Loạt sếp Dầu khí bị khởi tố
Công ty Cổ phần Xây dựng Công nghiệp và Dân dụng Dầu khí (PVC-IC, trực thuộc Tổng công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam) vừa có văn bản gửi Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước giải trình nội dung thông báo về việc khám xét nơi làm việc đối với ông Đỗ Văn Quang - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty.
Ông Quang bị khởi tố, bắt giam về hành vi vi phạm quy định về đầu tư xây dựng công trình gây hậu quả nghiêm trọng tại dự án Ethanol Phú Thọ, vào những năm 2007-2008. Vào thời điểm đó, ông Quang là Trưởng ban kinh tế kế hoạch của PVC tại Hà Nội.
Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cũng khởi tố đối với ông Phạm Xuân Diệu (59 tuổi, nguyên Chủ tịch PVC), hiện là Phó ban nhiệt điện Sông Hậu và ông Nguyễn Ngọc Dũng (63 tuổi, nguyên Phó Tổng giám đốc PVC).
Trước đó, tháng 11.2018, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã tống đạt Quyết định khởi tố bị can, thực hiện Lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét và các quyết định phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” tại dự án Ethanol Phú Thọ.
Theo đó, các bị can bao gồm: Nguyễn Xuân Thủy (sinh năm 1961), nguyên Phó Trưởng Phòng Đầu tư dự án Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí; Khương Anh Tuấn (sinh năm 1975), nguyên Phó Trưởng Phòng Thương mại Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí; Hoàng Đình Tâm (sinh năm 1981), nguyên Trưởng Phòng Tài chính – Kế toán Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí.
|
Dự án Ethanol Phú Thọ. |
Dự án 3.000 tỉ nguy cơ phá sản
Dự án Nhà máy sản xuất NLSH Phú Thọ (Ethanol Phú Thọ) là 1 trong 12 dự án thua lỗ của ngành Công Thương. Dự án có tổng vốn đầu tư là 2.484,93 tỉ đồng.
Trong một báo cáo mới đây của Bộ Công Thương gửi tới Quốc hội và các ĐBQH tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV, bộ này cho biết, Ethanol Phú Thọ nằm trong nhóm 3 dự án xây dựng dở dang.
Đây là Dự án đầu tư xây dựng dở dang, khởi công từ quý III năm 2009, nhưng đã phải tạm dừng thi công từ tháng 11 năm 2011 do không đạt được thống nhất của các bên tham gia về chi phí phát sinh, tiến độ mới đạt khoảng 78% khối lượng công việc.
Trong thời gian qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã chỉ đạo Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOil) và các đơn vị có liên quan tìm kiếm nhà đầu tư để tiếp tục triển khai dự án nhưng tới nay cho thấy việc này là khó khả thi.
Do vậy, hướng sắp tới được đề xuất xem xét, thực hiện phương án: Dừng triển khai dự án, phá sản Công ty. Hiện nay, PVOil đang đề xuất triển khai phương án tiến hành thủ tục phá sản đối với PVB theo quy định của Luật phá sản. Tuy nhiên, đây là Dự án mà PVOil không phải là cổ đông chính của dự án (chỉ chiếm 39,76%) nên không quyết định được toàn bộ các vấn đề của dự án và việc tiếp tục xử lý dự án sẽ phụ thuộc vào các cổ đông ngoài ngành (chiếm tới 60,24%).
Theo Đề án ban hành theo Quyết định 1468/QĐ-TTg, có 4 phương án xử lý dự án này được xác định gồm: Tiếp tục triển khai dự án với nhà thầu PVC; Tiếp tục triển khai dự án với nhà thầu khác, thanh lý hợp đồng với nhà thầu PVC; Dừng triển khai dự án, phá sản Công ty; PVOil chuyển nhượng/thoái vốn khỏi dự án.