Giải pháp nào giúp “ông lớn” ngành thép lãi cao giữa đại dịch?

Google News

Trái ngược lại với bức tranh kinh doanh u ám, nhiều “ông lớn” ngành thép vẫn lãi cao giữa đại dịch COVID-19.

Làn sóng COVID-19 lần thứ 4 quay lại Việt Nam với tốc độ siêu lây nhiễm, số ca nhiễm theo ngày liên tục lập kỷ lục khiến kinh tế trở nên khó khăn, doanh nghiệp lao đao. Tuy nhiên, trái ngược lại với bức tranh kinh doanh u ám, nhiều “ông lớn” ngành thép vẫn lãi cao giữa đại dịch COVID-19.
Giai phap nao giup “ong lon” nganh thep lai cao giua dai dich?
 Nhiều “ông lớn” ngành thép lãi cao giữa đại dịch. (Ảnh minh họa).
Dịch bệnh phức tạp, ngành thép vẫn lãi cao
Đi đầu là Tập đoàn Hòa Phát (HPG). Theo công bố, tháng 8/2021, Tập đoàn nay đạt sản lượng thép thô 681.000 tấn, tăng 40% so với cùng kỳ. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép đạt 690.000 tấn. Trong đó, thép xây dựng đạt 268.000 tấn, giảm 17% so với cùng kỳ.
Tổng công suất thép thô hiện nay của Hòa Phát là 8 triệu tấn/năm, trong đó thép xây dựng là 5 triệu tấn, thép cuộn cán nóng 3 triệu tấn/năm. Lũy kế 8 tháng 2021, Hòa Phát đạt sản lượng thép thô 5,4 triệu tấn, tăng 56% so với cùng kỳ năm trước.
Sản lượng bán hàng thép thành phẩm các loại đạt 5,6 triệu tấn, tăng 47% so với cùng kỳ. Trong đó, thép xây dựng gần 2,5 triệu tấn, tăng 16%. Sản phẩm ống thép Hòa Phát ghi nhận 458.000 tấn, bằng 92% so với cùng kỳ. Sau 8 tháng, tôn Hòa Phát đạt gần 218.000 tấn, gấp 2,4 lần cùng kỳ 2020.
Đáng chú ý, lũy kế 6 tháng đầu năm, Hòa Phát đạt doanh thu thuần hơn 66,295 tỷ đồng và lãi ròng 16,699 tỷ đồng, tăng tương ứng 67% và 232% so cùng kỳ. Quý 2 vừa qua cũng là quý báo lãi đậm nhất từ trước đến nay của Hòa Phát với số lãi 9.745 tỷ đồng, tăng 253% so với quý 2 năm ngoái. Đây cũng là thành tích lợi nhuận cao nhất trong lịch sử hoạt động của Hòa Phát.
Tiếp theo là Tập đoàn Hoa Sen cũng ghi nhận lãi trên 1.700 tỷ đồng trong quý 2/2021, tăng trưởng 435% so với cùng kỳ năm ngoái. Tập đoàn của Chủ tịch Lê Phước Vũ tiêu thụ trên 615.000 tấn sản phẩm thép, tăng 56%.
Trong quý 2 vừa qua, Thép Nam Kim cũng báo lãi kỷ lục 848 tỷ đồng, gấp 49 lần quý 2/2020. Tính chung nửa đầu năm nay, Thép Nam Kim đạt 11.862 tỷ đồng doanh thu, tăng 149% so với cùng kỳ. Lãi ròng gấp gần 20 lần lên mức 1.166 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Tổng Công ty thép Việt Nam và Đầu tư Thương mại SMC cũng thông báo lợi nhuận tăng trưởng lần lượt 156% và 1.173%. Lũy kế 6 tháng, SMC ghi nhận lãi ròng 710 tỷ đồng, cao gấp gần 13 lần cùng kỳ.
Một số doanh nghiệp chuyển từ lỗ trong quý 2/2020 sang có lãi trong quý 2 năm nay như: Thép Tiến Lên, Thép Pomina hay Kim khí KKC.
“Ông lớn” thép lãi cao nhờ đâu?
Thép Nam Kim cho biết, doanh thu tăng là do đẩy mạnh các kênh bán hàng trong và ngoài nước, nhờ sản xuất quy mô lớn cũng giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp lên hơn 18,6% trong quý 2/2021, từ mức 4,6% của cùng kỳ. Mở rộng quy mô cũng khiến các chi phí đội lên đáng kể, trong đó chi phí bán hàng cao đột biến gấp 5 lần cùng kỳ.
Theo Chứng khoán Bản Việt (VCSC), biên lợi nhuận của các nhà sản xuất thép niêm yết tại Việt Nam gia tăng nhờ hưởng lợi từ xu hướng tăng của cả nguyên liệu đầu vào (quặng sắt và HRC) và giá thép thành phẩm thông qua tích lũy nguyên liệu đầu vào với giá thấp hơn.
Giai phap nao giup “ong lon” nganh thep lai cao giua dai dich?-Hinh-2
 Doanh nghiệp ngành thép trong nước công bố lợi nhuận nửa đầu năm 2021 với kết quả rất tích cực. (Ảnh minh họa).
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, sự tăng trưởng của thị trường xuất khẩu đã giúp làm giảm áp lực nguồn cung cho thị trường trong nước thời gian qua.
Ông Nguyễn Văn Sưa, chuyên gia ngành thép cho hay, để duy trì sản xuất và công việc cho người lao động, nhiều doanh nghiệp ngành thép nói riêng và nhiều ngành nghề phải tìm hướng xuất khẩu. Bởi lẽ thị trường trong nước vì ảnh hưởng của COVID-19, giãn cách xã hội mà việc vận chuyển, xây dựng bị dừng lại.
Khánh Hoài

>> xem thêm

Bình luận(0)