Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội) cho biết, năm 2019, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 152.530 lao động (trong đó có 54.700 lao động nữ), đạt 127,1% kế hoạch năm 2019. Đây là là năm thứ 4 liên tiếp, xuất khẩu lao động vượt mức 120.000 lao động/năm, nâng tổng số lao động Việt Nam hiện đang làm việc ở nước ngoài lên khoảng 650.000 người tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong hơn 30 nhóm lĩnh vực, ngành nghề khác nhau.
Một số thị trường lao động ngoài nước truyền thống tiếp nhận nhiều lao động Việt Nam vẫn đang tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng cao như: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc. Một số thị trường ở châu Âu có nhu cầu ngày càng cao trong việc tiếp nhận lao động từ Việt Nam như: Nga, Rumani, Cộng hòa Liên bang Đức, Ba Lan, Latsvia, Áo... Riêng đối với thị trường Cộng hòa Liên bang Đức, tính đến hết năm 2019, đã có hơn 1.000 điều dưỡng viên từ Việt Nam sang Đức học tập và làm việc, được phía Đức đánh giá cao.
Cũng trong chuyến thăm và làm việc của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tại Cộng hòa Liên bang Đức từ ngày 23-27/9/2019, phía Đức cho biết, Luật Nhập cư mới của Đức chính thức có hiệu lực từ ngày 1/3/2020 sẽ cho phép các doanh nghiệp Đức được tiếp nhận lao động đến từ các nước ngoài EU trong một số lĩnh vực như: xây dựng, điện, cơ khí, nông nghiệp, nhân viên kỹ thuật y tế, điều dưỡng.
|
Cả nước phấn đấu đưa 130.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2020. Ảnh minh họa. |
Dự kiến trong năm 2020, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ ký với cơ quan lao động của Cộng hòa Liên bang Đức thỏa thuận hợp tác tiếp nhận lao động có kỹ năng của Việt Nam sang làm việc tại nước này trong 12-13 ngành nghề mà Đức đang có nhu cầu.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, hiện nhiều doanh nghiệp phái cử Việt Nam đã và đang từng bước chủ động tìm kiếm, khai thác hợp đồng và phát triển thị trường lao động ngoài nước. Đồng thời, đầu tư bài bản cho công tác tạo nguồn lao động, đào tạo nâng cao tay nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động Việt Nam trước khi đi làm việc ở nước ngoài.
Từ những kết quả đạt được và điều kiện thực tế, năm 2020, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu đưa được 130.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, tập trung vào các thị trường có thu nhập cao, ổn định như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Đức…
Ngoài việc tập trung vào thị trường truyền thống, trong 2020 sẽ đẩy nhanh tiến độ, tiến tới ký kết thỏa thuận hợp tác lao động với Cộng hòa Liên bang Đức. Tuy nhiên, với thị trường châu Âu sẽ hạn chế lao động trong lĩnh vực xây dựng, khuyến khích người lao động vào làm việc trong các ngành nghề thuộc lĩnh vực công nghệ, nông nghiệp, nhà máy.
Để đạt mục tiêu này, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), trình các cơ quan chức năng xem xét, phê duyệt; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
Cùng với đó, Bộ yêu cầu các đơn vị trực thuộc tập trung phát triển giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm trong nước và đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; mở rộng khai thác những thị trường uy tín; hạn chế đưa người lao động đến những khu vực có điều kiện làm việc chưa tốt.
Đặc biệt, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành, tạo sự liên thông hệ thống cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với Cổng dịch vụ công quốc gia trong quý I-2020.