Doanh nhân Việt tiếc thương nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải

Google News

(Kiến Thức) - Trong tâm thức của nhiều doanh nhân, chuyên gia kinh tế, nguyênThủ tướng Phan Văn Khải là người có tầm nhìn chiến lược, góp phần quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế nước nhà...

Chính phủ dưới thời nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải không chỉ tạo ra khung khổ pháp lý mà còn tạo ra môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp tư nhân phát triển, hội nhập với thế giới... Đó là lời nhận định chung của nhiều doanh nhân, chuyên gia kinh tế khi nhớ về nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Trong bài chia sẻ về những dấu ấn đáng nhớ nhất của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải trong 9 năm đương nhiệm trên Zing, bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - nguyên Thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng - người gắn bó với ông Phan Văn Khải trong nhiều năm đương chức cho biết, bà đặc biệt ấn tượng với tinh thần dân tộc, đặt lợi ích đất nước lên hàng đầu của ông.
Theo bà Phạm Chi Lan, giai đoạn ông Phan Văn Khải làm Thủ tướng, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng vừa cao nhất, vừa ổn định nhất, kiềm chế được những mất cân đối và bất ổn vĩ mô, tạo được nền tảng tăng trưởng không chỉ cho thời kỳ đó mà còn cho dài hạn. Trong giai đoạn Thủ tướng Phan Văn Khải cầm quyền, kinh tế Việt Nam tăng trưởng trung bình 7,2%/năm. Đây là mức tăng ít thời kỳ nào chúng ta có được.
 Ảnh: Tuổi trẻ.
Bên cạnh đó, bà Phạm Lan Chi cũng cho hay, thành công lớn nhất của thời kỳ này phải kể đến Luật doanh nghiệp năm 1999. Cụ thể, Thủ tướng Phan Văn Khải đã chọn những người có tư duy đổi mới, ủng hộ doanh nghiệp tư nhân vào Ban chỉ đạo, tổ soạn thảo luật và cả tổ thi hành sau khi luật được Quốc hội thông qua. Chính luật này được thi hành năm 2000 đã giúp phát triển doanh nghiệp và phục hồi kinh tế. Năm 2000, nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng 6,8%, năm 2002 đạt 7,1% và những năm sau cao hơn. Dòng đầu tư nước ngoài cũng trở lại mạnh mẽ.
“Ngoài Luật doanh nghiệp 1999, ông cũng chỉ đạo sửa đổi, ban hành nhiều luật liên quan như Luật Thuế, Luật Thương mại, Luật Đất đai, Luật Ngân hàng và các tổ chức tín dụng, Luật Cạnh tranh… pháp lệnh về quyền tự vệ, pháp lệnh chống bán phá giá…. Các văn bản này đều vừa tạo thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam, vừa tương thích với các nguyên tắc của WTO”, bà Phạm Lan Chi nhận định.
Về tính cách, tác phong cá nhân của nguyên Thủ tướng, chia sẻ trên Vietnamnet, bà Phạm Lan Chi đánh giá: nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là người thực sự biết lắng nghe, gần gũi, làm việc rất dân chủ.
"Trong nhiều chuyến đi nước ngoài, tôi chứng kiến nhiều lần ông từ chối ngồi một mình ở khoang cao cấp để xuống ngồi cùng anh em chuyện trò, kể chuyện tiếu lâm, tạo không khí thân mật, gần gũi giữa người đứng đầu Chính phủ với các DN, với những người giúp việc cho mình. Đó là một tác phong đáng quý, chiếm được tình cảm của những người làm việc cùng ông", bà Phạm Lan Chi nhấn mạnh.
Cũng giống như bà Phạm Lan Chi, khi chia sẻ về dấu ấn của cố Thủ tướng Phan Văn Khải, chia sẻ trên trang VietnamFinanceTS. Lê Đăng Doanh - Chuyên gia kinh tế, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của cố Thủ tướng Phan Văn Khải, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho hay: "Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là Thủ tướng kỹ trị, là Thủ tướng chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam sau năm 1975".
Theo TS. Lê Đăng Doanh, con người cố Thủ tướng Phan Văn Khải khác hẳn với các đời Thủ tướng tiền nhiệm như Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng hay Võ Văn Kiệt – những người có quá trình tham gia chiến đấu rất lâu dài và có uy tín lớn.
TS. Lê Đăng Doanh cho biết, cố Thủ tướng Phan Văn Khải là người được đào tạo bài bản tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân Plekhanov của Liên Xô. Sau tốt nghiệp, ông về làm tại Vụ Tổng hợp Kinh tế quốc dân (thuộc Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư) giữ chức Trưởng phòng. Sau đó, ông vào làm Ban kinh tế của Trung ương Cục, đi B và sau năm 1975 thì làm việc tại Ủy ban Kế hoạch của TP. HCM rồi sau lên làm Chủ tịch thành phố.
Thời gian kế tiếp, ông Phan Văn Khải đảm nhiệm chức Phó Thủ tướng rồi Thủ tướng Chính phủ. Ở cương vị này, ông là người đã cải tổ lại Tổ nghiên cứu của Thủ tướng Võ Văn Kiệt và xây dựng nên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng của ông trong 9 năm trời.
"Chúng ta đều biết khi ông nhậm chức, kinh tế Đông Nam Á đang lâm vào khủng hoảng tài chính (1997), gây áp lực rất lớn lên Việt Nam. Chúng ta còn nhớ bấy giờ đồng baht của Thái Lan mất giá gần 100% (từ 25 baht/USD lên 50 baht/USD) và họ phải nhờ đến IMF nhưng nền kinh tế của chúng ta đã giữ được sự ổn định và tăng trưởng.
Tôi cho rằng đặc điểm lớn nhất của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là ông hết sức quan tâm đến sự ổn định của nền kinh tế, quyết định nào cũng được tính toán rất kỹ lưỡng", TS. Lê Đăng Doanh đánh giá.
Cũng theo quan điểm của TS. Lê Đăng Doanh, con người của nguyên Thủ tướng, cả về tư cách, tri thức và tấm lòng với đất nước đều rất đáng trân quý.
Ông Phan Văn Khải sinh ngày 25/12/1933 ở xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP HCM; tham gia phong trào cách mạng từ năm 1947 khi 14 tuổi, vào Đảng năm 26 tuổi; từng kinh qua các chức vụ: Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP HCM, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Phó Thủ tướng.
Tháng 9/1997, ông được bầu làm Thủ tướng. Tháng 7/2002, ông tiếp tục được bầu làm Thủ tướng nhiệm kỳ thứ hai. Đến tháng 6/2006, ông xin từ nhiệm trước nhiệm kỳ một năm.
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã từ trần vào hồi 1h30 ngày 17/3 tại quê nhà Củ Chi, TP HCM.
Chiều 17/3, Ban Chấp hành Trung ương Đảng phát đi thông cáo đặc biệt về việc tổ chức lễ tang nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải theo hình thức quốc tang.
Lễ tang nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải sẽ được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất, TP.HCM. Lễ viếng bắt đầu từ 8h, ngày 20/3 đến hết ngày 21/3.
Lễ truy điệu nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải được tổ chức trọng thể lúc 7h30 ngày 22/3 tại Hội trường Thống Nhất. Lễ an táng lúc 11h cùng ngày tại Nghĩa trang quê nhà xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP HCM.
Cùng thời gian này, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội) cũng diễn ra lễ viếng, lễ truy điệu nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
Hồng Liên (Tổng hợp)

>> xem thêm

Bình luận(0)