Mới đây, tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, ông Jason Lo - đại diện Tập đoàn Johnson mong muốn tỉnh Bắc Ninh tiếp tục tạo điều kiện để tập đoàn có thể thành lập nhà máy số 2 tại khu công nghiệp Thuận Thành I. Nhà máy mới này sẽ có diện tích 20ha và vốn đầu tư lên tới 100 triệu USD.
Theo Johnson, dự án này sẽ biến nơi đây thành cứ điểm sản xuất và lắp ráp thiết bị thể dục thể thao lớn nhất thế giới. Khi hoàn thành, tập đoàn dự kiến sẽ dịch chuyển các cơ sở sản xuất từ Đài Loan, Trung Quốc, và một số quốc gia khác sang nhà máy mới, kéo theo sự gia tăng của hệ thống các nhà cung cấp (vendor) liên quan.
|
Tòa nhà Viglacera. |
Theo tìm hiểu, khu công nghiệp Thuận Thành I do Tổng Công ty Viglacera - CTCP (Mã CK: VGC) làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư 2.848 tỷ đồng, diện tích gần 250ha.
Về Tổng Công ty Viglacera, tiền thân là doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Xây dựng, được thành lập vào năm 1974. Hiện tại, Bộ Xây dựng đang nắm giữ 38,58% cổ phần, trong khi cổ đông lớn nhất là CTCP Hạ tầng Gelex với 50,21%. Viglacera tập trung vào hai mảng kinh doanh chính: vật liệu xây dựng (gạch, vòi sen, kính) và bất động sản (KCN, đô thị, nhà ở).
Viglacera nổi bật với việc tiên phong đầu tư công nghệ hiện đại trong sản xuất vật liệu xây dựng tại Việt Nam, thay thế hàng nhập khẩu. Công ty đã liên tục đạt được thành tựu trong các sản phẩm bê-tông khí chưng áp (2010); tấm panel ALC (2018); kính tiết kiệm năng lượng Low-E và kính Solar Control (2016); kính siêu trắng và đá nung kết (2023).
Lĩnh vực bất động sản của Viglacera bắt đầu từ năm 1998 và cũng đạt được nhiều kết quả ấn tượng sau 26 năm phát triển. Hiện nay, Viglacera sở hữu 15 khu công nghiệp trong và ngoài nước với tổng diện tích hơn 4.000ha, thu hút vốn đầu tư lên tới 18 tỷ USD, trong đó nhà đầu tư nước ngoài chiếm 70%. Công ty còn là chủ đầu tư của 18 khu nhà ở thương mại và nhà ở xã hội, cùng một khu nghỉ dưỡng 5 sao đạt chứng chỉ xanh EDGE Advanced của Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC).
Tại quý II/2024, Viglacera đạt doanh thu thuần 2.712 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ. Trong đó, mảng vật liệu xây dựng (gạch, ngói ốp lát, sen sứ, sen vòi, phụ kiện, kính, gương...) mang về 3.353 tỷ đồng; tiếp đến là mảng bất động sản khu công nghiệp 1.922 tỷ đồng; và bất động sản 72 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các chi phí, Viglacera báo lãi ròng 171 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu 5.351 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 575 tỷ đồng, lần lượt hoàn thành 40% và 51,8% kế hoạch đề ra.