Theo Hiệp hội, từ năm 2014, Grab và Uber xuất hiện ở Việt Nam hoạt động như taxi và phát triển bùng nổ. Sự bùng nổ làm phá vỡ quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng bằng taxi mà nhiều địa phương xây dựng. Ngoài ra còn gây khó khăn, bất ổn cho công tác quản lý an toàn giao thông, trật tự xã hội…
Với nguồn vốn lớn từ nước ngoài, các công ty này thường xuyên đưa ra các chương trình khuyến mại, giảm giá để thu hút khách hàng. Giá cước Uber và Grab công bố thấp hơn khoảng 10-15% các hãng taxi trong nước. Nhưng nhờ có các chương trình khuyến mại, thực tế khách hàng phải trả giá rất thấp, thấp hơn 60-70% giá taxi truyền thống.
Grab còn liên tiếp tung ra các chương trình khuyến mại với giá trị lớn, thời gian kéo dài. Có rất nhiều chuyến đi khách hàng phải trả một số tiền rất nhỏ, thậm chí là không phải trả gì cả.
|
Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng Uber, Grab vi phạm các quy định về cạnh tranh. Ảnh: Hiếu Công. |
Hiệp hội dẫn ví dụ về các lần khuyến mại tràn lan của Grab từ trước đến nay với các hình thức đồng giá, khuyến mại trực tiếp, giảm giá khi khách thanh toán bằng thẻ.
"Grab đã vi phạm các quy định về thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại của Chính phủ, quy định tổng thời gian giảm giá, khuyến mại trong một năm khi không vượt qua 90 ngày. Ngoài ra, vi phạm quy định tối đa cho một chương trình giảm giá, khuyến mại, không quá 45 ngày. Vi phạm quy định tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại không vượt quá 50% tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ", văn bản nêu.
Ngoài ra, Grab còn có các chương trình hỗ trợ, thưởng cho đối tác, lôi kéo tài xế từ các hãng taxi truyền thống.
Từ những sai phạm trên, Hiệp hội kiến nghị Cục Xúc tiến thương mại kiểm tra hoạt động khuyến mại, giảm giá của Công ty TNHH GrabTaxi từ khi vào Việt Nam, các “mưu đồ” của Grab đang nhằm khuynh tiêu các hãng taxi truyền thống. Đơn vị này cũng đề nghị Cục xử lý Công ty TNHH GrabTaxi theo đúng pháp luật Việt Nam.
Trao đổi với Zing.vn, ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội, cho biết các hãng taxi truyền thống đang nỗ lực làm mới mình để giữ thị phần. Taxi truyền thống có thể đổi mới công nghệ, dịch vụ nhưng không thể áp dụng tràn lan quá nhiều chương trình khuyến mại như Grab, Uber.
Ông Bình còn cho rằng Uber, Grab đang đổ quá nhiều tiền vào thị trường Việt Nam để mua “nhu cầu” của khách hàng với giá thành rất rẻ, thậm chí là cho không. Mục tiêu của Grab, Uber là chiếm lĩnh, “nuốt chửng” thị trường, triệu hạ taxi truyền thống.
“Taxi truyền thống giảm giá, khuyến mại nhưng trên cơ sở chi phí hợp lý, chứ không thể khuyến mại kiểu phi mã, cho không như Uber, Grab được. Họ cứ nói có công nghệ tốt, nhưng tôi nghĩ bản chất là đổ tiền hạ giá thành để lôi kéo khách hàng. Chúng tôi rất mong Nhà nước tạo sân chơi bình đẳng cho các hãng taxi truyền thống”, ông Bình nhấn mạnh.
Trước đó, Phó tổng giám đốc Vinasun cũng cho hay Vinasun sẽ kiện Uber, Grab đến cùng.
Trao đổi với Zing.vn, đại diện truyền thông Grab cho hay họ chưa nhận được bất cứ thông tin nào từ cơ quan chức năng. Việc taxi truyền thống tuyên bố kiện Uber, Grab, vị này cho hay cũng chỉ nghe trên các phương tiện truyền thông. Trong khi đó, Uber từ chối bình luận thông tin.
Grab Việt Nam cũng cho hay khi vào Việt Nam, đơn vị này đã được cấp phép hoạt động đầy đủ. Về các đợt khuyến mại, vị này cho hay đó là một trong những biện pháp hiệu quả giúp gia tăng sức mua cho thị trường. Bà ví khuyến mại như "tặng lại" cho những khách hàng thân thiết và khuyến khích sử dụng dịch vụ.