Theo công văn điều hành xăng dầu của Liên Bộ Công Thương - Tài chính ngày đã chính thức duyệt tăng giá bán lẻ xăng dầu trong kỳ điều chỉnh ngày 1/3. Theo đó, giá xăng E5 RON92 tăng 545 đồng/lít so với giá hiện hành, giá bán không cao hơn 26.077 đồng/lít. Xăng RON95-III tăng 547 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành, giá bán không cao hơn 26.834 đồng/lít.
Giá các mặt hàng dầu đều tăng. Dầu hoả là 19.978 đồng một lít, tăng 469 đồng. Dầu diesel là 21.310 đồng một lít, tăng 509 đồng. Dầu madut là 18.468 đồng một kg, tăng 536 đồng.
Cũng tại kỳ điều chỉnh này, cơ quan điều hành chi quỹ bình ổn cho RON 95, E5 RON 92 và diesel ở mức 220-300 đồng/lít. Còn trích lập với dầu mazut là 300 đồng/kg. Đây là lần thứ 3 liên tiếp xăng dầu tăng giá trong năm mới Nhâm Dần.
Từ sáng 1/3, các công ty kinh doanh gas tại TP.HCM cho biết, giá gas bán lẻ trong nước tiếp tục tăng thêm 3.500 đồng/bình 12kg, tương ứng mức tăng 42.000 đồng mỗi bình 12kg so với trước đó.
|
Giá gas tăng mạnh, vượt 500.000 đồng/bình 12kg.
|
Đại diện Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) cho biết giá gas bán lẻ của công ty sẽ tăng 3.500 đồng/kg, tương ứng mức tăng 42.000 đồng mỗi bình 12kg. Theo đó giá bán lẻ tối đa đến tay người tiêu dùng của gas SP là 502.000 đồng/bình 12kg.
Trong khi đó, đại diện Công ty cổ phần thương mại dầu khí Thái Bình Dương thông tin, các sản phẩm gas Pacific, Vimexco Gas và City Petro đều tăng, với mức giá bán lẻ tối đa đến tay người tiêu dùng không vượt quá 524.500 đồng/bình 12kg, 1.965.000 đồng/bình 45kg, 2.184.500 đồng/bình 50kg,...
Theo nhiều chủ cửa hàng kinh doanh mặt hàng ăn uống trên địa bàn TP.HCM trước áp lực giá xăng, gas tăng tiếp tục leo thang trong thời gian qua đã khiến họ nơm nớp lo sợ lỗ vốn vì chi phí đầu vào đội lên cao.
|
Nhiều cửa hàng kinh doanh thực phẩm chấp nhận lợi nhuận mỏng hơn để giữ khách. Clip: Hoàng Trang.
|
Anh Nguyễn Hoàng Tuấn, chủ quán cơm tấm Ty Mập, quận 7 cho biết: "Trung bình mỗi tháng, quán tôi sử dụng khoảng 12 bình gas loại 12kg. Trước đây tôi mua mỗi bình gas loại 12kg chỉ khoảng 400.000 đồng thì nay phải mua với giá là 502.000 đồng/bình, mỗi bình gas này đã tăng thêm khoảng hơn 100.000 đồng", anh Tuấn tính toán.
Anh Tuấn cho biết thêm, tuy giá xăng, gas tăng cao nhưng cửa hàng của anh chưa thể tăng giá dịch vụ và khẩu phần ăn của khách thời điểm này bởi sau dịch, khách hàng cũng gặp không ít khó khăn, phải hạn chế chi nhiều trong việc chi tiêu, mua sắm. Dẫu vậy, giá xăng và gas tiếp tục tăng cao trong thời gian tới, cửa hàng anh có thể sẽ giảm bớt nguyên liệu để giữ nguyên giá bán.
|
Chủ cửa hàng kinh doanh ăn uống vật vã vì cơn bão giá xăng, gas tăng cao.
|
Tương tự, ông Hoàng Văn Long, quản lý nhà hàng Lẩu cua đồng, quận 7 cho biết, nhà hàng của ông chủ yếu sử dụng bếp gas để nấu nướng do đó khi giá gas tăng mạnh lên mức hơn 500.000 đồng/bình 12kg và 1,9 triệu đồng/bình 45kg khiến hoạt động kinh doanh của nhà hàng gặp khó khăn.
"Nhà hàng tôi đa số phục vụ lượng khách quen, khách cố định nên phải chấp nhận giảm lợi nhuận để giữ nguyên giá bán nên thời điểm này, nhà hàng đành phải thắt chặt chi tiêu nhất có thể. Và nếu, thời gian tới giá xăng, gas cứ tiếp tục tăng cao thì tôi mới tính đến chuyện tăng giá bán”, ông Long cho hay.
Trong bối cảnh chưa kịp phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19, lượng khách chưa ổn định, lại đối mặt với cơn bão giá xăng, dầu ngày một lên cao, đã và đang gây không ít khó khăn đến hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Do đó, theo nhiều chủ quán ăn trong thời gian tới, nếu giá tiếp tục tăng mạnh thêm, họ bắt buộc phải tăng giá bán để duy trì hoạt động, điều này ảnh hưởng trực tiếp tới người tiêu dùng.