Ước lỗ hơn 31.000 tỷ đồng, EVN xin tăng giá điện

Google News

EVN nêu ra một loạt biến động lớn tác động tới sản xuất điện, kiến nghị điều chỉnh tăng giá điện để giảm bớt khó khăn và có thể cân đối tài chính trong những năm tới.

Tại hội nghị tổng kết 2022 và triển khai nhiệm vụ 2023 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) diễn ra ngày 21/12, ông Nguyễn Tài Anh, Phó tổng giám đốc EVN, cho biết, tổng doanh thu năm 2022 ước đạt 460.700 tỷ đồng, trong đó doanh thu công ty mẹ EVN ước đạt 385.300 tỷ đồng, bằng 101% kế hoạch và tăng 11,28% so năm 2021. Tuy nhiên, tập đoàn ước tính lỗ 31.360 tỷ đồng.
Trong năm, các biến động lớn trên thế giới đã tác động, ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất điện. Việc đầu tư xây dựng các dự án điện gặp nhiều vướng mắc về cơ chế chính sách, khó khăn trong thu xếp vốn; chi phí đầu vào tăng cao nhưng giá bán lẻ điện đã không được điều chỉnh gần 4 năm khiến EVN khó cân đối tài chính và chịu lỗ nặng trong năm 2022.
EVN đã báo cáo Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các bộ ngành cho phép điều chỉnh giá điện trong năm 2022 để giảm bớt khó khăn và có thể cân đối tài chính của EVN trong những năm tới.
Uoc lo hon 31.000 ty dong, EVN xin tang gia dien
Phó tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh cho rằng chi phí đầu vào tăng cao nhưng giá bán lẻ điện đang thấp hơn nhiều so với chi phí giá thành (Ảnh: EVN). 
Trước tình hình trên và để hoàn thành nhiệm vụ và kế hoạch năm 2023, EVN kiến nghị Thủ tướng sớm xem xét, phê duyệt Quy hoạch điện 8, sớm phê duyệt sửa đổi Quyết định số 28 năm 2014 quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Tập đoàn này cũng kiến nghị Bộ Công Thương chấp thuận và điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân; đề nghị Bộ tiếp tục báo cáo và kiến nghị Thủ tướng về việc áp dụng cơ chế thị trường đối với hoạt động điện lực, kịp thời điều chỉnh giá điện khi các yếu tố đầu vào thay đổi.
Phát biểu kết luận, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhìn nhận số lỗ dự kiến 31.360 tỷ đồng của EVN "rất đáng lưu tâm". Ông đồng tình với đề xuất điều chỉnh giá điện của EVN.
Theo đại diện Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, chi phí đầu vào biến đổi không ngừng trong khi giá điện không thay đổi đã gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và cân bằng tài chính của EVN. Do đó, ông Nguyễn Hoàng Anh kiến nghị Bộ Công Thương và Chính phủ xem xét cho phép điều chỉnh giá bán điện để phù hợp với tình hình thực tế, chia sẻ với những khó khăn của EVN.
Ông cũng đề nghị EVN tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp về tiết kiệm, cắt giảm chi phí để cân bằng tài chính, đảm bảo phát triển bền vững, bảo toàn phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp.
Văn Hưng/Dantri

>> xem thêm

Bình luận(0)