Doanh thu Cty ACV đạt hơn 20 nghìn tỷ, nộp ngân sách bao nhiêu?

Google News

Năm 2023, tổng doanh thu của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đạt 20.034 tỷ đồng, đạt 103% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế 8.646 tỷ đồng, đạt 102% kế hoạch năm; nộp ngân sách Nhà nước 2.051 tỷ đồng.

Mới đây, tại hội nghị tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023 diễn ra ngày 3/1/2024, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (mã: ACV) hé lộ kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh và vượt kế hoạch đề ra trong năm 2023.
Doanh thu vượt kế hoạch
Nhìn lại, ông Vũ Thế Phiệt, Tổng Giám đốc ACV cho biết năm 2023, công ty đối mặt nhiều khó khăn, thách thức khi kinh tế thế giới tiếp tục ảm đạm, tăng trưởng toàn cầu giảm tốc, cùng với các xung đột kinh tế chính trị thế giới. Trong khi đó, tình hình phát triển kinh tế trong nước chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ chuỗi cung ứng, giá cả, an ninh lương thực, năng lượng… Về ngành hàng không, thị trường vận tải hàng không quốc tế có phục hồi nhưng chưa đạt mức kỳ vọng.
Tuy vậy, “ông trùm” cảng hàng không Việt Nam vẫn ghi nhận kết quả khả quan trong năm 2023. Tổng doanh thu đạt 20.034 tỷ đồng, đạt 103% kế hoạch năm, tăng 26% so với năm 2022; lợi nhuận trước thuế ACV đạt 8.646 tỷ đồng, đạt 102% kế hoạch năm, tăng 14% so với năm 2022. ACV nộp ngân sách Nhà nước 2.051 tỷ đồng trong năm qua. Thu nhập bình quân đầu người đạt gần 33 triệu/người.
Trong năm 2023, ACV phục vụ 113,5 triệu lượt hành khách, đạt 96% kế hoạch năm, tăng 15% so với năm 2022; trong đó, khách quốc tế đạt 32,6 triệu lượt khách, tăng 173% so với năm 2022. Tổng hàng hóa bưu kiện thông qua đạt 1,2 triệu tấn. Tổng hạ cất cánh đạt 710.000 lượt chuyến.
Doanh thu Cty ACV dat hon 20 nghin ty, nop ngan sach bao nhieu?
 Doanh thu Cty ACV đạt hơn 20 nghìn tỷ, nộp ngân sách bao nhiêu? (ảnh minh họa: Internet).
Trong hoạt động đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hàng không, ACV được chọn làm chủ đầu tư của nhiều dự án, công trình trọng điểm, phát triển kết cấu hạ tầng hàng không. Tổng mức đầu tư các dự án đang triển khai là 133.264 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong năm 2023 ACV đã khởi công xây dựng nhà ga hành khách và công trình quan trọng thuộc dự án sân bay Long Thành (tổng vốn đầu tư hơn 43.136 tỷ đồng); khởi công gói thầu thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM, tổng vốn gần 11.000 tỷ đồng). Bên cạnh đó, ACV cũng hoàn thành đưa vào khai thác dự án mở rộng sân bay Điện Biên, nhà ga T2 sân bay Phú Bài (Huế). Ngoài ra, một số dự án khác cũng đang được ACV thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư trong năm 2023 như phê duyệt dự án nhà ga T2 Cảng hàng không quốc tế Cát Bi; xây dựng nhà ga hành khách T2 Cảng hàng không Đồng Hới đã được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Nợ xấu khó đòi hơn 6.500 tỷ đồng
Được biết, ACV hiện đang độc quyền quản lý toàn bộ 22 cảng hàng không trên khắp cả nước. Nhìn lại kết quả kinh doanh quý III/2023, theo báo cáo tài chính hợp nhất được công bố trước đó cho thấy, ACV ghi nhận hơn 5.327 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, mảng dịch vụ hàng không đóng góp 4.418 tỷ đồng, chiếm 83% doanh thu; tiếp đó là doanh thu từ dịch vụ phi hàng không và bán hàng. Giá vốn hàng bán tăng 10% so với cùng kỳ ở mức 1.996 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp đạt 3.331 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính tăng 8,4% so với cùng kỳ lên 994 tỷ đồng. Chi phí bán hàng tăng 39% từ gần 57 tỷ đồng cùng kỳ lên hơn 79 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp ghi nhận hơn 929 tỷ đồng, tăng 235% và gấp 3,3 lần so với cùng kỳ, chủ yếu do trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi với 680 tỷ đồng. Quý này, ACV ghi nhận khoản lãi hơn 112 tỷ đồng từ công ty liên doanh, liên kết, tăng 163% so với cùng kỳ năm 2022.
Sau khi trừ đi tất cả các loại chi phí, ACV báo lãi sau thuế đạt 2.763 tỷ đồng, trong đó, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ (lãi ròng) đạt 2.762 tỷ đồng, đều tăng 15% so với cùng kỳ. Đây cũng là quý lãi kỷ lục của công ty. Theo ACV, kết quả kinh doanh khởi sắc đến từ việc thị trường hàng không quốc tế hồi phục.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, ACV ghi nhận 14.985 tỷ đồng doanh thu thuần và lãi sau thuế đạt 7.007 tỷ đồng, tăng lần lượt 54% và gần 20% so với cùng kỳ năm 2022.
Bên kia bảng cân đối kế toán hợp nhất, tại thời điểm 30/9/2023, tổng tài sản của ACV đạt gần 65.561 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền, tiền gửi có kỳ hạn đạt khoảng 32.313 tỷ đồng, chiếm 49% tài sản. Các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng đã tăng 47% so với đầu năm lên 9.250 tỷ đồng. Trong đó, phải thu của Vietjet 3.442 tỷ đồng, Bamboo Airways hơn 2.008 tỷ đồng, Vietnam Airlines gần 1.838 tỷ đồng và Pacific Airlines hơn 835 tỷ đồng.
Đáng chú ý, đến cuối quý III/2023, tổng giá trị các khoản phải thu quá hạn thanh toán hoặc chưa quá hạn thanh toán nhưng khó có khả năng thu hồi (nợ xấu) của ACV tại các hãng hàng không và các bên liên quan là hơn 6.504 tỷ đồng, tăng gần 52% so với đầu năm. Trong đó, nợ xấu tại Bamboo Airways là 1.803 tỷ đồng, tại Vietnam Airlines là 1.094 tỷ đồng, tại Pacific Airlines là 760 tỷ đồng, tại Vietravel Airlines là 217 tỷ đồng và tại Air Mekong (hãng bay đã dừng bay 10 năm) là gần 26 tỷ đồng.
Cùng đó, việc thực hiện các dự án trọng điểm của ngành hàng không cũng khiến chi phí xây dựng cơ bản dở dang của ACV tăng 46% lên 6.852 tỷ đồng. Trong đó, số tiền đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (giai đoạn 1) là lớn nhất với 4.746 tỷ đồng, tăng 67% so với đầu năm; tiếp đó là xây dựng nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất 1.163 tỷ đồng…
Về phía nguồn vốn, nợ phải trả của ACV tại cuối quý III/2023 đạt hơn 16.495 tỷ đồng, tăng 10% so với đầu năm. Trong đó, nợ vay tài chính là 10.750 tỷ đồng, chiếm phần lớn là nợ vay dài hạn 10.333 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu cuối kỳ đạt gần 49.066 tỷ đồng, trong đó bao gồm 21.771 tỷ đồng vốn điều lệ và 21.198 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối…
Liên Hà Thái

>> xem thêm

Bình luận(0)