Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội vừa có văn bản 2869/STNMT-ĐKTKĐĐ về việc bãi bỏ Văn bản số 1685/STNMT-ĐKTĐĐ có nội dung đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tạm dừng tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất đối với đất nông nghiệp; thửa đất có đất ở và đất nông nghiệp trong cùng thửa đất, thửa đất phi nông nghiệp không phải là đất ở.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội, việc bãi bỏ này thực hiện theo văn bản Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) và một số văn bản chỉ đạo của TP Hà Nội.
Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội đề nghị UBND các quận huyện, thị xã, các cơ quan, đơn vị liên quan xem xét, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chỉnh tách thửa đất, hợp thửa đất cho người sử dụng đất theo quy định.
Theo Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) tách thửa là quyền của người sử dụng đất khi áp dụng đầy đủ các điều kiện và được thực hiện theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. Do đó, yêu cầu trên của Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội không đảm bảo cơ sở pháp lý về nội dung và không thuộc thẩm quyền. Ngoài ra, điều này có thể ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.
Bên cạnh đó, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cũng nêu rõ, công văn 1685 của Sở Tài nguyên và Môi trường là văn bản hành chính có chứa quy phạm pháp luật, nên việc ban hành văn bản này là hành vi bị nghiêm cấm (quy định tại khoản 2, Điều 14, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020).
Từ những nội dung trên, để đảm bảo tính hợp Hiến, hợp pháp, kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng, ban hành văn bản, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo việc tự kiểm tra, xử lý văn bản 1685 theo quy định.
|
Hà Nội cho phép tách thửa, hợp thửa trở lại (ảnh minh họa: Internet). |
Trước đó, ngày 22/3/2022, tại Văn bản số 1685/STNMT-ĐKTĐĐ về việc đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước trong thực hiện thủ tục tách thửa đất, hợp thửa, Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội cho biết, thời gian vừa qua, đơn vị đã nhận được phản ánh của địa phương, người dân, doanh nghiệp, phương tiện thông tin đại chúng về việc phân lô, chia tách thửa đất, san hạ đất để xây dựng hạ tầng đường giao thông, vi phạm pháp luật đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn một số quận, huyện, thị xã. Với thông tin đó, Sở đã có đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tạm dừng việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất đối với thửa đất nông nghiệp; thửa đất có đất ở và đất nông nghiệp trong cùng thửa đất; thửa đất phi nông nghiệp không phải là đất ở.
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra, rà soát, báo cáo về việc phân lô, chia tách thửa đất, san hạ đất để xây dựng hạ tầng từ ngày 1/1/2017 đến hết ngày 31/1/2022 đối với các thửa đất có diện tích lớn hơn 500m2 (gồm: thửa đất nông nghiệp; thửa đất có đất ở và đất nông nghiệp trong cùng thửa đất), đã được UBND cấp huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
Ở diễn biến liên quan, ngày 25/5/2022, UBND TP Hà Nội cũng ban hành quyết định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 11/2017/QĐ-UBND ngày 31/3/2017 về thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn thành phố, có hiệu lực kể từ ngày 4/6/2022.
Theo đó, điều kiện, tiêu chí của thửa đất để tách thửa thành dự án độc lập là khu đất phải liền thửa, không bị chia cắt; có vị trí ít nhất một mặt tiếp giáp với tuyến đường hiện có, hoặc tuyến đường theo quy hoạch, có khả năng kết nối với hạ tầng kỹ thuật chung khu vực; có kích thước các cạnh của thửa đất từ 10m trở lên (đối với đất thương mại, dịch vụ và đất khác) hoặc 20m trở lên (đối với đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp). Quy mô, tỷ lệ của thửa đất có diện tích nằm ngoài chỉ giới đường đỏ tối thiểu từ 200m2 trở lên (đối với đất thương mại, dịch vụ và đất khác) hoặc 400m2 trở lên (đối với đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp) và chiếm từ 10% trở lên so với diện tích khu đất thực hiện dự án.
Hà Nội đang lấy ý kiến về dự thảo quy định điều kiện tách thửa, hợp thửa và diện tích, kích thước tối thiểu được tách đối với từng loại đất trên địa bàn.
Đối với các phường thuộc bốn quận lõi Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng, diện tích đất tối thiểu được tách không nhỏ hơn 30m2. Với các phường thuộc thị xã Sơn Tây và 8 quận còn lại, thửa đất hình thành từ việc tách phải không nhỏ hơn 40m2. Với các xã và thị trấn của 27 huyện, thửa đất hình thành từ việc tách không nhỏ hơn hạn mức giao đất ở mới (mức tối thiểu), cụ thể xã giáp ranh quận và thị trấn 60m2; xã vùng đồng bằng 80m2; xã vùng trung du 120m2 và xã miền núi 150m2.
Theo UBND thành phố, việc quy định diện tích tối thiểu của thửa đất sau khi tách nhằm hạn chế nhà siêu nhỏ, đảm bảo điều kiện sinh hoạt của người dân cũng như an toàn phòng chống cháy nổ, mỹ quan đô thị.
Hiện việc tách thửa ở Hà Nội áp dụng theo Quyết định 20/2017/QĐ-UBND ngày 1/6/2017 của UBND TP Hà Nội. Theo đó, diện tích thửa đất được hình thành từ việc tách không nhỏ hơn 30m2 đối với các phường, thị trấn và không nhỏ hơn 50% hạn mức giao đất ở mới (tối thiểu) với các địa bàn còn lại.