Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng qua, Việt Nam đã xuất khẩu 7,05 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt 3,95 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu gạo tăng 15,9% về lượng và tăng mạnh 34% về giá trị.
Về thị trường xuất khẩu, Philippines vẫn là khách hàng lớn nhất. Kim ngạch xuất khẩu gạo sang thị trường này 10 tháng năm 2023 đạt gần 1,41 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2022.
Tiếp đến, Indonesia chi ra 554,6 triệu USD để mua 1,03 triệu tấn gạo của nước ta trong 10 tháng qua. So với cùng kỳ năm trước đó, giá trị xuất khẩu gạo sang thị trường này tăng đột biến 1.909,4% (gấp khoảng 20 lần).
Xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc đạt 510,6 triệu USD, tăng 33,4%; sang Ghana đạt 332,7 triệu USD, tăng 62,2%.
Trong top 5 thị trường xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam, chỉ có Bờ Biển Nga ghi nhận mức tăng trưởng âm 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về cơ cấu thị trường, Philippines chiếm 35,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 10 tháng năm 2023, giữ vị trí số 1. Tiếp đến là Indonesia và Trung Quốc lần lượt chiếm 13,8% và 12,9%.
Đáng chú ý, do gom mua lượng lớn gạo của Việt Nam suốt 10 tháng qua nên Indonesia chính thức vượt qua Trung Quốc để trở thành khách hàng lớn thứ 2 của gạo Việt. Cùng kỳ năm ngoái, gạo xuất sang thị trường Indonesia chỉ chiếm 0,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của nước ta.
Mới đây, Cơ quan Hậu cần Quốc gia Indonesia (Bulog) đã ký hợp đồng nhập khẩu 1 triệu tấn gạo trong tổng hạn ngạch bổ sung được giao là 1,5 triệu tấn từ 4 quốc gia gồm: Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Myanmar.
Theo Bulog, đợt nhập khẩu bổ sung này được tiến hành nhằm tăng cường kho dự trữ gạo của Chính phủ Indonesia đến năm 2024. Bulog sẽ thực hiện nhiệm vụ nhập khẩu gạo từ bất kỳ quốc gia nào đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn.
Song Bulog cũng lưu ý, mặc dù Chính phủ Indonesia đã cấp thêm hạn ngạch nhập khẩu gạo với 1,5 triệu tấn, nhưng việc thực hiện sẽ được điều chỉnh tùy theo nhu cầu phân phối trong nước.
Kho gạo do Bulog kiểm soát hiện còn 1,45 triệu tấn. Với việc thực hiện chỉ đạo nhập khẩu bổ sung, số lượng gạo dự trữ của cơ quan này sẽ tăng lên để đáp ứng nhu cầu phân phối đến năm sau nhằm duy trì ổn định giá gạo trong nước.
Đầu tháng 10 vừa qua, quyền Bộ trưởng Nông nghiệp Indonesia đã tuyên bố xác nhận Việt Nam và Thái Lan sẽ là hai nguồn cung gạo chính cho đợt thu mua 1,5 triệu tấn gạo tới đây.
Hồi đầu năm nay, Indonesia cũng mua 2 triệu tấn gạo phục vụ nhu cầu dự trữ quốc gia.
Dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong phiên 9/11, gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam được giao dịch ở mức 653 USD/tấn, gạo 25% tấm là 643 USD/tấn.
Năm nay, dự báo nước ta sẽ xuất khẩu 8 triệu tấn gạo, thu về khoảng 4,5 tỷ USD.
Theo Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, giá gạo của Việt Nam xuất khẩu trong năm 2024 vẫn ở mức cao và không thể giảm xuống dưới 640-650 USD/tấn. Bởi, lượng lúa gạo trên toàn cầu đang dần dần khan hiếm, trong khi nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường truyền thống Philippines, Indonesia hay Trung Quốc để phục vụ nhu cầu tiêu dùng và dự trữ vẫn cao.