Giá cao su tăng có cứu được bầu Đức?

Google News

Cổ phiếu HAG vừa có sự bật tăng mạnh mẽ sau khi giá mủ cao su thiên nhiên trên thị trường thế giới tăng vọt...

Tính đến phiên giao dịch tối qua (15/11), giá cao su hợp đồng tương lai giao trên sàn Tocom lại tiếp tục tăng lên, đạt mức 212,2 yên/kg. Đây có lẽ là nguyên nhân chính khiến cả 2 mã cổ phiếu của bầu Đức đều tăng mạnh.
 
Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch sáng nay 16/11, giá cổ phiếu HAG đã tăng từ 5.360 đồng/CP lên 5.730 đồng/CP, tương đương mức tăng 7%. Đồng thời, cổ phiếu HNG của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế HAGL cũng tăng vọt từ 6.320 đồng/CP lên 6.760 đồng/CP, tương đương mức tăng khoảng 7%.
Đáng nói, nếu tính cả phiên tăng trần sáng nay, giá cổ phiếu HAG đã có mức tăng hơn 14% từ mức đáy 5.000 đồng/CP. Riêng giá cổ phiếu HNG cũng tăng vọt từ đáy giá 3 tháng là 5.400 đồng/CP, tương đương mức tăng khoảng 25%.
Đây quả là một tin vui cho bầu Đức cũng như các nhà đầu tư khi trong một khoảng thời gian khá dài, mã cổ phiếu HAG lừng lẫy một thời lao đao rớt giá thảm khi thông tin về những khoản nợ khủng đã đẩy mã cổ phiếu HAG, HNG xuống mức thấp nhất trong lịch sử.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế và chứng khoán thì, đà tăng của hai cổ phiếu này chỉ có thể bền vững khi kết quả kinh doanh của doanh nghiệp có sự cải thiện một cách cơ bản và rõ nét trong các quý tới, nhất là kế hoạch tái cơ cấu được triển khai một cách tốt nhất, hiệu quả nhất.
Một chuyên viên của CTCK Bảo Việt phân tích, giá bán ra của các doanh nghiệp cao su trong nước thường có độ trễ so với giá cao su thế giới khoảng 2-3 tháng. Bởi vậy, việc giá cao su thế giới đang hồi phục mạnh trong thời gian qua được kỳ vọng sẽ giúp giá cao su bán ra của các doanh nghiệp được cải thiện trong thời gian tới. Thế nên không chỉ có HAGL mà các mã cổ phiếu ngành cao su khác như: cao su Phước Hòa (PHR), Cao su Đồng Phú (DPR), Cao su Thống Nhất (TNC)... đều đang tăng giá.
Tuy nhiên, theo nhận định của chuyên gia này thì, tính đến 30.6.2016, chi phí phát triển vườn cây cao su và cọ dầu của HAGL đã là 12.969 tỷ đồng và đến nay vẫn chưa hoàn được 50% vốn. Trong khi đó, hiện tại mảng cao su chưa có nhiều đóng góp vào doanh thu cho Hoàng Anh Gia Lai.
“Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2016, doanh thu từ mủ cao su của HAGL chỉ đạt 15,8 tỷ đồng, rất nhỏ so với tổng doanh thu 3.658,5 tỷ đồng của tập đoàn. Cùng kỳ năm ngoái, doanh thu từ mủ cao su của HAGL cũng chỉ chiếm 3,5% tổng doanh thu Tập đoàn (đạt 105,4 tỷ đồng) nên chưa thể khẳng định giá cao su tăng sẽ cứu được bầu Đức”, chuyên viên này nói.
Đồng quan điểm, một chuyên gia của CTCK Rồng Việt cũng cho rằng, Hoàng Anh Gia Lai hiện đang trồng gần 38.500 ha cao su, hiện giá cao su tăng chắc chắn sẽ hỗ trợ mạnh cho cả HAG và HNG vì doanh thu cao su được kỳ vọng sẽ chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu của hai công ty nhà bầu Đức trong thời gian sắp tới. Tuy nhiên, giá cao su tăng không phải là yếu tố quyết định “thành bại” của bầu Đức mà quan trọng là chiến lược tái cơ cấu của Tập đoàn này cùng với các biện pháp giải quyết các khoản nợ “khủng” mới là yếu tố giúp cổ phiếu HAG, HNG tăng trưởng bền vững.
Được biết, tính đến 30.9, tổng tài sản của HAGL là 52.300 tỷ đồng và tổng nợ phải trả là 34.900 tỷ đồng. Trong đó, các khoản vay nợ là gần 26.000 tỷ đồng. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cũng cho thấy trong 9 tháng đầu năm, công ty đã trả 7.270 tỷ đồng nợ gốc và lãi; đồng thời cũng đi vay 5.053 tỷ đồng.
Theo Quốc Hải/Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)