Trong 2 ngày 14 và 15/5, một loạt diễn biến mới liên quan đến "cuộc chiến" quyền lực quanh chiếc ghế chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam EximbankEIB-1.7% diễn ra.
Ai mới là chủ tịch Eximbank?
Ngày 14/5, TAND TP.HCM ra quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời yêu cầu dừng thực hiện nghị quyết 112/2019/EIB/NQ-HĐQT về việc thay đổi chức danh chủ tịch HĐQT Eximbank.
Cùng ngày, TAND TP.HCM cũng đình chỉ giải quyết vụ án dân sự về việc "Tranh chấp giữa các thành viên HĐQT của công ty cổ phần" giữa nguyên đơn là ông Lê Minh Quốc và bị đơn là một số thành viên HĐQT của Eximbank.
2 quyết định trên của TAND TP.HCM được ban hành sau khi đại diện theo ủy quyền của ông Lê Minh Quốc có đơn xin rút yêu cầu khởi kiện và đại diện theo ủy quyền của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan ông Trần Công Cận cũng có đơn xin rút yêu cầu độc lập cùng vào ngày 14/5.
Trước đó, ngày 22/3, HĐQT Eximbank ra nghị quyết số 112/2019/EIB/NQ-HĐQT về việc bổ nhiệm bà Lương Thị Cẩm Tú, thành viên HĐQT, giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VI (2015 - 2020) thay ông Lê Minh Quốc, thành viên HĐQT độc lập bị bãi nhiệm.
|
Bà Lương Thị Cẩm Tú và ông Lê Minh Quốc tại đại hội cổ đông bất thành mới nhất ngày 26/4. Ảnh: Thy Thơ/nld.com.vn. |
Sau đó, ông Quốc gửi đơn kiện cho rằng nghị quyết số 112 của HĐQT Eximbank là không có giá trị pháp lý. TAND TP.HCM áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời yêu cầu Eximbank dừng thực hiện nghị quyết thay đổi vị trí chủ tịch HĐQT để thụ lý hồ sơ của ông Quốc.
Ngày 29/3, đại diện Eximbank lại có đơn khiếu nại về quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của TAND TP.HCM khi khẳng định việc bổ nhiệm chủ tịch mới là đúng quy định pháp luật và điều lệ ngân hàng. Tuy nhiên, tòa đã bác đơn khiếu nại này.
Như vậy, với việc TAND TP.HCM hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời yêu cầu dừng thực hiện nghị quyết số 112, nghị quyết này có hiệu lực trở lại và do đó bà Lương Thị Cẩm Tú sẽ là chủ tịch hợp pháp của Eximbank.
Cũng trong ngày 14/5, ông Quốc có đơn từ nhiệm chức danh chủ tịch HĐQT Eximbank.
Trong đơn, ông Quốc nêu lý do từ nhiệm vì "lợi ích cao nhất của ngân hàng và cổ đông" khi "quá nhiều ý kiến bất đồng và mâu thuẫn khó hòa giải liên quan đến người nắm giữ chức vụ chủ tịch HĐQT Eximbank gần đây gây khó khăn cho hoạt động quản trị, điều hành ngân hàng".
"Việc từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT của tôi dựa trên cơ sở đa số thành viên HĐQT thống nhất giải pháp bảo đảm an toàn cho tôi, và để HĐQT Eximbank có thể đi đến thống nhất về một phương án khả dĩ ổn định tình hình, tạo thuận lợi cho hoạt động quản trị điều hành ngân hàng đang bị trì trệ do các bất đồng trong nội bộ HĐQT”, đơn từ nhiệm của ông Quốc ghi.
Tuy nhiên, chỉ một ngày sau, kết thúc cuộc họp HĐQT Eximbank, ông Quốc lại là người ký nghị quyết thông qua việc chấm dứt hiệu lực của nghị quyết 112 bầu bà Lương Thị Cẩm Tú làm chủ tịch HĐQT thay mình.
Như vậy, đến lúc này, chủ tịch Eximbank vẫn là ông Lê Minh Quốc.
Hơn một tháng không có tổng giám đốc
Ngoài vị trí chủ tịch HĐQT với nhiều lùm xùm, Eximbank cũng đang khuyết vị trí tổng giám đốc hơn một tháng nay.
Sau khi hợp đồng lao động của Tổng giám đốc Lê Văn Quyết hết hạn vào đầu tháng 4, Eximbank vẫn chưa gia hạn hợp đồng mới với ông. Lý do được cho là đến từ những bất đồng của các thành viên HĐQT.
Sắp tới, ngân hàng Eximbank sẽ tiến hành họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 lần hai vào ngày 26/5 sau khi cuộc họp lần một ngày 26/4 không thể tiến hành như dự kiến.
|
Eximbank phải hoãn Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 vì không đủ cổ đông dự họp. Ảnh: Việt Đức. |
Hôm 26/4, đại hội cổ đông Eximbank phải hoãn khi chỉ chưa đầy 200 cổ đông, đại diện cho gần 58% số cổ phần của công ty đến tham dự. Trong khi đó, theo quy định pháp luật và điều lệ ngân hàng, cuộc họp đại hội đồng cổ đông lần một chỉ được tiến hành khi có số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 65% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Cuộc họp lần hai của đại hội đồng cổ đông Eximbank vào ngày 26/5 tới sẽ cần số cổ đông dự họp đại diện ít nhất 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết để có thể bắt đầu.