Đây là nội dung đáng chú ý trong kế hoạch phát triển nhà ở tới năm 2025 của UBND TP Hà Nội, với mục tiêu phát triển hơn 1,2 triệu m2 sàn nhà ở xã hội giai đoạn 2021 – 2025, với nguồn vốn khoảng 12.500 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, UBND TP Hà Nội sẽ dành khoảng gần 224 tỷ đồng để hoàn thành, điều chỉnh các hạng mục nhà A2, A3 thuộc dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) thành nhà ở xã hội (NƠXH) cho thuê, chuẩn bị đầu tư hạng mục nhà A4 thành NƠXH cho thuê tại dự án này.
|
Hà Nội: Vì sao chuyển đổi KTX sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp thành NƠXH cho thuê? (ảnh minh họa: Internet). |
Trước kế hoạch nhằm giúp giảm thiểu sự lãng phí của dự án, theo GS.Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, các dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho sinh viên được sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, nếu thiếu vắng người ở sẽ là sự lãng phí lớn về đất đai và tiền của. Thế nên phải thay đổi cách quản lý để không lãng phí và đáp ứng đúng nhu cầu nhà ở của xã hội. Quan trọng nhất ở đây phải có phương án quy hoạch, dành không gian để phát triển các hạ tầng xã hội như nhà trẻ, y tế, các nơi cung cấp dịch vụ đời sống cho cư dân khi người dân đến đó.
Thông tin trên báo chí, nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận: “Việc chuyển đổi nhà A2, A3 từ nhà ở sinh viên sang NƠXH cho các đối tượng quy định tại Luật Nhà ở năm 2014 là hoàn toàn phù hợp. Dự án này nằm trong khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp có sẵn hạ tầng, các căn hộ mới chỉ hoàn thiện phần thô cho sinh viên ở tập trung nên việc thi công lại dễ dàng. Nếu dự án chuyển đổi xong, triển khai tiếp bằng vốn ngân sách sẽ góp phần giải quyết lượng lớn nhu cầu về chỗ ở cho người thu nhập thấp”.
Được biết, dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp được xây dựng trên diện tích hơn 40.000m2, tại khu đất có vị trí đắc địa ở phía Nam Thủ đô, nằm gần cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, giáp đường Vành đai 3, đường Giải Phóng - là những tuyến đường huyết mạch, gần nhiều trường đại học, cao đẳng.
Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án là 1.492,5 tỷ đồng với nguồn vốn Trung ương để hỗ trợ chỗ ở cho sinh viên. Sau đó, mức vốn đầu tư cho dự án này tăng lên 1.900 tỷ đồng do dự án được lập và triển khai trong giai đoạn có biến động lớn về giá các vật liệu xây dựng.
Dự án gồm có 6 khối nhà (ký hiệu từ A1 - A6) với hơn 1.400 phòng, có khả năng đáp ứng chỗ ở cho khoảng 22.000 sinh viên các trường đại học. Theo thiết kế, mỗi phòng rộng hơn 50m2, được trang bị đầy đủ thiết bị như bình nóng lạnh, vòi tắm hoa sen, bàn học, giường tầng, có lắp đầu chờ điều hòa… Quy định suất đầu tư dành cho 8 người/phòng, với giá thuê là 205.000 đồng/người/tháng (chưa bao gồm giá điện, nước).
Mặc dù được khởi công từ năm 2009, tuy nhiên, đến nay mới chỉ có ba tòa nhà A1, A5 và A6 hoàn thành; nhà A4 chưa thi công do thiếu mặt bằng; nhà A2, A3 chưa hoàn thiện và mới chỉ xây dựng phần thô.
Trước đó, năm 2017, Sở Xây dựng Hà Nội từng báo cáo, đề xuất tách hạng mục nhà A4 ra khỏi dự án; chuyển đổi nhà A2, A3 từ công trình ký túc xá thành NƠXH để bán, cho thuê theo hình thức xã hội hóa. Doanh nghiệp được giao thực hiện có nhiệm vụ hoàn trả phần kinh phí Nhà nước đã đầu tư cho hạng mục tòa A2, A3, số tiền khoảng 340 tỷ đồng. Số tiền này sẽ dùng để trả nợ cho khối lượng đã hoàn thành của nhà A1, A5 và A6 khi đó là khoảng gần 234 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do tắc về cơ chế, vướng mắc pháp lý về đầu tư, quy hoạch, vốn... nên đề xuất phải dừng lại. Hệ lụy là nhiều khối nhà cao chọc trời, mới xây xong phần thô tiếp tục phơi mưa, nắng, xuống cấp...