Trong hai bài phản ánh trước, báo Tri thức và Cuộc sống đã nêu thông tin hàng chục nghìn m2 đất tại dự án khu đô thị Kim Chung - Di Trạch (Hinode Royal Park), thuộc địa phận xã Di Trạch, huyện Hoài Đức, TP.Hà Nội đã bị Tổng Công ty cổ phần Thương mại Xây dựng (WTO) “hô biến” thành dãy nhà kho hoạt động như một cụm công nghiệp nhỏ.
Trong khi đó, chính quyền địa phương cũng liên tục kiểm tra, ra văn bản “quyết liệt” nhưng chủ đầu tư vẫn “vô tư” hoàn thiện các công trình xây dựng và công khai cho thuê kinh doanh kiếm lời.
Để khách quan các thông tin liên quan, từ ngày 22/12/2021, PV Báo Tri thức và Cuộc sống đã đến liên hệ và đặt lịch công tác với UBND huyện Hoài Đức. Tuy nhiên, đến nay (11/1/2022) cơ quan này vẫn chưa có bất kỳ phản hồi nào.
|
Hàng chục nghìn m2 đất dự án Kim Chung - Di Trạch đã được chủ đầu tư "hô biến" thành dãy nhà kho rộng lớn, hoạt động chẳng khác gì một cụm công nghiệp thu nhỏ. |
Chính quyền địa phương có buông lỏng quản lý?
Liên quan đến sự việc, trao đổi với PV báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, điều 23 Luật Đất đai năm 2013 đã quy định việc phân cấp rõ ràng trách nhiệm cho từng đơn vị quản lý với nội dung cụ thể: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về đất đai trong phạm vi cả nước; Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thống nhất quản lý nhà nước về đất đai, Bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giúp Chính phủ trong quản lý nhà nước về đất đai; Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương theo thẩm quyền quy định tại luật này.
Ngoài ra, theo quy định tại khoản 3, khoản 5 điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP thì hành vi xây dựng sai phép, xây dưng trái phép được hiểu là hành vi xây dưng sai một trong những nội dung của giấy phép xây dựng và các bản vẽ thiết kế được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng đóng dấu kèm theo giấy phép xây dựng được cấp.
Do vậy, khi xảy ra các sai phạm này, những người đứng đầu các cơ quan quản lý nhà nước này sẽ phải chịu trách nhiệm. Cần thiết phải nhanh chóng thực hiện thanh tra kiểm tra, nếu cấp chính quyền quản lý nào làm sai sẽ phải chịu trách nhiệm đối với hành vi của mình.
|
Luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP.Hà Nội). |
Theo luật sư Hoàng Hùng, nguyên nhân chính dẫn tới trình trạng hàng chục nghìn m2 đất
dự án Kim Chung - Di Trạch bị chủ đầu tư “hô biến” thành nhà kho
sử dụng sai mục đích đất là do chính quyền địa phương chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc chức năng quản lý nhà nước về đất đai, buông lỏng quản lý thể hiện ở phát hiện sai phạm chậm, xử lý cũng không kịp thời, xử lý không quyết liệt, không dứt điểm vi phạm phát sinh.
Cùng với đó, các phòng ban huyện Hoài Đức có dấu hiệu chưa tham mưu chỉ đạo quyết liệt để chính quyền xã Di Trạch thực hiện xử lý vi phạm hành chính, xây dựng, triển khai phương án cưỡng chế, tháo dỡ công trình vi phạm theo quy định của pháp luật. Thêm vào đó, một phần do tư duy coi thường pháp luật của của chủ đầu tư.
Vị Trưởng văn phòng luật sư Trung Hòa nhấn mạnh, sai phạm diễn ra một cách ngang nhiên, kéo dài nhưng đến thời điểm hiện tại, phần lớn các trường hợp vẫn chưa được chính quyền địa phương xử lý. Điều này khiến dư luận không khỏi nghi ngờ về tính minh bạch trong khi thực thi công vụ của cấp chính quyền địa phương tại huyện Hoài Đức, xã Di Trạch.
“Việc giám sát, đôn đốc chủ đầu tư thực hiện đúng quy định của pháp luật là điều đáng ghi nhận, tuy nhiên việc chủ đầu tư vẫn ngang nhiên “hô biến” đất để xây dựng dự án khu đô thị Kim Chung - Di Trạch thành dãy nhà kho hoạt động như một cụm công nghiệp nhỏ cần phải đặt ra câu hỏi, liệu có sự “thông đồng, lợi ích” giữa chủ đầu tư và các cơ quan quản lý nhà nước hay không? Các cơ quan chức năng cần phải nhanh chóng vào cuộc thanh tra kiểm tra xem xét sai phạm cũng như trách nhiệm những người có liên quan”, luật sư Hoàng Tùng nêu quan điểm.
Nếu có vi phạm xử lý ra sao?
Bên cạnh đó, luật sư Hoàng Tùng cho rằng đối với các cán bộ cơ quan nhà nước, nếu như có sai phạm trong sự việc nêu trên, thì phải xử lý nghiêm theo Nghị định 122/NĐ-CP.
Cụ thể, tại Nghị định 122/NĐ-CP về về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức thì các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, công chức gồm: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm.
Nếu có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng; đất đai, tài nguyên môi trường; tài chính, kế toán, ngân hàng; quản lý, sử dụng tài sản công trong quá trình thực thi công vụ thì những người vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định tại Mục 1, chương 2 Nghị định 122/NĐ-CP về về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.
Theo đó, sẽ áp dụng hình phạt cảnh cáo nếu vi vi phạm lần đầu và gây hậu quả ít nghiêm trọng. Áp dụng hình thức kỷ luật giáng chức đối nếu như đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo mà tái phạm hoặc đây là hành vi vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả nghiêm trọng. Nếu trước đó, cán bộ đã từng bị giáng chức, cảnh cáo mà tái phạm hoặc đây là hành vi vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả rất nghiêm trọng sẽ áp dụng hình thức kỷ luật cách chức. Nếu hành vi vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi việc.
Về phía chủ đầu tư, luật sư Hoàng Tùng cho rằng sẽ phải chịu xử lý vi phạm theo luật đất đai và Nghị định số 91/2019 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Báo Tri thức và Cuộc sống tiếp tục thông tin.