Mới đây, VinFast vừa đưa ra thông báo điều chỉnh chi phí sạc xe điện tại các trạm sạc công cộng của hãng, bao gồm cho ô tô lẫn xe máy. Nguyên nhân tăng phí được hãng xe Việt Nam đưa ra là thay đổi theo mức giá điện sinh hoạt tăng thêm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Mức phí mới đã được áp dụng từ ngày 10/6 cho đến khi có thông báo mới từ VinFast.
Theo đó, mức phí sạc mới là 3.210,9 đồng/kWh (đã bao gồm VAT), tương đương với mức giá mới của điện sinh hoạt bậc 5. Trước ngày 10/6, chi phí sạc tại các trạm sạc VinFast là 3.117,4 đồng/kWh (đã bao gồm VAT).
|
Phí sạc xe điện của VinFast tăng thêm 93,5 đồng/kWh do giá điện sinh hoạt được Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều chỉnh tăng thêm 3%. Ảnh: Internet. |
Như vậy, với mức tăng 93,5 đồng/kWh, chi phí sạc đầy pin cho ô tô điện VinFast tại trạm sạc công cộng tăng thêm khoảng 4.000 - 8.600 đồng tùy theo dòng xe, trong khi các mẫu xe máy điện dùng bộ pin 3,5 kWh thì phí sạc tăng chưa đến 350 đồng cho mỗi lần sạc.
Với trường hợp của dòng xe VinFast VF8 được trang bị bộ pin có dung lượng 88kWh, phí sạc xe pin đầy theo lý thuyết đủ dung lượng là 282.559 đồng theo đơn giá điện mới. Tuy vậy, có rất ít khách hàng để pin cạn mới sạc, do đó chi phí sạc thông thường rơi vào khoảng 100.000 - 200.000 đồng/lần sạc.
Những dòng xe có pin dung lượng thấp như VinFast VF e34 hay VF5, chi phí sạc này sẽ thấp hơn đáng kể. Do đo, mức tăng giá điện tại các trạm sạc không ảnh hưởng nhiều đến những khách hàng chỉ có nhu cầu di chuyển trong đô thị.
Được biết, hiện nay VinFast đã triển khai được hơn 150.000 cổng sạc trên cả nước, đây được xem là lợi thế của VinFast so với các đối thủ khác cũng đang phân phối xe điện như Porsche hay Mercedes-Benz. Ô tô điện của VinFast bán tại Việt Nam vừa có thêm mẫu xe đô thị cỡ nhỏ VF 3, nâng tổng số lượng dòng xe lên mức 5 chiếc. Trong tương lai sẽ có thêm 2 mẫu xe VF 6 và VF 7 để hoàn thiện dải sản phẩm.
Theo Quyết định số 377/QĐ-EVN ngày 27/4/2023 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), từ ngày 4/5/2023, giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.
Trước đó, ngày 3/2/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Quyết định 02/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân.
Cụ thể, khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) như sau: Mức giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu là 1.826,22 đồng/kWh; mức giá bán lẻ điện bình quân tối đa là 2.444,09 đồng/kWh.
Khi có biến độ lớn về các thông số tính toán khung giá, chi phí sản xuất kinh doanh điện và yêu cầu phân bổ các khoản chi phí chưa được tính vào giá bán lẻ điện bình quân, Bộ Công Thương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tính toán, điều chỉnh khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm theo dõi, báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính khi có biến động lớn về các thông số tính toán khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, chi phí sản xuất kinh doanh điện và cần phân bổ các khoản chi phí chưa được tính vào giá bán lẻ điện bình quân.