Khảo sát tình hình đời sống dân cư tháng 4 đầu năm của Tổng Cục thống kê cho thấy, có khoảng 30,6% hộ gia đình đang phải chịu ảnh hưởng do giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng cao.
Trên thực tế, nhiều mặt hàng tăng giá mạnh thời gian qua khiến đời sống của nhiều người dân gặp không ít khó khăn, phải thắt chặt hơn nữa chi tiêu.
Sức ép tăng giá
Tại một sạp tạp hóa ở chợ Tân Định (quận 1, TP.HCM), bà Thảo đong từng ca đường vào túi để bán cho khách hàng. Bà than thở chợ càng ngày càng ế ẩm, vắng khách nhưng "mặt hàng này vừa tăng giá thì lại nghe thông báo mặt hàng khác tăng theo" khiến sức mua càng èo uột.
Bà Thảo dẫn chứng, mới đây một hãng dầu ăn thông báo tăng giá từ 140.000 đồng lên 150.000 đồng/năm lít. Tiếp đến một số hãng mì gói cũng thông báo sắp tăng giá. Riêng đường cát của DN có thương hiệu trước tết nhập 28.500 đồng/kg, bán ra 30.000 đồng/kg đến nay tiếp tục lên giá.
Ông Hải, nhân viên tiếp thị của một công ty chuyên phân phối hàng tiêu dùng, mỹ phẩm Thái Lan cũng cho biết, vừa qua tỉ giá USD tăng nên khi nhập hàng về Việt Nam buộc giá phải tăng. Theo đó, các sản phẩm như mì ăn liền, bún miến, nước cốt dừa…tăng khoảng 5%.
“Chúng tôi cung cấp hàng cho các chợ truyền thống, quán ăn..., nhưng thời gian qua ế ẩm, tiểu thương chợ truyền thống giảm nhập hàng nên các công ty cũng bị ảnh hưởng”, ông Hải nhận xét.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Lương thực thực phẩm Colusa Miliket nhận xét, nội địa vẫn là thị trường chủ lực của công ty. Bình quân công ty phục vụ thị trường nội địa khoảng 2.000 tấn/sản phẩm.
Nhưng từ đầu năm đến nay giá các nguyên liệu đầu vào tùy loại tăng 5%-10%, có một số nguyên liệu tăng 20%. Các nhà cung cấp rục rịch thông báo bột mì sẽ tăng giá.
“Hiện nay sức mua thị trường vẫn là vấn đề quan tâm của các DN. Vì vậy, chúng tôi xây dựng kế hoạch tăng giá và đã thông báo cho khách hàng để chuẩn bị. Cùng đó, là hỗ trợ cho các khách hàng”, ông Tuấn nói.
Đại diện nhiều công ty khác cũng cho hay: Những tháng đầu năm nay, giá nguyên vật liệu đầu vào thế giới đang ở mức cao, khiến giá hàng hóa tiêu dùng trong nước bị tăng lên. Bên cạnh đó, USD tăng giá làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, gây sức ép lên mặt bằng giá cả nội địa. Sắp tới tiền lương công chức, người lao động tăng cùng với giá điện thay đổi thời gian điều chỉnh khiến DN lo ngại ảnh hưởng đến chi phí sản xuất.
Bộ Công thương dự báo chỉ số giá tiêu dùng trong nước có thể tăng sau khi thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1-7 và điều chỉnh giá điện theo cơ chế mới.
Thời gian tới Bộ Công thương tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành theo dõi sát diễn biến thị trường, bảo đảm đủ nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá
Ông Nguyễn Đức Toàn, Giám đốc thương mại Công ty MM Mega Market Việt Nam đánh giá, thời gian qua thế giới có nhiều biến động dẫn đến nguyên vật liệu đầu vào tăng, đặc biệt chi phí vận chuyển tăng nhiều. Từ đó, công ty nhận được nhiều đề nghị tăng giá từ nhiều nhãn hiệu lớn.
Trong bối cảnh trên, đặc biệt hiện tại người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, câu hỏi đặt ra với các nhà bán lẻ làm sao bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu cho người dân.
"Chúng tôi có ba trụ cột chính trong chính sách mua hàng và chính sách về giá. Đó là mua hàng tận nguồn, mua với số lượng lớn hoặc công ty có chương trình bình ổn giá cho hơn 1.000 sản phẩm thiết yếu như dầu ăn, đường, gạo, mắm…", ông Toàn cho hay.
Để làm được điều này, MM Mega Market lên chính sách giá tốt từ đầu năm và đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi, hai tuần/lần. Đưa tỉ lệ hàng khuyến mãi tăng cao từ 25% lên trên 30% để đồng hành, kích cầu tiêu dùng.
Tương tự, đại diện Lotte Mart cho biết, do kinh tế khó khăn nên sức mua hiện nay đang chững lại. “So với cùng kỳ năm ngoái, giá cả có tăng nhẹ ở một số mặt hàng, chủ yếu do tình hình thế giới bất ổn, khiến giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, nguồn cung hạn chế. Tuy nhiên, giá cả các mặt hàng nhập khẩu tại siêu thị từ sau tết đến nay vẫn duy trì không tăng giá”, đại diện Lotte Mart cho hay.
Theo đại diện Lotte Mart, để giúp khách hàng tiếp tục mua sắm các mặt hàng chất lượng mức giá ổn định, siêu thị cũng thường xuyên triển khai nhiều chương trình khuyến mãi.
Người tiêu dùng tranh thủ mua hai xe mì gói khi siêu thị đang khuyến mãi mạnh. Ảnh: TÚ UYÊN
Ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam khái quát, hiện nay các yếu tố tỉ giá, tiền lương không tác động nhiều đến DN của ngành.
“DN sản xuất đường trong nước đang bị ảnh hưởng nặng nhất từ đường nhập lậu. Hai tháng nay giá đường tại các nhà máy “án binh bất động”, ông Lộc cho biết.
Theo ông Lộc, đường bán lẻ qua các khâu phân phối nên giá cả khó kiểm soát. Các nhà máy đường bán ra thị trường thời gian gần đây bình quân dưới 21.000 đồng/kg, tùy loại. Với mức giá này đường của Việt Nam đang thấp nhất so với các nước đang sản xuất đường như Philippines, Indonesia, Trung Quốc.
TS Huỳnh Thanh Điền, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho biết, chủ trương tăng lương của nhà nước là đúng đắn và tăng theo lộ trình. Hơn nữa, dù sản xuất trong nước phục vụ tiêu dùng đang khôi phục tốt, nguồn cung dồi dào nhưng sắp tới lương tăng, điện được thay đổi cách điều chỉnh giá chắc chắc ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của DN, đóng góp một phần vào giá hàng hóa tăng, khiến lạm phát tăng cao.
Từ đó, TS Điền lưu ý giá cả do cung cầu thị trường quyết định, nhưng DN không được thao túng giá, lợi dụng để tăng giá. Đối với những nhóm ngành hàng thiết yếu nhà nước tăng cường kiểm tra kiểm soát, chặt chẽ.
Số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 4 tăng đến 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có tới 8 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước. Ví dụ giá thịt heo, rau tươi, sữa, trà, cà phê và nhóm ăn uống ngoài gia đình... đều tăng giá. Đặc biệt giá xăng dầu tăng theo giá nhiên liệu thế giới được xem là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 tăng cao.