Cán bộ để “lọt” sai phạm… chỉ kiểm điểm, rút kinh nghiệm có nhẹ nhàng?
Thông tin tại hội nghị công bố kết luận thanh tra dự án khu biệt thự và nhà phố vườn Vạn Tuế - Sago Palm Garden ở xã Phụng Công (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) do Công ty cổ phần thương mại sản xuất vật liệu xây dựng Đại Hưng (gọi tắt là Công ty Đại Hưng) làm chủ đầu tư, thanh tra tỉnh Hưng Yên đã chỉ ra loạt sai phạm tại dự án này gây xôn xao dư luận.
Đáng nói, dù mới chỉ được tỉnh Hưng Yên đồng ý về mặt chủ trương, nhưng Công ty Đại Hưng đã tự ý tiến hành triển khai xây dựng hàng trăm căn biệt thự, nhà phố tại dự án khu biệt thự và nhà phố vườn Vạn Tuế - Sago Palm Garden. Hơn nữa, nhiều cơ quan truyền thông cho hay trước vi phạm lớn trong lĩnh vực xây dựng như vậy, nhưng tỉnh Hưng Yên mới dừng lại ở mức kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với các đơn vị có sai phạm. Điều này khiến dư luận đặt ra câu hỏi, hình thức xử lý như vậy có nhẹ nhàng?
|
Hàng loạt sai phạm xảy ra tại dự án khu biệt thự và nhà phố vườn Vạn Tuế - Sago Palm Garden ở Hưng Yên do Công ty Đại Hưng làm chủ đầu tư. |
Nhìn nhận về vấn đề này, trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa, đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: Thực tế, Sago Palm Gardan là một sự án lớn, được UBND tỉnh Hưng Yên chấp thuận về mặt trương, nhưng các giai đoạn tiếp theo thì chưa hoàn thiện các hồ sơ cần thiết. Việc chưa hoàn thiện các hồ sơ, giấy tờ cần thiết nhưng Công ty Đại Hưng vẫn ngang nhiên, công khai xây dựng các công trình, rao bán bất động sản trong suốt thời gian qua (có những công trình đã xây và đang hoàn thiện gần như xong) lại không bị lập biên bản, chưa bị xử phạt và yêu cầu hoàn thiện hồ sơ đã thể hiện trách nhiệm quản lý yếu kém, lơ là của cơ quan có thẩm quyền.
Theo luật sư Tùng, các cơ quan, cán bộ được phân công nhiệm vụ quản lý, giám sát liên quan đến hoạt động xây dựng, quản lý đất đai hoặc các bộ phận trong bộ máy hành chính khác tại tỉnh Hưng Yên, nhất là huyện Văn Giang đã thiếu trách nhiệm trong công vụ của mình nên đã để xảy ra tình trạng nêu trên. Tuy thiệt hại cho ngân sách Nhà nước chưa xảy ra, nhưng không thể không đặt ra vấn đề trách nhiệm của các cán bộ, cơ quan trong sự việc này.
“Đối với những sai phạm nêu trên, UBND tỉnh Hưng Yên chỉ yêu cầu các đơn vị có sai phạm cần nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm mà chưa quyết liệt yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các cán bộ, công chức, cơ quan vẫn là biện pháp nhẹ nhàng. Liệu việc kiểm điểm, rút kinh nghiệm này được thực hiện ra sao và có hiệu quả như những gì đã chỉ đạo hay không? Trong khi hiện nay sai phạm còn tồn tại rất nhiều, liệu có tính răn đe và tự giác hay không? Cần phải tiến hành thanh tra, kiểm tra rà soát kỹ hơn về hành vi thiếu trách nhiệm của các cán bộ trong sự việc này.
Trường hợp các công chức, cán bộ có vi phạm rõ rệt tuy chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì cũng cần áp dụng biện pháp xử lý kỷ luật theo quy định”, - vị trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa nhấn mạnh.
Vị luật sư sau đó viện dẫn: Theo quy định tại Nghị định số 34/2011/NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật công chức như sau: Điều 3. Các hành vi bị xử lý kỷ luật:
1. Vi phạm việc thực hiện nghĩa vụ, đạo đức và văn hóa giao tiếp của công chức trong thi hành công vụ; những việc công chức không được làm quy định tại Luật Cán bộ, công chức.
2. Vi phạm pháp luật bị tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật.
3. Vi phạm quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; bình đẳng giới; phòng, chống tệ nạn mại dâm và các quy định khác của pháp luật liên quan đến công chức nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
|
Luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Hà Nội). |
Cần mạnh tay xử lý vi phạm
Theo luật sư Hoàng Tùng, đối với các sai phạm xảy ra tại dự án khu biệt thự và nhà phố vườn Vạn Tuế - Sago Palm Garden, cụ thể là hàng trăm căn biệt thự, nhà phố xây trái phép thì bị xử lý vi phạm hành chính như sau:
Trường hợp chủ đầu tư thiếu hoặc không có các giấy tờ tài liệu nêu trên mà trực tiếp tiến hành thi công sẽ bị xử phạt từ 30.000.000 đến 50.000.000 đồng (điểm c khoản 5 Điều 15 nghị định 139/2017).
Ngoài ra, còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: “Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm đối với hành vi quy định tại khoản 2, khoản 4, khoản 5 (mà hành vi vi phạm đã kết thúc), khoản 6 và khoản 7 Điều này.
Ngoài ra, đối với hành vi quy định tại khoản 2, khoản 4 và khoản 5 Điều này mà đang thi công xây dựng thì: Lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm dừng thi công xây dựng công trình. Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh hoặc cấp giấy phép xây dựng.
Hết thời hạn quy định, tổ chức, cá nhân vi phạm không xuất trình với người có thẩm quyền xử phạt giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng được điều chỉnh thì bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.
Như vậy, trường hợp đã kết thúc hành vi vi phạm Công ty Đại Hưng sẽ bị buộc tháo dỡ công trình đã xây dựng. Trường hợp các công trình vẫn đang thi công thì Công ty Đại Hưng buộc phải hoàn thiện các giấy phép cần thiết, nếu hết thời hạn quy định về bổ sung giấy phép mà vẫn chưa hoàn thiện thì sẽ bị áp dụng biện pháp tháo dỡ công trình.
Bên cạnh đó, vị luật sư cũng nhấn mạnh để triển khai thực hiện việc bán đất động sản tại dự án trên thì bắt buộc phải có chấp thuận, có giấy phép xây dựng và hoàn thành các giấy tờ, tài liệu khác theo quy định của pháp luật.
Trường hợp Công ty Đại Hưng chưa hoàn thiện các giấy tờ, tài liệu nêu trên thì sẽ bị áp dụng các hình thức xử phạt theo quy định của pháp luật đối với từng hành vi cụ thể.