UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức TP Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030”.
Các sở gồm Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Thông tin và truyền thông, Sở Khoa học và công nghệ, Sở Giáo dục và đào tạo, Sở Y tế được giao chủ trì các chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng theo đề án kể trên. Theo kế hoạch, sẽ có nhiều cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng đủ tiêu chuẩn được cử đi học nước ngoài.
|
Hà Nội dự kiến chi gần 90 tỷ đồng đào tạo hàng trăm cán bộ tại Mỹ, Nhật, Singapore... |
Cụ thể, trong 4 năm từ 2022 - 2025, Sở Nội vụ sẽ chủ trì cử 60 cán bộ (kinh phí 11 tỷ đồng) đi học hỏi kinh nghiệm thực tế về quản lý phát triển đô thị ở một số nước như Nhật Bản, Singapore, Mỹ…
Sở Nội vụ cũng sẽ chủ trì cử 100 cán bộ đi học tại Nhật Bản, Mỹ, Đức, Singapore… về kinh nghiệm thực tế trong quản lý, phát triển nguồn nhân lực, với kinh phí khoảng hơn 18 tỷ đồng.
Sở Tài chính chủ trì, cử 100 cán bộ (kinh phí 18 tỷ đồng) sang Đức, Mỹ, Singapore… để học kinh nghiệm thực tế về quản lý tài chính công, đầu tư công, chiến lược, chính sách công; xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách ở một số nước tiên tiến.
Sở Khoa học và Công nghệ có chỉ tiêu cử 20 cán bộ (kinh phí 3,6 tỷ đồng) sang Úc, Mỹ, Singapore, New Zealand... học kinh nghiệm thực tế về quản lý, xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách về lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Sở Giáo dục và Đào đào tạo có chỉ tiêu cử 100 cán bộ (kinh phí 18,4 tỷ đồng) đi học kinh nghiệm thực tế về quản lý, xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, chuyển đổi số trong quản lý giáo dục ở Úc, Mỹ, Singapore, New Zealand.
Sở Y tế có chỉ tiêu cử 100 cán bộ đi học tại Pháp, Úc, New Zealand... về kinh nghiệm thực tế quản lý, xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, chuyển đổi số về lĩnh vực y tế, kinh phí hơn 18,4 tỷ đồng…
Theo nội dung kế hoạch, Sở Nội vụ được giao là cơ quan thường trực thực hiện đề án, tham mưu báo cáo UBND thành phố quyết định thành lập ban chỉ đạo thực hiện đề án. Chủ trì phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đề án; rà soát, tổng hợp nhu cầu, nguồn kinh phí thực hiện hàng năm gửi Sở Tài chính tổng hợp, tham mưu bố trí nguồn kinh phí.
Cùng đó, tổng hợp đề xuất của các cơ quan, đơn vị về chỉ tiêu đào tạo sau đại học, báo cáo UBND thành phố và triển khai thực hiện với nội dung đào tạo sau đại học theo quy định…
Thủ trưởng các sở, cơ quan tương đương sở; Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã được thành phố giao nhiệm vụ căn cứ vào mục tiêu cụ thể của đề án; đối tượng của từng chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng để lựa chọn cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn để cử đi đào tạo, bồi dưỡng, phải đảm bảo đúng độ tuổi theo quy định; đảm bảo đúng vị trí việc làm theo yêu cầu từng chỉ tiêu của đề án. Không cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng trong cùng một thời điểm tham gia nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng thuộc chương trình, kế hoạch, đề án khác nhau.
TP Hà Nội cũng yêu cầu tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập; ưu tiên lựa chọn, cử đi đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức, viên chức trẻ, cán bộ, công chức, viên chức là nữ, cán bộ, công chức, viên chức được đánh giá, xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và có chiều hướng phát triển tốt.
Tổng kinh phí đề án thực hiện đến năm 2025 là hơn 272,3 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách thành phố. Riêng đào tạo sau đại học, nguồn kinh phí dự kiến là 61,6 tỷ đồng, trong đó, đào tạo sau đại học tại các nước tiên tiến dự kiến chi phí hết 9,6 tỷ đồng, đào tạo sau đại học trong nước là 52 tỷ đồng.