FTM nói gì khi kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục?

Google News

(Kiến Thức) - Đơn vị kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với nhiều khoản mục trong Báo cáo tài chính soát xét bán niên 2020 của CTCP Đầu tư và Phát triển Đức Quân (HoSE: FTM).

Cụ thể, kiểm toán viên cho biết FTM phát sinh khoản lỗ gần 102 tỷ đồng, luồng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh âm gần 46 tỷ đồng. Các khoản vay ngân hàng quá hạn chưa được thanh toán gần 287 tỷ đồng và lãi vay ngân hàng quá hạn thanh toán chưa được gia hạn nợ số tiền hơn 191 tỷ đồng.

Khả năng hoạt động liên tục của Công ty phụ thuộc vào việc gia hạn các khoản vay, các khoản phải trả từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng và các nhà cung cấp, đồng thời còn phụ thuộc vào việc cơ cấu lại các khoản đầu tư của Công ty.

Những điều kiện này cùng các vấn đề như đã trình bày cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn có thể ảnh hưởng quan trọng đến khả năng hoạt động liên tục của Công ty.

Tại thời điểm 30/6, Công ty chưa thực hiện trích lập dự phòng công nợ phải thu khó đòi quá hạn thanh toán số tiền gần 7 tỷ đồng. Theo đó, nếu khoản dự phòng này được ghi nhận, trên báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh chỉ tiêu “chi phí quản lý doanh nghiệp” tăng số tiền gần 7 tỷ đồng, đồng thời chỉ tiêu “lợi nhuận kế toán trước thuế” giảm số tiền tương ứng.

Trên bảng cân đối kế toán, chỉ tiêu “dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi” sẽ tăng thêm gần 7 tỷ đồng, chỉ tiêu “lợi nhuận sau thuế chưa phân phối” cũng sẽ giảm đi số tiền tương ứng.

FTM noi gi khi kiem toan nghi ngo kha nang hoat dong lien tuc?
 

Giải trình về vấn đề này, FTM cho biết khoản lỗ phát sinh và luồng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh âm cùng với nợ vay và lãi quá hạn ngân hàng 6 tháng đầu năm chủ yếu do tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đến ngành sợi khiến doanh thu sụt giảm mạnh.

Cụ thể, trong quý 1/2020, tác động kép từ chiến tranh thương mại Mỹ Trung và Covid-19 khiến cho doanh thu quý 1 của FTM chỉ còn bằng 13% so với cùng kỳ năm 2019 do Trung Quốc đóng cửa nền kinh tế để chống dịch khiến các đơn hàng xuất khẩu sợi bị hủy và giảm đột ngột.

Tác động tiêu cực dịch Covid-19 đến toàn ngành dệt may đã tác động ngược lên thị trường ngành sợi, khiến thị trường gần đóng băng, đơn hàng bị đề nghị giản, hoãn hoặc hủy. Doanh thu quý 2 chỉ còn bằng 1% so với cùng kỳ năm 2019.

Do đó, doanh thu 6 tháng đầu năm chỉ còn bằng 9% so với cùng kỳ năm 2019. Doanh thu sụt giảm mạnh do cả giá bán và đơn hàng đều giảm trong khi các chi phí khấu hao gần 42 tỷ đồng, lãi vay 44 tỷ đồng vẫn phát sinh và ghi nhận dẫn đến phát sinh khoản lỗ trên.

FTM cho biết hiện tại Công ty duy trì sản xuất 1 nhà máy và bảo trì 2 nhà máy, tạm dừng sản xuất sợi cotton và chuyển đổi 50% sản lượng cotton sang mặt hàng sợi 100% Polyester và sợi pha, đồng thời tìm kiếm các nguồn tài trợ vốn khác phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Về việc chưa trích lập dự phòng công nợ phải thu khó đòi quá hạn thanh toán gần 7 tỷ đồng, FTM giải thích là do hỗ trợ khách hàng trong giai đoạn khó khăn.

Anh Nhi

>> xem thêm

Bình luận(0)