Grab sẽ phải dừng hoạt động tại Hà Nội theo quy định mới

Google News

Từ 1/4, Grab chỉ được xem là hãng cung cấp phầm mềm, dịch vụ, không phải là doanh nghiệp vận tải, do vậy theo quy định phải dừng hoạt động.

Ngày 4/3 Sở GTVT Hà Nội tổ chức họp với các doanh nghiệp (DN) vận tải về triển khai nghị định mới về quản lý vận tải (Nghị định 10) có hiệu lực từ 1/4/2020.
Grab se phai dung hoat dong tai Ha Noi theo quy dinh moi
 Theo Nghị định 10, từ 1/4 các đơn vị kết nối gọi xe công nghệ (Grab, Bee, Fastgo) sẽ không được điều hành xe, thu cước vận tải.
Đại diện Sở GTVT thông báo, theo Nghị định 10, từ 1/4 các đơn vị kết nối gọi xe công nghệ (Grab, Bee, Fastgo) sẽ không được điều hành xe, thu cước vận tải.
Dừng hoạt động taxi công nghệ từ 1/4
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Tuyển, Phó trưởng Phòng Quản lý vận tải -Sở GTVT Hà Nội đã thông báo các nội dung mới trong quản lý kinh doanh vận tải với đại biểu dự họp. Ông Tuyển cho biết, tháng 1 vừa qua Chính phủ đã ban hành nghị định mới (Nghị định 10/2020/NĐ-CP) thay thế Nghị định 86 về kinh doanh, quản lý vận tải.
Đối với lĩnh vực quản lý hoạt động taxi, ông Tuyển cho biết, Nghị định 10 nêu rõ: từ 1/4 xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi phải có phù hiệu “XE TAXI” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe; phù hiệu “XE TAXI” phải được làm bằng chất liệu phản quang với kích thước tối thiểu 06 x 20cm.
Với xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ, nghị định cũng nêu rõ: xe hợp đồng điện tử sẽ được quyền lựa chọn gắn hộp đèn “TAXI” hoặc dán phù hiệu xe taxi cố định ở trên xe. Đặc biệt với loại hình xe công nghệ như Grab hoặc Uber trước đây, ông Tuyển cho biết, nghị định mới quy định, từ 1/4, các hãng công nghệ cung cấp phần mềm kết nối như Grab sẽ được xem là các hãng cung cấp phầm mềm, dịch vụ, không phải là doanh nghiệp vận tải, do vậy theo quy định các hãng này không được phép điều hành, quản lý hoạt động của phương tiện, cũng như thu tiền từ tài xế, hành khách.
Một số “lăn tăn” của doanh nghiệp vận tải
Đánh giá về các quy định trong nghị định mới, trong đó có các quy định về hãng Grab, ông Nguyễn Sinh Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, Nghị định 10 ban hành đã giúp cho các cơ quan quản lý có hành lang, pháp lý để quản lý nhiều loại hình vận tải mới, phức tạp. Theo ông Quyền, thời gian qua, nhiều loại hình mới vào Việt Nam đã tạo nên những chuyển biến nhưng cũng làm đảo lộn cả thị trường vận tải.
Đồng tình với việc quy định Grab là đơn vị cung cấp dịch vụ, phầm mềm và không được tham gia điều hành vận tải, nhưng ông Quyền cũng lưu ý, Sở GTVT cần quan tâm đến hàng vạn lao động, lái xe của grab sẽ chuyển đổi thế nào, đi đâu sau 1/4.
Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội nêu một số băn khoăn khi thực hiện Nghị định 10. Ông Hùng cho biết, việc cho phép các cá nhân được tham gia kinh doanh vận tải là điều chưa có tiền lệ và cần phải xem xét thấu đáo.
Đưa ra lưu ý này, ông Hùng cho rằng, DN vận tải hoạt động theo giấy phép, pháp luật và có hợp đồng giàng buộc với từng lái xe, ngoài ra còn tập huấn, đào tào về nghiệp vụ, kỹ năng cho lái xe…với hình thức kinh doanh cá nhân liệu có được các nội dung này.
Cùng với đó, ông cũng nêu một thực tế mà Sở GTVT cần phải lưu ý khi cho ý kiến xây dựng dự thảo Thông tư thực hiện nghị định 10: Tuy taxi truyền thống thực hiện nhiều nghĩa vụ, tuân thủ pháp luật nhưng khi đến các khu vực đón trả khách công cộng như sân bay, bến xe thường không có hoặc ít các điểm dừng đỗ để tiếp cận các sảnh đón trả khách, trong khi đó xe hợp đồng lại vào được.
Cùng với đó, khi lưu thông trên đường phải tuân thủ các biển cấm xe kinh doanh vận tải, còn xe công nghệ, hợp đồng thì không. Để công bằng, cơ quan quản lý cần phải có chính sách đồng bộ, tránh bất bình đẳng như hiện nay.
Phát biểu với tư cách là thành viên được mời họp về triển khai Nghị định 10, bà Đặng Thùy Trang, đại diện hãng Grab tại Việt Nam cho biết, Grab là DN hoạt động theo pháp luật và khi đến Việt Nam đã thực hiên đầy đủ các quy định của nhà nước.
Theo bà Đặng Thùy Trang, đại diện hãng Grab tại Việt Nam, việc ban hành Nghị định số 10 đã thể hiện sự nhất quán của Chính phủ Việt Nam trong việc áp dụng công nghệ để phát triển kinh tế số, trong đó có quản lý vận tải.
“Nghị định có một số quy định khác biệt với quy định trước đây, chúng tôi đang nghiêm túc tiếp thu và sẽ làm việc với cơ quan chức năng để chuẩn các bước thực hiện Nghị định”, bà Trang nói.
Tuy nhiên bà Trang cũng cho biết, Grab cũng sẽ có một số kiến nghị, đề xuất với cơ quan chức năng tại Việt Nam trong đó có Sở GTVT Hà Nội, do vậy sau cuộc họp hôm nay, Grab sẽ gửi các đề xuất, kiến nghị này bằng văn bản đến Sở GTVT Hà Nội.
Hành lang pháp lý rõ ràng
Theo các chuyên gia và tài xế công nghệ, sự ra đời của Nghị định 10/2020 sẽ giúp loại hình xe công nghệ mở rộng thị trường, tài xế nâng cao thu nhập…
PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế-tài chính, cho rằng Nghị định 10 cơ bản giải quyết được những tranh cãi trước đây. Giờ đây, loại hình xe công nghệ và taxi truyền thống có sự bình đẳng trong kinh doanh vận tải.
“Nghị định 10 có một số điểm mới. Cụ thể, với loại hình xe công nghệ, Nghị định tạo khung pháp lý để đảm bảo có sự quản lý chặt chẽ hơn của cơ quan nhà nước nhưng theo tôi, hoạt động của loại hình này không có sự thay đổi nhiều. Còn về hiệu quả của Nghị định cần thời gian để kiểm nghiệm…”, chuyên gia ông Ngô Trí Long nói.
Cũng theo ông Ngô Trí Long, Nghị định 10 đã phân biệt khá rõ giữa đơn vị kinh doanh vận tải và công ty công nghệ. Theo đó, doanh nghiệp nào tham gia ít nhất một trong các công đoạn chính như điều hành phương tiện, quyết định giá cước…thì được gọi là doanh nghiệp vận tải. Ngược lại, đơn vị nào không tham gia các công đoạn trên thì được xem là doanh nghiệp cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải. “Căn cứ vào đây, các doanh nghiệp có thể nghiên cứu nhằm đưa ra mô hình hoạt động phù hợp cho mình”, ông Ngô Trí Long nói.
Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ vào chiều 3/3, khi phóng viên đặt câu hỏi: Từ ngày 1/4, thử nghiệm xe hợp đồng điện tử của Bộ GTVT hết hiệu lực. Vậy sau thời điểm này các loại hình như Grab, Be, Fastgo sẽ được coi là doanh nghiệp vận tải hay nhà cung ứng phần mềm vận tải? Các doanh nghiệp này sẽ được tự động chuyển đổi hay cần thêm thủ tục gì để chuyển đổi sang loại hình kinh doanh mới? Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, khi dừng thí điểm ứng dụng đặt xe công nghệ, doanh nghiệp phải tự lựa chọn hình thức kinh doanh đúng luật.
"Tóm lại, dù loại hình nào, dùng cái tên nào thì cũng phải phù hợp với quy định của pháp luật, không phân biệt tên theo mục đích gì, cứ phải đúng theo quy định hoạt động và quy định về kiểm soát của thị trường vận tải đường bộ Việt Nam”, Thứ trưởng Đông nói./.
Theo Phi Long/VOV.VN

>> xem thêm

Bình luận(0)