Đây là lượng đường tồn kho cao nhất so với cùng kỳ các năm gần đây...
Giải thích nguyên nhân lượng đường tồn kho lớn, ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường cho biết có nhiều nguyên nhân như: lượng đường tồn kho từ đầu vụ nhiều.
Do ảnh hưởng, tác động của khí hậu thời tiết, hầu hết các nhà máy đường vào vụ ép chậm hơn kế hoạch 15 ngày đến 1 tháng, thậm chí nhiều nhà máy không hoạt động được liên tục nên sản lượng đường sản xuất ra dồn nhiều ở giai đoạn cuối vụ. Hệ thống tổ chức bán hàng của các DN trong nước còn nhiều bất cập, chưa tạo được khách hàng và ký hợp đồng tiêu thụ ổn định.
Đặc biệt, giá đường trong nước cao hơn đường Thái Lan nhập lậu 1.000-2.000 đồng/kg, đó là lý do khiến đường trong nước cạnh tranh kém, tiêu thụ chậm. “Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại tuy có nhiều cố gắng, đã phát hiện một số vụ lớn tại TP Hồ Chí Minh, Nghệ An..., nhưng mức độ hoạt động và vi phạm của các đối tượng mạnh hơn những năm trước.
Tình trạng buôn lậu hiện nay không chỉ ở các tỉnh biên giới Tây Nam, mà ra cả các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên và phía Bắc nên lượng đường nhập lậu vào nước ta tăng hơn nhiều so cùng kỳ các năm”, ông Doanh khẳng định.
|
Chi cục QLTT TP Hồ Chí Minh kiểm tra, thu giữ số lượng lớn đường nhập lậu. Ảnh: CAND. |
Tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại mặt hàng đường thực tế đã bùng phát từ năm 2010. Đường nhập lậu vào Việt Nam chủ yếu từ Thái Lan. Qua từng thời điểm, phương thức và địa bàn hoạt động của các đối tượng buôn lậu và gian lận thương mại cũng thay đổi để dễ dàng qua mặt các cơ quan chức năng.
Trước đây, ở phía Nam, đường nhập lậu chủ yếu qua biên giới các tỉnh An Giang, thì nay mở rộng ra Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Tây Ninh, Bình Phước. Ở phía Bắc, hiện nay hoạt động này mạnh hơn, công khai hơn trước đây, chủ yếu tại vùng cửa khẩu Lao Bảo, Quảng Trị...
Phương thức, thủ đoạn nhập lậu cũng được các đối tượng thay đổi thường xuyên và ngày càng tinh vi hơn. Như ở An Giang, có sông biên giới nên đường lậu “tập kết” bên kia biên giới thuộc Campuchia, sau đó vận chuyển vào Việt Nam bằng ghe và chuyển ngay lên xe tải nhỏ (6-7 tấn).
Đường lậu “tập kết” vào kho và bốc lên xe tải 40 tấn hoặc xà lan 100 tấn nhanh chóng về các tỉnh miền Tây và TP Hồ Chí Minh tiêu thụ và phân phối đi các tỉnh miền Đông.
Ngoài vận chuyển bằng xe tải nhỏ, các đối tượng cũng ngụy trang đường trên những chuyến xe khách, xe ôtô gia đình hay xe máy để đưa về TP Hồ Chí Minh. Tại TP Hồ Chí Minh, có một số đầu nậu chuyên buôn đường lậu tiếp nhận hàng và phân phối đi các quận, huyện và các tỉnh miền Đông. “Hệ thống các cửa hàng, cơ sở buôn bán đường lậu tại các quận, huyện TP Hồ Chí Minh hoạt động mạnh hơn trước”, đại diện Hiệp hội Mía đường nhận xét.
Ngoài các thủ đoạn để đưa số lượng lớn đường nhập lậu vào thị trường nội địa, các đối tượng cũng đã có nhiều hình thức gian lận thương mại để hợp thức hóa lượng đường lậu bán công khai ngoài thị trường.
Cụ thể, để có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa, các đối tượng sử dụng hóa đơn quay vòng của một số nhà máy đường trong nước. Sử dụng hóa đơn mua hàng từ nguồn đường lậu bị bắt được đem bán đấu giá của các cơ quan chức năng. Sử dụng chứng từ của một số công ty nhập khẩu hợp pháp đường để báo xuất xứ hàng hóa.
Mới đây nhất, tháng 4-2017, cũng bằng chiêu gian lận này, Công ty TNHH Tài Phát (Quảng Bình) đã công khai dán tem nhập khẩu để bán ra thị trường Đà Nẵng. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng đã phát hiện nhiều trường hợp các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với chức năng sản xuất, chế biến đường. Nhưng thực chất, đó là những điểm sang chiết đường thủ công sang các bao 50 kg, 0,5 kg, 1 kg, cung cấp ra thị trường, kể cả đưa vào siêu thị. Một biến tướng gần đây nhất là xuất hiện nhiều cơ sở sản xuất đường phèn với nguyên liệu sản xuất hoàn toàn là đường lậu Thái Lan.
Tại hội nghị "Giải pháp tiêu thụ đường bền vững" vừa diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, ông Trần Văn Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Mía đường Cần Thơ đề nghị: “Xử lý mạnh tay hơn với tình trạng thu gom đường nhập lậu. Trong đó, cần quản lý việc đấu giá đường lậu sau khi thu giữ, nếu không sẽ vô tình tiếp tay cho hàng lậu hoành hành”. Các doanh nghiệp ước tính, năm 2015, lượng đường nhập lậu 382.000 tấn, làm nhà nước thất thu hơn 1.800 tỉ đồng tiền thuế. Còn lượng đường tồn kho nhiều không chỉ doanh nghiệp đối mặt với khó khăn, mà người nông dân cũng khổ. Vì thế, nhà nước cần có giải pháp cấp thiết và hiệu quả. Hiệp hội Mía đường đề nghị Bộ Tài chính xem xét lại thuế suất nhập khẩu đường để bảo vệ hàng trong nước.
Theo ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, các DN cần giảm chi phí sản xuất, đổi mới công nghệ để tăng sản lượng, giảm giá thành, đồng thời tăng cường các hoạt động chế biến sâu, tạo ra nhiều sản phẩm sau đường. Trong thời gian tới, khi các hiệp định thương mại tự do khơi thông thì DN còn phải ứng phó nhiều hơn nữa. Ông Nam khẳng định sẽ làm việc với cơ quan liên quan để có giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN, nông dân để cứu ngành mía đường.