Đó là chia sẻ của anh Nguyễn Lê Kính (SN 1980), trú tại xóm Trung Tâm, xã Kha Sơn (Phú Bình, Thái Nguyên). Gần 20 năm bươn trải với đủ nghề để kiếm thêm thu nhập nhưng với anh thì con ốc nhồi đã khiến anh thực sự “đổi đời”.
Anh Kính đang vớt bèo làm thức ăn cho ốc.
Trước khi nuôi ốc nhồi, anh Kính cho biết anh đang làm việc tại một doanh nghiệp với mức lương 6,5 triệu đồng/tháng. Thu nhập không đủ trang trải chi tiêu khiến anh luôn suy nghĩ tìm việc làm thêm.
Cuối tháng 4 năm 2018, nghiên cứu thấy mô hình nuôi ốc nhồi ở một số địa phương cho lợi nhuận kinh tế khá cao nên anh mạnh dạn mua 2 vạn giống về nuôi.
“Nhà tôi lúc đó có 2 ao, một chiếc rộng chừng 120m2, một chiếc rộng 70m2 nên tôi tận dụng ao nhà sẵn có để nuôi ốc nhồi. Mới đầu tôi chỉ mua 2 vạn con giống với giá 500 đồng/con. Sau 1 tháng thấy ốc lớn nhanh như thổi nên mua tiếp 3 vạn nữa về nuôi”, anh Kính nói.
Chỉ trong vòng 4-5 tháng nuôi ốc nhồi, anh Kính có thu nhập bằng cả năm đi làm công ty.
Lứa ốc đầu tiên anh Kính thu hoạch được 3,5 tạ ốc thương phẩm, lãi gấp 3 lần. Lứa ốc thứ 2 anh thu được 6 tạ, bán với giá 90.000 đồng/kg, mang về 54 triệu. Ốc nuôi được đến đâu được thương lái đến tận nơi thu mua hết đến đó để cung cấp cho các quán ăn, nhà hàng. Chỉ trong vòng 4-5 tháng, anh Kính có thu nhập bằng cả năm đi làm công ty.
Thấy hiệu quả kinh tế cao, anh Kính thuê máy móc về xúc đất làm thêm 2 chiếc ao rộng 1.500m2 và thả 10 vạn ốc giống. Trước khi nuôi, anh phải khử khuẩn toàn bộ ao bằng vôi bột. Nguồn nước nuôi ốc cũng luôn được anh giữ gìn sạch sẽ và vệ sinh ao nuôi thường xuyên khiến ốc lớn rất nhanh.
Vừa nuôi ốc nhồi thương phẩm, anh Kính vừa bán trứng ốc nhồi và con ốc nhồi giống.
Mỗi con ốc nhồi có thể đẻ từ 70-150 trứng/lần.
Theo anh Kính, ốc nhồi là con vật dễ nuôi, thức ăn cũng chỉ là các loại lá mềm như rau muống, rau khoai lang, lá sắn, bèo tấm và các loại củ quả… Cuối vụ, một phần ốc trưởng thành được anh giữ lại nuôi để lấy trứng giống, một phần anh bán ốc thương phẩm.
Cuối năm 2019, anh thu về được gần 1 tấn ốc thương phẩm, bán được gần 100 triệu đồng.
Năm 2020, anh Kính bàn với anh họ cùng đầu tư để tiến hành vừa nuôi ốc thương phẩm vừa nuôi ốc sinh sản trên diện tích 2.400m2 mặt nước. Nhờ đầu tư bài bản, có kế hoạch và thị trường tiêu thụ ổn định nên ốc nuôi được đến đâu có người mua hết đến đó.
Ốc nhồi nuôi đến đâu được thương lái đến mua hết đến đó.
Ốc nhồi có thể chế biến được nhiêu món nên rất nhiều người ưa chuộng.
“Con ốc từ khi nở đến khi thu hoạch là từ 4,5-5 tháng. Khi ốc trưởng thành thì ghép đôi sinh sản. Trung bình, mỗi tháng, mỗi con ốc cái sẽ đẻ 1 buồng trứng chứa từ 70-150 trứng. Hơn 7 tạ ốc bố mẹ còn lại cho thu hoạch khoảng 10kg trứng/ngày. Đầu vụ giá trứng rất cao, từ 1,2-1,8 triệu đồng/kg. Giữa vụ giá xuống còn khoảng 500.000 đồng/kg”, anh Kính phân tích.
Ngoài bán trứng, anh Kính còn hướng dẫn các hộ gia đình tại địa phương và các tỉnh lân cận kỹ thuật nuôi ốc nhồi, đồng thời tiến hành ấp nở để bán ốc giống với giá từ 3-5 triệu đồng/vạn con. Làm giống từ tháng 4 đến hết tháng 8 âm lịch, mỗi tháng, hai anh em nhà anh Kính mang về thu nhập khoảng 300-400 triệu đồng.
Ngôi nhà khang trang của vợ chồng anh Kính xây dựng với kinh phí gần 1,2 tỷ đồng từ tiền bán ốc nhồi.
Năm 2020 là một năm khá thuận lợi khi 2 anh em tôi thu về được gần 2 tỷ đồng tiền bán ốc nhồi thịt và ốc giống.
Chỉ vào căn nhà mới xây rộng rãi, khang trang, anh Kính cho biết, nhờ con ốc nhồi mà vợ chồng anh có thể “đổi đời”.
“Nhiều người chưa thực sự thấy được giá trị của con ốc nhồi nhưng riêng tôi lại coi nó là vàng đen. Nhờ có ốc nhồi mà tôi xây được căn nhà 1,2 tỷ đồng, mua được ô tô để lấy phương tiện đi lại”, anh Kính chia sẻ.