Nhiều doanh nghiệp (DN) đã tỏ ra lo ngại về loại đường lỏng bắp nhập từ Trung Quốc được các công ty bánh kẹo, nước ngọt tiêu thụ nhiều, giảm mua đường trắng trong nước tại hội nghị bàn giải pháp tiêu thụ cho ngành đường Việt Nam, tổ chức chiều 24/5 tại TP.HCM.
Bà Dương Thị Tô Châu, Phó Tổng Giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (TTCS), cho biết theo số liệu DN nắm được, năm 2016 loại đường lỏng (không thể kết tinh) được chiết xuất thủy phân hóa học từ hạt bắp có độ ngọt nhập khẩu hơn 47.000 tấn vào Việt Nam.
Loại đường mới có thể thay thế đường trắng này nhập vào nước ta chủ yếu từ Trung Quốc, được các công ty sản xuất bánh kẹo, nước ngọt sử dụng ngày càng nhiều.
Đây có thể là nguyên nhân chính khiến tiêu thụ đường của các công ty mía đường trong nước giảm mạnh, khiến lượng đường tồn kho tăng.
“Đường lỏng Trung Quốc nhập về cảng TP.HCM có giá khoảng 12.000 đồng/kg, rẻ hơn nhiều so với đường trắng bán trong nước 14.000-17.900/kg đồng tùy loại. Chưa kể độ ngọt của loạt đường lỏng này gấp 1,1-1,3 lần so với đường trắng trong nước.
Đáng nói là đường lỏng nhập khẩu từ Trung Quốc lại đang được hưởng mức thuế 0% trong khi nhập khẩu đường trắng trong hạn ngạch cũng chịu thuế 5%, ngoài hạn ngạch lên tới 80%” - bà Châu tiết lộ.
|
Ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch VSSA, cho biết đầu ra tiêu thụ giảm mạnh khiến tồn kho trong nước hơn 700.000 tấn đường. |
Bày tỏ lo lắng về chất lượng loại đường này, bà Châu cho biết một số nghiên cứu trên thế giới chỉ ra loại đường lỏng này được chiết xuất từ phương pháp thủy phân, có cho thêm các chất hóa học nên chắc chắn cũng ảnh hưởng phần nào đến sức khỏe người sử dụng. Một số nước cũng có những quy định hạn chế loại chất ngọt thay thế này.
Điều đáng lo nữa là loại đường lỏng này có thể được chiết xuất từ bắp biến đổi gen (GMO) vì cần số lượng lớn, nên Việt Nam cần kiểm soát vấn đề này.
Ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch VSSA, cho biết loại đường lỏng bắp là chất ngọt thay thế, được các DN bánh kẹo, nước giải khát sử dụng. Lượng đường lỏng Trung Quốc này đang được thị trường Việt Nam tiêu thụ nhiều hơn, điều này khiến thị phần trong nước của đường trắng nước ta bị cạnh tranh khốc liệt.
Theo ông Doanh, loại đường lỏng này được các công ty sản xuất các sản phẩm chế biến từ đường sử dụng nhưng không cơ quan nào kiểm soát, thuế nhập khẩu lại 0%, giá rẻ, độ ngọt lại cao sẽ là “đối thủ” khiến đường nội địa gặp nhiều khó khăn, cạnh tranh không công bằng.
"Đó là chưa kể trên thế giới vẫn còn nhiều tranh cãi về lợi ích, tác hại của loại đường này nên cần cơ quan chức năng trong nước nghiên cứu, có biện pháp kiểm soát. Hiệp hội sẽ có kiến nghị tăng thuế đối với loại đường lỏng gây ảnh hưởng đến đường trắng sản xuất trong nước" - ông Doanh nói.