Bầu Đức: Từ giàu nhất sàn chứng khoán đến nguy cơ bị hủy niêm yết

Google News

Dù gặt hái được nhiều thành công trong bóng đá khi là người trực tiếp mời HLV Park Hang-seo, cũng như cung cấp cho U23 Việt Nam những cầu thủ tài năng. Song kinh doanh của Bầu Đức lại trượt dài trong khủng hoảng. 

Từ người giàu trên nhất sàn chứng khoán, hiện cặp đôi cổ phiếu HAG, HNG đang đứng trước nguy cơ bị huỷ niêm yết.
Nếu như năm 2009, thị trường bắt đầu biết đến người giàu trên sàn chứng khoán thì cái tên được nhắc đến chính là ông Đoàn Nguyên Đức, chủ tịch HĐQT HAGL (Bầu Đức) với vị trí quán quân. Năm đó, vượt qua khoảng 4.000 ứng viên trong bảng xếp hạng, Bầu Đức đã giành vị trí quán quân với 6.160 tỷ đồng cổ phiếu HAG.
Sau khi Vingroup niêm yết, vị trí quán quân nhường cho tỷ phú Phạm Nhật Vượng và Bầu Đức giữ vị trí thứ 2 trong nhiều năm. Rồi đến năm 2015, vị trí này nhường cho ông Trần Đình Long, chủ tịch HĐQT HPG, rồi tiếp tục trượt dốc và không có tên trong nhóm 20 người giàu nhất sàn chứng khoán. Năm 2017, cặp đôi cổ phiếu Bầu Đức là HAG, HNG phục hồi đã giúp Bầu Đức trở lại top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán. Nhưng với việc liên tiếp thua lỗ và chậm nộp BCTC, cặp đôi cổ phiếu Bầu Đức đang đứng trước nguy cơ bị huỷ niêm yết. Điều này đồng nghĩa với việc Bầu Đức bị xoá tên khỏi danh sách top người giàu trên sàn chứng khoán.
 Dù thành công với lứa Công Phượng, Xuân Trường, song bầu Đức đang phải đối mặt với những khoản nợ trong kinh doanh. Ảnh minh họa.
Doanh thu bán bò giảm 8 lần, trái cây giúp công ty bớt lỗ
Theo báo cáo tài chính quý IV.2017, HAGL Agrico do ông Đoàn Nguyên Đức, thường được biết tới với cái tên bầu Đức làm Chủ tịch HĐQT đạt 670 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 44% so với cùng kỳ 2016.
Nguyên nhân kéo doanh thu HNG giảm mạnh đến từ doanh thu bán bò giảm từ 838 tỷ đồng xuống còn 102 tỷ đồng do Công ty thiếu vốn lưu động để tài trợ cho ngành bò, chỉ duy trì đàn bò ở mức dùng để tận dụng nguồn phân cung cấp cho mảng nông nghiệp. Bên cạnh đó doanh thu từ sản phẩm, hàng hoá giảm mạnh 66% do Công ty tập trung vào sản phẩm ăn trái.
Dù doanh thu tăng nhưng giá vốn bán hàng chỉ ở mức gần 29 tỷ đồng so với con số 723 tỷ đồng quý IV.2016 khiến biên lợi nhuận gộp của HNG tăng lên 59%.
Khoản chi phí lãi vay ngân hàng và trái phiếu giảm 30% so với cùng kỳ còn 147 tỷ đồng song khoản lỗ tỷ giá hối đoái tăng vọt lên gần 46 tỷ đồng trong khi quý IV.2016 lãi 77 tỷ đồng khiến chi phí tài chính tăng mạnh.
Khoản chi phí khác trong kỳ giảm mạnh do quý IV.2016 Công ty đã thực hiện xóa sổ các tài sản hoạt động không hiệu quả dẫn đến giảm lỗ so với cùng kỳ.
 Doanh thu bán bò của bầu Đức giảm 8 lần so với cùng kỳ 2016.
Dù lợi nhuận tăng song các chi phí “bào mòn” hết lợi nhuận gộp của Công ty khiến HNG ghi nhận lỗ 57 tỷ đồng, tuy nhiên con số này đã giảm so với khoản lỗ 1.085 tỷ đồng cùng kỳ.
Luỹ kế năm 2017, HAGL Agrico đạt 3.348 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 30% nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 918 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 1.771 tỷ đồng. Đóng góp lớn vào doanh thu năm của HNG đến từ trái cây với tỷ trọng lên đến 49% và biên lợi nhuận gộp lên đến 54% trong năm 2017.
Năm 2017, HNG lên kế hoạch doanh thu thuần 4.794 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 1.509 tỷ đồng. Theo đó, Công ty đã vượt 43% kế hoạch doanh thu nhưng chỉ hoàn thành được 83% kế hoạch lợi nhuận gộp.
Gánh nặng nợ gần 22.000 tỷ đồng
Tính tới 31.12.2017, quy mô tổng tài sản của HNG đạt 32.491 tỷ đồng. Trong đó chi phí xây dựng cơ bản dở dang là 13.621 tỷ đồng chiếm đến 42% tổng tài sản và chủ yếu nằm ở chi phí phát triển vườn cây cao su và cọ dầu với 11.059 tỷ đồng.
Chi phí phát triển vườn cây ăn chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chưa đến 1.793 tỷ đồng nhưng con số này gấp 2,9 lần so với đầu năm 2017.
Cuối năm 2017, tổng nợ phải trả của HNG lên đến 21.972 tỷ đồng, gấp 2 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó khoản vay nợ ngân hàng, doanh nghiệp cùng vay từ trái phiếu đạt 14.158 tỷ đồng nhưng đã giảm 30% so với đầu năm 2017.
 

bau duc tu nguoi giau nhat san chung khoan den nguy co co phieu bi huy niem yet hinh anh 3
Cơ cấu cổ đông HAGL Agrico
Trước đó, tháng 10.2017 , ông Đoàn Nguyên Đức với vai trò Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã đăng ký bán 23 triệu cổ phiếu HAG để làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay của doanh nghiệp này.
Tiếp đó, tháng 12.2017, tới lượt Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai - HAGL (mã chứng khoán HAG) cũng ra thông báo đăng ký bán ra 8,5 triệu cổ phiếu HNG của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai - HAGL Agrico. Khối lượng cổ phiếu được đăng ký bán nhằm mục đích dùng làm tài sản đảm bảo cho việc tái cơ cấu các khoản vay của HAGL.
Thời điểm đó, HAGL đang là cổ đông lớn nhất tại HAGL Agrico, nắm giữ tổng cộng 64,81% vốn công ty nông nghiệp này.
Vẫn chưa rõ kết quả kinh doanh của HAGL trong năm 2017 như thế nào, nhưng trong quý III.2017, Bầu Đức đã mời Lý Xuân Hải, cựu tổng giám đốc ACB về làm cố vấn cho tập đoàn với hy vọng sẽ cải thiện trong năm tới. Tuy nhiên, kết quả này khó được cổ đông và thị trường ghi nhận, nếu cặp đôi cổ phiếu của Bầu Đức bị huỷ niêm yết.
Theo Hoàng Nhật/Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)