Dẫn chúng tôi vào thăm trang trại ốc với những dãy bể xi măng kiên cố, người làm tất bật thu hoạch để kịp tiêu thụ, anh Bùi Xuân Bình - Giám đốc doanh nghiệp chăn nuôi ốc ở thị trấn Tân Phong (Quảng Xương, Thanh Hóa) khoe, đây chỉ là một khu nuôi bể, còn nếu tính tổng diện tích khoảng 15ha, chưa tính các trang trại liên kết.
Anh Bình tâm sự, cách đây 10 năm anh làm cho một công ty vệ sĩ ở Hà Nội. Công việc thời bấy giờ anh phải thường xuyên tiếp xúc với các đối tác khách hàng và dẫn họ đi ăn các món đồng quê.
“Tôi hay gọi các món làm từ ốc nhồi, song đa phần đều nhận được câu trả lời ‘hết hàng’ từ nhân viên phục vụ”, anh nói. Nhiều lần như vậy, anh nghĩ trước đây ở quê ốc nhồi rất nhiều, nay sao vừa đắt đỏ vừa không có hàng, chắc do nguồn cung thiếu. Vậy nên, ý tưởng về quê nuôi ốc để cung cấp cho các nhà hàng, hàng quán cũng từ đó mà ra.
Anh Bình cùng bạn khởi nghiệp nuôi ốc đã được gần chục năm nay (ảnh: Đức Anh).
Là người sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo, công việc gắn với đồng ruộng nên với anh Bình con ốc nhồi rất đỗi quen thuộc. Ốc sống ở ruộng trũng, ao đầm, sông,... có thể đi bắt về nấu ăn. Nhưng đó đều là ốc sinh trưởng và phát triển ngoài tự nhiên, còn khi bắt đầu nuôi anh gần như không có kinh nghiệm gì.
Anh Bình nhớ lại, những ngày đầu bắt tay vào nuôi ốc nhồi, anh lên mạng tìm hiểu thông tin nhưng không rất ít, phần lớn chỉ là thông tin cơ bản. Sau đó, anh đi hỏi bà con nông dân ở quê về tập tính sinh trưởng của con ốc, thức ăn là những loại nào.
Năm 2014, anh bắt ốc tự nhiên vào thả nuôi ở trong ao của mình. Lứa ốc nuôi thử nghiệm cho kết quả rất khả quan. Sau đó, anh quyết định mở rộng diện tích ao nuôi, xây hệ thống bể xi măng để nuôi ốc nhồi quy mô lớn.
Vụ đầu tiên, trang trại nuôi ốc nhồi đã mang về thu nhập cho anh và cộng sự gần 100 triệu đồng. Kể từ đó, cứ mỗi năm diện tích nuôi ốc lại được mở rộng thêm.
Mỗi năm cơ sở của anh Bình cung cấp ra thị trường 150-180 tấn ốc nhồi thương phẩm (ảnh: Đức Anh).
Ngoài ra, anh Bình còn nuôi ốc sinh sản để bán con giống (ảnh: Đức Anh).
Trang trại của anh Bình mỗi năm cung cấp ra thị trường 2 triệu con ốc giống (ảnh: Đức Anh).
“Đến nay, tôi đã có công ty nuôi ốc của riêng mình. Diện tích ao nuôi và bể nuôi lên tới 15 ha. Hàng năm, sản lượng ốc giống cung ra thị trường khoảng 2 triệu con, 150-180 tấn ốc thịt thương phẩm”. Anh nói và cho biết, công ty anh còn liên kết với khoảng 2.000 hộ dân trong huyện để nuôi ốc.
Tất cả sản phẩm của các hộ dân nuôi liên kết đều được doanh nghiệp thu mua. Ốc được đưa vào sơ chế để cung cấp cho các hệ thống siêu thị, nhà hàng, quán ăn và cả khách sạn các tỉnh miền Bắc, trong đó cung cấp nhiều nhất cho thị trường Hà Nội và Thanh Hóa.
Ốc nhồi thương phẩm đã sơ chế sẵn hiện có giá 80.000-120.000 đồng/kg. Với sản lượng ốc thu được từ trang trại, sau khi trừ hết chi phí, anh lãi khoản 2-4 tỷ đồng.
Theo anh Bình, để thành công, khi nuôi cần năm bắt được kỹ thuật nuôi và các loại bệnh ốc hay mắc nhằm kịp thời xử lý.
Anh bật mí, nếu nuôi trong ao mật độ thả 100 con/m2, nuôi trong bể xi măng mật độ 200-300 con/m2. Nguồn nước ra vào ao nuôi phải đảm bảo sạch vì con ốc nhồi khá nhạy cảm với môi trường sống. Nếu nuôi trên bể xi mặng thì phải làm mái che chống nóng cho ốc vào mùa hè, tránh lạnh cho ốc vào mùa đông.
Thành tỷ phú nhờ con ốc nhồi, anh Bình dự tính mở rộng nhà máy sản xuất và sơ chế ốc nhồi theo hướng chuyên nghiệp tự động và bán tự động (ảnh: Đức Anh).
Trong quá trình nuôi ốc thường mắc bệnh sưng vòi, mòn vỏ. Do vậy cần chú ý đến nguồn nước, tránh bị ô nhiễm. Khi ốc bị bệnh phải kết hợp nano bạc hoặc đồng để xử lý nước, thau rửa ao, bể sau đó dùng vi sinh… để để tái tạo môi trường sống của ốc.
Thời gian thả nuôi ốc phù hợp nhất là vào tháng 4 Âm lịch. Ốc nhồi nuôi 3 tháng sẽ cho thu hoạch. Thức ăn của chúng chủ yếu là bèo tấm, bầu, bí mướp... Do đó, có thể tận dụng nguồn rau quả giá rẻ ở địa phương.
Theo anh, thị trường ốc nhồi còn nhiều dư địa để có thể phát triển quy mô nuôi theo hướng chuyên nghiệp. Anh khẳng định, nuôi ốc cho "siêu lợi nhuận", nhất là nuôi ốc sinh sản bán con giống. Bởi, nhu cầu ốc giống hiện nay ngày một nhiều, trong khi nguồn cung khan hiếm nên ốc giống sản xuất từ trang trại nuôi của anh luôn trong tình trạng "cháy hàng".
Thời gian tới, anh dự tính mở rộng nhà máy sản xuất theo hướng tự động bà bán tự động, đồng thời làm kho cấp đông để trữ ốc khi vào chính vụ thu hoạch và cung cấp ra thị trường vào mua đông. Bởi, vào mùa này, nhu cầu ốc nhồi trên thị trường tăng cao song nguồn cung thường thiếu hụt nghiêm trọng.
Người tiêu dùng, nhất là người dân ở thành phố, đang hướng tới nông sản sạch, chỉ cần sản phẩm bảo đảm chất lượng thì giá cao hơn họ vẫn sẵn sàng để mua. Do đó, làm theo chuỗi đảm bảo sạch từ quá trình nuôi đến sản xuất chế biến sẽ giúp con ốc nhồi có chỗ đứng ổn định, bền vững hơn, anh Bình cho hay.