trên lãnh thổ của 3 quốc gia Việt Nam, Lào, Campuchia với tổng diện tích trên 80.000 ha, cùng với dự án khu phức hợp HAGL nằm tại trung tâm thành phố Yangon – Myanmar đã tạo ra công ăn việc làm cho hơn 30.000 lao động trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, gần 10 năm qua doanh thu của HAGL đi xuống là do thiếu may mắn. Đó là với kế hoạch đầu tư phát triển trồng mới cây cao su trên quy mô lớn tại 3 nước Đông Dương, nhưng HAGL đã không may khi bắt đầu triển khai trồng thì giá mủ cao su lên đến 5.000 USD/tấn nhưng khi chính thức đưa vào khai thác thì gặp phải khủng hoảng kinh tế, giá dầu giảm mạnh, dẫn đến giá mủ cao su giảm sâu và đến nay vẫn chỉ khoảng 1.300 USD/tấn.
HAGL no “khung” the nao truoc khi duoc THACO
Trồng cao su với diện tích lớn nhưng HAGL không gặp may khi doanh thu từ cây này giảm sâu. Ảnh: Giáo dục Việt Nam.
Từ đó, các hoạt động khai thác mủ cao su gần như ngưng trệ toàn bộ, do càng khai thác càng lỗ, cho nên HAGL đối diện với cuộc khủng hoảng trầm trọng. Chính điều này làm cho HAGL đối diện với nhiều khó khăn, bị mất thanh khoản, không đủ khả năng trả nợ gốc và lãi vay đến hạn. Giá cổ phiếu giảm sâu, HAGL đã từng đối diện với nguy cơ bị bán giải chấp để trả nợ cho các khoản vay đến hạn
"Mặc dù đã được Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét tái cấu trúc nợ, giảm lãi suất, đồng thời công ty cũng đã nỗ lực cơ cấu lại nguồn vốn theo hướng giảm nợ, nhưng đến nay tổng dư nợ vay của HAGL vẫn còn khoảng 23.000 tỉ đồng dẫn đến chi phí lãi vay phát sinh hàng năm rất lớn", ông Đức chia sẻ.
Do đó, việc hợp tác với THACO thực sự là bước “cứu cánh” cho HAGL thoát khỏi tình trạng nợ nần, lãi vay bào mòn lợi nhuận như gần 10 năm qua.
Khôi Nguyên (Tổng hợp)

>> xem thêm

Bình luận(0)