Các sân golf chưa liên kết với nhau cũng như chưa có các giải pháp về xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch golf bài bản, chuyên nghiệp.
Tại tọa đàm "Tiềm năng và định hướng phát triển du lịch golf Hà Nội" sáng 14/4, ông Nguyễn Hồng Minh - Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội thừa nhận du lịch golf Hà Nội vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn để cạnh tranh với điểm đến trong khu vực như: số lượng sân golf còn chưa nhiều; chi phí cao hơn so với các nước trong khu vực và thu nhập của người dân, dẫn đến đối tượng khách du lịch nội địa chưa nhiều; tỷ lệ khách du lịch quốc tế đến chơi golf chưa cao so với tổng số khách quốc tế đến Hà Nội; sự liên kết giữa doanh nghiệp lữ hành và sân golf còn hạn chế; du lịch golf chưa kết nối với các loại hình du lịch khác; các sân golf chưa liên kết với nhau, cũng như chưa có các giải pháp về xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch golf bài bản, chuyên nghiệp…
|
Ông Nguyễn Hồng Minh (đứng) - Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội phát biểu tại tọa đàm. |
Những khó khăn về phát triển du lịch golf ở Hà Nội cũng được các doanh nghiệp lữ hành ghi nhận từ nhiều năm qua. Ông Lê Tiến Dũng - Tổng giám đốc Công ty Du lịch Xanh cho biết rất khó sắp xếp cho các đoàn khách quốc tế đến chơi golf ở Hà Nội vì các sân golf thường xuyên kín lịch, nhất là dịp cuối tuần. Vì không thể đặt lịch nên một số công ty thường phải "tránh" sân golf Hà Nội để hạn chế phiền hà cho du khách.
"Mặc dù khách đến Hà Nội nhưng phải đi chơi golf ở các tỉnh lân cận như Hòa Bình, Vĩnh Phúc... thậm chí xuống tận Hải Phòng để chơi golf. Như vậy ngành du lịch Hà Nội thiệt hại vì mất khách, mất nguồn thu. Thực tế là hiện nay giữa các sân golf tại Hà Nội và doanh nghiệp lữ hành chưa có sự gắn kết. Hiện nay Đà Nẵng làm rất tốt việc này, ví dụ các sân golf ở Đà Nẵng bán voucher chơi golf, cập nhật kịp thời lịch trống của sân golf và tạo thuận tiện cho các doanh nghiệp lữ hành".
Đại diện Khu nghỉ dưỡng Hoiana (Quảng Nam) cho biết, qua nắm bắt nhu cầu ở Hội An, khách quốc tế chơi golf luôn muốn trải nghiệm nhiều sân golf khác nhau trong một chuyến thăm Việt Nam. Tuy nhiên khu nghỉ dưỡng này cũng không nắm được thông tin hay lịch sân golf ở địa phương khác, vì vậy không thể tư vấn được cho khách. "Tâm lý chung của khách là trải nghiệm nhiều sân golf khác nhau, nếu khách quốc tế đến Việt Nam mà vừa được chơi golf ở Hà Nội và cả miền Trung thì họ rất hài lòng. Tuy nhiên sự phối hợp giữa các sân golf đang rất thiếu, khách đến Hội An muốn trải nghiệm sân golf khác cũng không biết đi đâu".
Theo thống kê của Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam, mỗi khách du lịch đến Việt Nam chơi golf sẽ chi tiêu 40 triệu/5 ngày, chưa kể vé máy bay. Khách du lịch golf còn góp phần tăng nguồn thu từ hoạt động du lịch, tạo thêm việc làm cũng như thu nhập cho người dân địa phương.
Bà Nguyễn Thanh Bình - Phó Vụ trưởng Vụ khách sạn (Tổng cục Du lịch) cho biết thực tế rất nhiều dịch vụ phụ trợ đã được hưởng lợi từ khách du lịch golf như tắm khoáng ở Hòa Bình, chăm sóc sức khỏe ở Vĩnh Phúc hay suối khoáng nóng ở Huế... "Thậm chí có những hàng phở ở Hà Nội luôn rất đông khách vào buổi sáng, vì họ đón được những đoàn khách chơi golf có nhu cầu ăn sớm".
Tuy vậy, ông Phạm Thành Trí - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Golf Hà Nội chỉ ra hàng loạt khó khăn về phát triển du lịch golf như mức thuế cao ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh; sản phẩm du lịch golf nghèo nàn, đơn giản; các thành phần của ngành du lịch Việt Nam chưa kết nối với golf và việc ứng dụng công nghệ chưa được phổ biến trong du lịch golf.