Hầu hết các bị cáo nữ trong vụ đại án kinh tế tại OceanBank khi đứng trước vành móng ngựa đã không kìm nén được cảm xúc và bật khóc.
Trong vụ án trên, Hà Văn Thắm (SN 1972, ở Tây Hồ, Hà Nội) – nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Oceanbank cùng 47 bị cáo khác bị truy tố về 3 tội danh của Bộ Luật Hình sự gồm: “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” (Điều 179); tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” (Điều 281) và tội “Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” (Điều 165).
|
Bị cáo Nguyễn Minh Thu nhiều lúc bật khóc tại tòa. |
Trong 47 bị cáo này, có khá nhiều bị cáo là nữ. Trong đó có những cái tên được nhắc đến nhiều như Nguyễn Minh Thu (SN 1973, trú tại Ba Đình, Hà Nội, nguyên Phó Tổng giám đốc, rồi Tổng giám đốc Oceanbank); Nguyễn Thị Minh Phương (nguyên Phó Tổng Giám đốc Oceanbank); Lê Thị Thu Thủy (nguyên Phó Tổng giám đốc Oceanbank); Vũ Thị Thùy Dương (nguyên Giám đốc Khối Kế toán và giao dịch trong nước OceanBank); Trần Thị Thu Hương (nguyên Giám đốc chi nhánh OceanBank Hải Dương).
Bị cáo Nguyễn Minh Thu bị triệu ra trước vành móng ngựa ngay từ phiên xét xử sơ thẩm đầu tiên (Ngày 27/2). Bà Minh Thu bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Trước tòa, tại phần kiểm tra căn cước, bà Minh Thu đã không kiềm được cảm xúc và bật khóc khi được tòa hỏi về nghề nghiệp, gia đình.
Bị cáo Nguyễn Minh Thu trông tiều tụy và xuống sắc hơn hẳn so với những lần xuất hiện trên báo chí khi còn tại vị ở OceanBank. Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Minh Thu khai chỉ làm theo chỉ đạo của Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Tổng giám đốc Oceanbank).
Một bị cáo nữ khác được nhắc đến nhiều trong vụ đại án kinh tế tại OceanBank đó là bị cáo Nguyễn Thị Minh Phương. Bị cáo Minh Phương bị cáo buộc làm theo chỉ đạo của Hà Văn Thắm và được giao nhiệm vụ trực tiếp theo dõi, chi trả tiền lãi suất ngoài hợp đồng số tiền hơn 263 tỷ đồng gồm, trong đó có 230 tỷ đồng do bị cáo trực tiếp chi.
Ngoài ra, bị cáo còn liên đới trách nhiệm trong việc phân công, xác nhận để bộ phận khác chi lãi ngoài hợp đồng số tiền hơn 85 tỷ đồng cho các khách hàng lớn.
Tuy nhiên, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm lần này, bị cáo Minh Phương đã không có mặt. Thẩm phán Trần Nam Hà cho biết, bị cáo Nguyễn Thị Minh Phương mắc bệnh ung thư phải mổ, xạ trị hiện đang điều trị tại bệnh viện.
Ngày 24/2 vừa qua phía Bệnh viện Bạch Mai đã thông tin tới tòa về sức khỏe của bị cáo yếu và không thể tham gia phiên tòa.
Luật sư của bị cáo Nguyễn Thị Minh Phương đề nghị HĐXX triệu tập Hà Minh Nguyệt - Trần Đức Chính - Nguyễn Tuấn Hùng. Đồng thời đề nghị HĐXX tạm đình chỉ xét xử đối với bị cáo Nguyễn Thị Minh Phương.
Bị cáo Lê Thị Thu Thủy (nguyên Phó Tổng giám đốc Oceanbank) bị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
|
Bị cáo Lê Thị Thu Thủy tại tòa. |
Bà Lê Thị Thu Thủy trước đó từng nổi tiếng ở OceanBank bởi sự xinh đẹp, trẻ trung, du học ở nước ngoài về cùng với một số những phát ngôn ấn tượng như: “Đừng bao giờ đánh mất đam mê trong công việc. Chừng nào bạn còn đam mê, mọi khó khăn trong cuộc sống sẽ không thể ngăn cản bạn thành công”.
Tại tòa, bị cáo Hà Văn Thắm khai nhiều tình tiết bảo vệ cho nhân viên của mình, trong đó có bị cáo Lê Thị Thu Thủy.
Liên quan đến bị cáo Lê Thị Thu Thủy và các đồng nghiệp dưới quyền, các giám đốc chi nhánh, bị cáo Hà Văn Thắm cho biết đã có yêu cầu bị cáo Thủy rút tiền chi chăm sóc khách hàng nhưng không thông báo rút tiền ra làm gì và bị Lê Thị Thu Thủy phản ứng khá gay gắt, đồng thời bị cáo Thủy cũng đề nghị nộp chứng từ cho đủ thủ tục.
Giải thích về việc làm này, Hà Văn Thắm nhấn mạnh: “Việc chi chăm sóc khách hàng là vi phạm nhưng nếu không làm thì sẽ sập tiệm. Nếu chị Thủy không làm thì rút tư cách của chị Thủy. Hành vi của chị Thủy là do bị cáo gần như là lừa thuộc cấp vì bị cáo cũng nói với chị Thủy rằng khoản này sẽ được hoàn ứng. Chị Thủy và những nhân viên dưới quyền không có tội, trong hoàn cảnh họ phải làm như vậy”, đồng thời chính bị cáo Thắm cũng xin xem xét vai trò của các thuộc cấp.
Theo tài liệu điều tra, từ tháng 10/2014, bị can Nguyễn Xuân Sơn được điều chuyển về PVN, không liên quan đến việc điều hành OceanBank. Tuy nhiên, Sơn đứng sau tác động đưa Nguyễn Minh Thu trở thành Tổng giám đốc OceanBank. Theo “đề nghị” của Sơn, Hà Văn Thắm - nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank đã đồng ý giao cho Thu phụ trách huy động vốn, trực tiếp chi và phê duyệt chi tiền lãi ngoài huy động.
Trước đó, từ tháng 2/2009 đến tháng 10/2010, Sơn và Thắm thỏa thuận chi lãi ngoài huy động vốn cho Sơn trên dưới 1%/số dư tiền gửi bình quân/năm của PVN, các tổng công ty và công ty con. Nguồn tiền Thắm sử dụng để chi lãi ngoài cho Sơn được lấy từ nguồn thu phí dịch vụ của Công ty BSC Việt Nam (công ty của Thắm).
Sở dĩ Hà Văn Thắm đồng ý đưa ra chủ trương chi ngoài lãi suất huy động vốn trên toàn hệ thống OceanBank do nguồn huy động của OceanBank phụ thuộc phần lớn vào số tiền dư gửi của PVN. Chủ trương, chính sách này không ban hành thành văn bản mà được chỉ đạo qua các cuộc họp. Khi thực hiện, hội sở thông báo qua điện thoại, email, chat skype cho các chi nhánh.
Thực hiện chủ trương trên, Nguyễn Minh Thu, Lê Thị Thu Thủy và Nguyễn Thị Minh Phương (Thủy và Phương khi đó là Phó tổng giám đốc OceanBank) chỉ đạo lãnh đạo các khối, ban thuộc Hội sở OceanBank thực hiện chi lãi ngoài huy động vốn trái quy định của Ngân hàng Nhà nước về trần lãi suất huy động vốn VND và USD theo từng thời kỳ.
Đối với huy động vốn không kỳ hạn, Nguyễn Minh Thu là người kiểm soát, phê duyệt, trực tiếp chi tiền và chỉ đạo chuyển tiền cho giám đốc các chi nhánh để chi trả cho khách hàng. Về nguồn tiền chi lãi ngoài, Lê Thị Thu Thủy chỉ đạo Ban kế toán lấy từ nguồn tiền của Oceanbank thông qua các hình thức tạm ứng thực hiện nghiệp vụ (TK3612), chi thẳng từ tài khoản chi phí trả lãi (TK801) và tiền mặt từ tài khoản của Vũ Thị Thùy Dương - Trưởng ban Kế toán OceanBank.