Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) mới có văn bản gửi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP, Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau, đề nghị ưu tiên nhường khí cho sản xuất điện các tháng cao điểm mùa khô (tháng 5, tháng 6).
EVN cho rằng, thực tế công tác cung cấp nhiên liệu (than, dầu, khí) cho sản xuất điện không đáp ứng được yêu cầu vận hành, kết hợp sự cố kéo dài của một số tổ máy nhiệt điện gây thiếu hụt lượng lớn công suất nguồn điện.
Trong đó, nguồn khí Đông Nam Bộ đang giảm mạnh trong những năm gần đây, lượng khí cấp cho sản xuất điện chỉ còn khoảng 13,5 - 14 triệu m3/ngày, trong khi nhu cầu khí để vận hành tối đa của các nhà máy tuabin khí trong khu vực là trên 21 triệu m3/ngày.
Hiện lượng khí ở Tây Nam Bộ cấp cho sản xuất điện cũng chỉ đạt trung bình khoảng 4 triệu m3/ngày, trong khi nhu cầu khí để vận hành tối đa của các nhà máy tuabin khí Cà Mau khoảng 6 triệu m3/ngày.
Theo dự báo, việc vận hành hệ thống điện trong các tháng cao điểm nắng nóng (tháng 5, 6, 7) sẽ rất khó khăn, đặc biệt hệ thống điện miền Bắc phải đối mặt với tình trạng không đáp ứng được phụ tải đỉnh của hệ thống với công suất thiếu hụt lớn nhất khoảng 1.600 - 4.900MW.
Trước tình hình cấp bách đó, để đảm bảo cung cấp đủ điện, EVN đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP, Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau hỗ trợ, ưu tiên nhường khí cho sản xuất điện trong 2 tháng cao điểm mùa khô. Trong đó, EVN đề xuất ngừng toàn bộ Nhà máy đạm Cà Mau và đạm Phú Mỹ để nhường khí cho sản xuất điện từ nay cho đến hết tháng 5.
|
Đề xuất ngừng Nhà máy đạm Phú Mỹ và Cà Mau đến khi nào? Ảnh: Nhà máy đạm Cà Mau, nguồn: PVN. |
Trước đó, đầu tháng 5/2023, tại báo cáo gửi Bộ Công Thương về tình trạng khẩn cấp về cung ứng điện trong năm 2023, EVN cho hay, từ tháng 4, mặc dù miền Bắc và miền Trung mới bắt đầu có dấu hiệu nắng nóng nhưng thực tế sản lượng điện cung ứng đã tăng cao. Dẫn chứng là từ ngày 1/4 – 15/4, sản lượng điện trung bình đạt 792 triệu kWh/ngày (bằng 100,52% kế hoạch); từ ngày 16/4 – 21/4, sản lượng điện trung bình đạt 823 triệu kWh/ngày (bằng 104,49% kế hoạch). Để đảm bảo cung ứng đủ điện, EVN đã phải huy động các tổ máy chạy dầu từ ngày 17/4. Trong đó ngày nhiều nhất đã huy động 2.498MW chạy dầu vào ngày 21/4.
Cảnh báo của EVN cho biết, trong tháng 5, 6, 7 trở đi, miền Bắc bước vào cao điểm nắng nóng, phụ tải hệ thống điện quốc gia có thể tăng cao hơn so với kế hoạch.
EVN cũng cho biết, do hiệu ứng Elnino nên nước về các hồ thủy điện khu vực miền Bắc tiếp tục kém, lưu lượng nước chỉ bằng khoảng 70 - 90% so với trung bình các năm. Đến ngày 24/4, nhiều hồ thủy điện trong trạng thái mực nước thấp, có nguy cơ ảnh hưởng tới cung cấp điện và nhu cầu dân sinh trong mùa khô 2023.
Cụ thể, 18 hồ thủy điện lớn có dung tích nước còn lại dưới 20%; 18 hồ theo quy trình vận hành liên hồ chứa có mực nước thấp hơn quy định và 22 hồ mực nước giới hạn trong 2 tuần liên tiếp. Có 9 hồ (tổng công suất 3.000 MW) ghi nhận lượng nước dưới mực nước chết. EVN ước tính, sản lượng còn lại trong hồ toàn hệ thống là 4,5 tỷ kWh, thấp hơn 4,1 tỷ kWh so với cùng kỳ năm 2022.
Đối với nhiệt điện than, EVN cho biết, tình hình cung ứng than cũng thấp hơn phê duyệt 6 triệu tấn, việc bổ sung lượng than thiếu hụt gặp khó khăn, xảy ra tình trạng thiếu than tại các nhà máy trong một vài thời điểm. Việc nhập khẩu than cũng khó khăn trong khi nguồn huy động tăng nên bị thiếu than cho vận hành.
Cùng đó, việc cấp khí cho các nhà máy nhiệt điện khí cũng giảm so với các năm trước, do một số mỏ chính thức bước vào thời gian suy giảm. Cụ thể, sản lượng dự kiến năm 2023 là 5,6 tỷ m3, thấp hơn so với năm 2022 là 1,31 tỷ m3, trong khi một số mỏ liên tục xảy ra sự cố, nên cấp khí cho sản xuất điện càng khó khăn…
Theo giới thiệu tại cổng thông tin điện tử Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Nhà máy đạm Cà Mau thuộc Công ty CP Phân bón Dầu Khí Cà Mau (PVCFC) tại xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau (nằm trong cụm khí-điện-đạm Cà Mau), công suất 800.000 tấn urê hạt đục/năm. Nguyên liệu tiêu thụ khoảng 435 triệu m3 khí /năm, (tích cho 8.000 giờ/năm) khí thiên nhiên từ lô PM3-CAA và mỏ Cái Nước thuộc vùng biển Tây Nam thông qua đường ống dẫn khí PM3 Cà Mau.
Tổng mức đầu tư của nhà máy với giá trị được duyệt là 900,2 triệu USD, giá trị quyết toán đã được phê duyệt là 13.944,7 tỷ đồng (khoảng 760 triệu USD). PVCFC hoàn thành công tác cổ phần hóa (năm 2015), niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (hiện PVN nắm giữ 75,1% vốn điều lệ PVCFC). Nhà máy đạm Cà Mau vận hành thương mại từ cuối tháng 4/2012, đến nay, nhà máy luôn vận hành liên tục, ổn định tại 98% - 103% công suất thiết kế, sản phẩm đạt yêu cầu chất lượng.
Trong khi đó, dự án sản xuất Nhà máy đạm Phú Mỹ thuộc Tổng Công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí (PVFCCo) tại Khu công nghiệp Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Nhà máy có công suất thiết kế đạt 740.000 tấn urê hạt trong/năm (từ tháng 9/2010 là 800.000 tấn urê hạt trong/năm sau khi đầu tư phân xưởng thu hồi CO2). Nguyên liệu sử dụng khí đồng hành của bể Cửu Long và khí thiên nhiên từ các bể khác thuộc thềm lục địa phía Nam Việt Nam.
Tổng mức đầu tư của nhà máy được duyệt là 445 triệu USD, chi phí thực hiện được kiểm toán chấp nhận là 371,5 triệu USD. Trong đó, sử dụng vốn tự có của PVN được Nhà nước cho phép để lại từ tiền lãi bán dầu thô để tái đầu tư là 215 triệu USD, còn lại 230 triệu USD vay tín dụng với 8 ngân hàng (Vietcombank làm đầu mối). Nhà máy khởi công vào tháng 3/2001, hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành thương mại từ tháng 6/2004.