Theo cơ quan chức năng, đường bắp (giới kinh doanh gọi là đường lỏng) nhập khẩu chính thức vào Việt Nam cả trăm ngàn tấn/năm. Loại đường này phần lớn có nguồn gốc từ Trung Quốc, không chỉ mượn đường từ các nước trong khu vực để xuất sang Việt Nam với thuế nhập khẩu 0% mà còn được nhập qua đường tiểu ngạch, khó kiểm soát.
Giá quá rẻ
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, đường lậu, đường bắp gây khó khăn rất nhiều cho doanh nghiệp (DN) trong nước, một số nhà máy đường đã phải đóng cửa vì tình trạng này.
|
Đường sản xuất trong nước khó tiêu thụ do phải cạnh tranh với đường nhập lậu Ảnh: TẤN THẠNH |
Ông Đỗ Thành Liêm, Tổng Giám đốc Công ty CP Đường Khánh Hòa, cho biết đường bắp hiện được một số cơ sở sản xuất bánh kẹo, nước ngọt, nước tăng lực sử dụng khá nhiều do giá quá rẻ, độ ngọt cao gấp nhiều lần đường mía.
Đường bắp Trung Quốc có giá rẻ là do được chiết xuất thủy phân từ nguyên liệu bắp. Trong quá trình thủy phân còn sử dụng thêm các loại hóa chất khác. Theo giới chuyên môn, những cơ sở sản xuất đường dạng lỏng này có thể sử dụng cả loại bắp biến đổi gien để được lãi cao. Giá thành đường bắp đã thấp, lại thêm thuế nhập khẩu được ưu đãi nên nguồn hàng này được nhập khẩu vào Việt Nam khá nhiều. Đường bắp từ Trung Quốc bán sang Việt Nam phải chịu mức thuế nhập khẩu 13%. Tuy nhiên, loại đường này thường được nhập vào các nước ASEAN rồi mới bán sang Việt Nam để được hưởng thuế suất 0%. Do không bị tính thuế nên đường bắp về đến các nhà máy với giá chưa tới 9.000 đồng/kg.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, trước đây đường bắp được cơ quan chức năng đưa vào danh mục có hạn ngạch để nhập khẩu. Tuy nhiên, gần đây, mặt hàng này không còn nằm trong danh mục những mặt hàng có hạn ngạch khi nhập khẩu.
Giám đốc một DN sản xuất đường trong nước cho biết sau khi vào Việt Nam, loại đường nước này đã tác động khá mạnh đến việc tiêu thụ đường mía trong nước. Hiện lượng đường mía do DN này cung cấp cho các nhà máy nước ngọt, nước tăng lực đã giảm 50% so với trước đây. Gần đây, DN sản xuất, chế biến bánh kẹo cũng giảm hơn 30% lượng đường mía để chuyển sang sử dụng đường bắp.
Thao túng thị trường
Đường bắp Trung Quốc và đường mía có nguồn gốc từ Thái Lan trong nhiều năm qua đã nhập lậu Việt Nam gây khó khăn cho ngành mía đường trong nước. Thời điểm này là chính vụ sản xuất, chế biến đường nhưng lượng đường tồn kho từ niên vụ trước vẫn còn rất lớn. Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cả nước có 40 nhà máy đường nhưng một số nhà máy lỗ lã nên đã ngưng sản xuất. Tồn kho tại các nhà máy đến hết tháng 12-2017 là 234.581 tấn đường, còn tại các công ty thương mại là 20.527 tấn. Đường trong nước bán buôn trên thị trường hiện có giá rất thấp nhưng vẫn cao hơn đường nhập lậu nên rất khó tiêu thụ. Tại thị trường TP HCM, giá đường kính trắng hiện 12.700-13.400 đồng/kg, giảm 300 đồng/kg so với tháng 11-2017. Trong khi đó, giá đường lậu từ Thái Lan chỉ 12.200 đồng/kg.
Các DN đường trong nước thừa nhận năm qua họ gặp rất nhiều khó khăn, giá đường đầu năm 2017 từ 16.000-17.000 đồng/kg, nhà sản xuất có lãi. Tuy nhiên, do đường mía lậu, đường bắp tràn ngập buộc họ phải giảm giá liên tục mới bán được hàng. Thế nhưng, khi giá đường trong nước giảm thì đường lậu cũng giảm theo và luôn ở mức rẻ hơn. Theo nhận định từ giới kinh doanh, do nguồn cung dồi dào vì đang chính vụ, cộng với hàng tồn kho luôn ở mức cao nên giá đường khó có khả năng tăng dù đang vào mùa chế biến thực phẩm Tết.
Theo cơ quan chức năng, đường lậu tràn vào mỗi năm 500.000-600.000 tấn, chiếm hơn 50% lượng đường tiêu thụ trong nước.
Ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, thừa nhận lâu nay, đường lậu đã hoành hành làm cho ngành đường trong nước lao đao, nay lại thêm đường bắp với giá rẻ thì càng khó khăn hơn. Theo ông Doanh, một số nước đã hạn chế sử dụng đường bắp. Chính phủ Philippines đã cấm các hãng sản xuất nước ngọt sử dụng loại đường này do có nhiều tác hại.
Trước đây, khi giá đường cao, DN có lãi nên giá thu mua mía khá cao, từ 1-1,2 triệu đồng/tấn, người trồng có lãi. Song gần đây, giá đường xuống thấp buộc DN phải giảm giá mua mía tại ruộng còn 850.000-950.000 đồng/tấn. Với giá mua này, DN phải chịu lỗ nhưng giảm thêm nông dân sẽ chuyển sang trồng cây khác vì không có lãi, nhà máy thiếu nguyên liệu. Theo tính toán từ các DN, với những nhà máy có điều kiện thuận lợi, giá thành 1 kg đường hiện từ 12.000-13.000 đồng/kg. Tuy nhiên, phần lớn nhà máy đường có giá thành cao hơn là do xa vùng nguyên liệu, chất lượng mía thấp, chi phí quản lý cao. Những nhà máy này hiện phải chịu lỗ khoảng 500 đồng/kg. Ngoài ra, chi phí lưu kho cao do tiêu thụ gặp khó khăn nên một số DN phải chịu mức lỗ cao hơn.