Lượng khách giảm mạnh vì Covid – 19
|
Một tài xế Grab chạy xe trong mùa dịch tuân thủ đầy đủ các yêu cầu chống dịch. Ảnh: LH |
Dịch Covid – 19 đang có những diễn biến ngày càng phức tạp trên thế giới và cả ở Việt Nam. Trong tình hình dịch bệnh bùng phát, mọi người đều hạn chế ra đường, hay di chuyển trên các phương tiện công cộng, điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của các ứng dụng gọi xe tại thị trường Việt Nam.
Các ứng dụng gọi xe ở Việt Nam hiện nay vẫn đang hoạt động bình thường kể cả ở dịch vụ giao hàng hay di chuyển. Tuy nhiên, việc theo phản ánh của nhiều tài xế thì lượng khách sử dụng các ứng dụng gọi xe đang giảm mạnh.
Trần. T. Chiến (Hà Nội), tài xế một ứng dụng gọi xe tâm sự: “Lượng khách giảm đáng kể từ khi có dịch. Khách hàng ngày càng hạn chế di chuyển bằng các phương tiện công cộng như taxi hay xe công nghệ dù cánh tài xế chúng tôi rất cẩn thận phòng dịch”.
Không tiết lộ con số, nhưng đại diện một ứng dụng gọi xe cho biết: tình hình dịch bệnh ngày càng căng thẳng và ảnh hưởng đến hoạt động của hầu hết các doanh nghiệp trong ngành. Các dữ liệu cho thấy nhu cầu của khách hàng đã giảm đáng kể vì dịch bệnh.
Mới đây, một báo cáo của Sở GTVT Hà Nội cũng cho thấy vận tải hành khách và hàng hóa trên địa bàn Hà Nội bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Trong đó, vận tải bằng taxi còn giảm mạnh, ở mức 50 - 60% so với cùng kỳ. Trong khi đó, các loại hình vận tải xe hợp đồng (bao gồm cả xe công nghệ), du lịch giảm từ 70 - 80%.
Không chỉ riêng các ứng dụng gọi xe mà cả các doanh nghiệp taxi cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid – 19. Trả lời phỏng vấn của ICTNews, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cũng cho biết: “Lượng khách trong đợt đại dịch giảm tới 50%, các doanh nghiệp taxi đang phải chịu lỗ”.
Doanh nghiệp gọi xe sẵn sàng phương án phòng dịch
|
Tại Trung tâm tiếp đối tác của be, khẩu trang được phát miễn phí cho tài xế đến làm thủ tục |
Trao đổi với ICTNews, đại diện ứng dụng gọi xe Goviet cho biết, đơn vị này đã bắt đầu triển khai thực hiện khai báo y tế đối với các nhân viên tại công ty ngay sau khi có thông tin yêu cầu chính thức. Hiện nay, Goviet cũng đang tính đến các phương án để có thể triển khai việc khai báo y tế đối với các đối tác tài xế. Trong khi đó, công tác tuyên truyền đến các đối tác tài xế và nhà hàng vẫn liên tục được đẩy mạnh ngay từ đầu mùa dịch, vị này cho biết.
Trong đợt dịch kéo dài kể từ sau Tết Nguyên đán, hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực gọi xe đểu đồng loạt đưa ra các biện pháp phòng dịch.
Ứng dụng gọi xe be thực hiện chiến dịch “beClean” nhằm đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp phòng chống dịch bệnh đến đội ngũ tài xế. be được xem là ứng dụng gọi xe mạnh tay thực hiện công tác phòng dịch khi yêu cầu tài xế thực hiện các nguyên tắc bắt buộc. Theo đó, ngay khi công bố dịch, be đã yêu cầu tất cả các tài xế của be luôn đeo khẩu trang, hạn chế nói chuyện khi không cần thiết khi di chuyển cùng khách hàng và vệ sinh xe mỗi ngày. Riêng tài xế beCar được khuyến khích mở cửa xe cho khách hàng và hạ kính xe trong điều kiện cho phép. Các nội dung về phòng tránh dịch bệnh cũng được “be” đưa vào nội dung huấn luyện bắt buộc cho các tài xế mới đăng ký ứng dụng.
Về phía hành khách, khi sử dụng ứng dụng “be” đồng thời sẽ nhận được một thông báo về các nguyên tắc vàng phòng chống dịch bệnh để cùng chung tay làm nên chuyến xe an toàn.
Cũng ngay từ đầu mùa dịch, Grab Việt nam cho biết đã truyền thông đến các đối tác tài xế, nhà hàng đầy đủ các biện phòng dịch như đeo khẩu trang, găng tay giữ vệ sinh và khử trùng phương tiện thường xuyên.
Các đối tác nhà hàng, Grab cũng khuyến cáo thực hiện nhiều biện pháp bổ sung sung để bảo đảm an toàn khi chế biến và giao đồ ăn như: luôn mang găng tay; thường xuyên vệ sinh, khử trùng khu vực chế biến thức ăn; rửa tay bằng dung dịch có cồn; tăng cường thêm một lớp bọc thực phẩm với tem khóa an toàn nhằm đảm bảo thức ăn được giao đến khách hàng một cách an toàn nhất.
Cả hai ứng dụng gọi xe lớn nhất thị trường hiện nay là Grab và be đều thực hiện trang bị và trao tặng hàng trăm nghìn khẩu trang y tế, găng tay và nước rửa tay sát khuẩn cho các đối tác tài xế.
Cũng trong dự án “An toàn hơn mỗi ngày" (Safer Everyday) vừa triển khai, Grab cũng kết hợp với mạng xã hội Lotus xây dựng các nội dung thiết thực, đẩy mạnh kênh thông tin “Lá chắn Corona” trở thành kênh thông tin hữu ích cho cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng người dùng, các đối tác tài xế và các đối tác nhà hàng, quán ăn của Grab về dịch COVID-19.
Phía Grab cũng chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch cho phép nhân viên Grab làm việc ở nhà trong trường hợp cần thiết, tùy vào diễn biến và chỉ đạo của các cơ quan chức năng; và hạn chế đi công tác đến các tỉnh thành khác hoặc quốc gia khác nếu không thật sự cần thiết.