Vì sao hàng hiệu thường đắt đỏ?
Tầng lớp trung lưu mới ở châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng rất có ý thức về vị thế kinh tế xã hội và hàng hiệu giúp họ biểu thị vị thế đó. Đây là kết quả khảo sát trực tuyến của hãng Nielsen dựa trên 29.000 người tại 58 quốc gia trên thế giới năm 2013. Không ít người Việt Nam quan niệm đồ hiệu thể hiện “đẳng cấp” của người dùng.
Bảy năm sau kết quả của cuộc nghiên cứu này, ngành thời trang Việt Nam phát triển thêm vài bậc. Các thương hiệu thời trang, phụ kiện cao cấp quốc tế nhanh chóng cập bến Việt Nam bằng con đường chính ngạch thay vì xách tay như trước đây.
Những boutique riêng của các thương hiệu danh tiếng đua nhau mở cửa, mang đến hàng loạt trải nghiệm mới mẻ cho người dùng. Ở phân khúc bình dân, người tiêu dùng có thể mua sản phẩm của Zara, H&M, Mango, Lovisa, Topshop, Pull&Bear, Stradivarius, Uniqlo, Parfois, Aldo… ngay tại Việt Nam thay vì phải đặt hàng qua mạng, nhờ mua hộ hoặc tận dụng vài chuyến du lịch để sắm sửa cho bản thân và gia đình.
Luôn tồn tại hai mặt đối lập giữa thời trang cao cấp và thời trang bình dân, từ cách mua sắm, trải nghiệm cho đến cách bán hàng. Sản xuất đại trà, mẫu mã bắt mắt theo gu của số đông, giá thành dễ tiếp cận, bán càng nhiều sản phẩm càng tốt là tiêu chí của các hãng thời trang tầm trung và bình dân.
Trong khi đó, các mặt hàng xa xỉ đề cao tính sáng tạo và tính nguyên bản của mỗi thiết kế được tạo ra. Đó không còn là một cuộc mua sắm đơn thuần giữa kẻ có tiền và người cung cấp dịch vụ, mà là một cuộc trao đổi đầy tính chia sẻ giữa người thưởng thức và người tạo ra tác phẩm nghệ thuật. Chính điều này tạo nên giá trị “có một không hai” cho món hàng được sở hữu, theo nghĩa đen và nghĩa bóng.
“Của hiếm là của quý”. Món đồ đến từ các nhà mốt danh tiếng càng được sản xuất với số lượng giới hạn thì càng được giới thượng lưu săn lùng, khao khát. Tiền lúc này được xếp hạng thứ yếu để mang đến niềm vui, sự thỏa mãn, niềm hạnh phúc dẫu là trong chốc lát.
Hơn thế nữa, việc đầu tư cho một món hàng hiệu hiếm hoi luôn được các chuyên gia tài chính khuyến khích, bởi đó là cuộc đầu tư sinh lời. Chính số lượng sản xuất có hạn trong khi khát khao sở hữu món đồ của người dùng quá lớn là nguyên do khiến món đồ hiệu dù được bán lại vẫn có giá cao hơn giá chúng được mua từ hãng. Giá trị này nhích dần theo thời gian hệt như cách bạn đang sở hữu tranh của một danh họa.
Cú lừa triệu đô tinh vi
Một trong những món đồ được giới thời trang trên thế giới “say mê” từ năm này qua năm khác chính là những chiếc túi Hermès dòng Birkin và Kelly. Quy trình sản xuất một chiếc túi vô cùng kỳ công và phức tạp nhằm đảm bảo độ tinh tế, hoàn hảo đến từng chi tiết.
Nếu bạn cố tình ghé qua Harrods, ngắm những chiếc túi đang trưng bày tại Hermès trong một chuyến du lịch nào đó và ngỏ ý muốn mua nó với chiếc thẻ đầy tiền, cầm chắc bạn sẽ ra về tay không. Không một người yêu thời trang nào lại đề nghị một câu ngớ ngẩn như thế, chẳng khác nào “khai” rằng bạn chả biết gì về thời trang, về hàng hiệu. Thậm chí, ngay khi bạn bước vào cửa hàng, nhân viên tại đó đã “ngắm” bạn từ đầu đến chân để đánh giá xem bạn có phải khách hàng tiềm năng của họ hay không; là người sành hàng hiệu thật sự hay chỉ là kẻ đua đòi cho “bằng chị bằng em”.
Mỗi năm, Hermès sản xuất chưa đến 30 chiếc túi Himalayan Crocodile Birkin từ da ca sấu vùng Himalaya và không có hai chiếc túi giống hệt nhau do mỗi nghệ nhân chỉ làm một mẫu túi/năm. Giá của mỗi chiếc túi sau khi tính các loại thuế phí, bảo hiểm… lên đến gần 10 tỷ đồng nhưng không phải ai cũng mua được. Ngay cả người nổi tiếng cũng phải “xếp hàng” trong danh sách chờ của hãng.
Về sau, Hermès vấp phải chỉ trích vì quá trình lột da cá sấu dã man từ Hiệp hội Bảo vệ động vật (PETA), số lượng sản phẩm ngày càng ít hơn, đồng nghĩa chiếc túi này càng trở nên khan hiếm, vì thế đáng giá hơn. Việc chờ đợi vài ba năm để sở hữu một chiếc túi Himalayan Crocodile Birkin trở thành chuyện quá đỗi bình thường.
Trong khi đó, mẫu túi Kelly của Hermès có vẻ phổ biến hơn, giá thành cũng ổn hơn với chi phí dao động từ khoảng 7.000 USD đến 12.000 USD. Mặc dù vậy, để mua được mẫu Kelly, bạn cũng phải chờ đợi ít nhất từ 1-2 năm.
Nhu cầu của người dùng quá lớn trong khi Hermès kiên quyết giữ vững giá trị thương hiệu và đặc trưng của dòng hàng xa xỉ (không dành cho số đông) đã khiến hai mẫu túi trên bị đạo nhái nhiều nhất trên thế giới. Hermès Birkin/Kelly xuất hiện tràn lan khắp nơi, từ cửa hàng trực tuyến Amazon, Ebay đến những khu chợ của châu Á.
Tại Việt Nam, người ta có thể mua chúng với giá từ 3-5 triệu đồng/chiếc hoặc nhỉnh hơn một chút. Tất nhiên, ai cũng biết đó là hàng “fake” chính hiệu có xuất xứ từ Quảng Châu. Một dạo, Birkin theo chân nhiều sao Việt lên thảm đỏ đến mức người ta tự hỏi, Hermès tìm đâu ra lắm cá sấu vùng Himalaya đến thế. Mới đây, Pháp đã phanh phui đường dây làm giả túi Hermès gồm 10 người. Trong đó có 7 người từng làm việc cho Hermès.
Nhiều tiền thôi chưa đủ!
Theo The Guardian, nhóm 10 người trên đã ăn cắp từ nguyên vật liệu thô, da thừa, công cụ sản xuất, hộp chính hãng cho đến phần cứng từ các nhà máy để tạo ra những chiếc Hermès với các họa tiết, đường may, túi khóa… hệt bản gốc. Ngay cả các chuyên gia ban đầu cũng lúng túng khi phân biệt túi “fake cao cấp” và hàng thật. Nghĩa là, ngay cả khi có tiền, được tiếp cận rất khó khăn, bạn vẫn có thể mua nhầm… đồ giả.
Vậy nên, để tiêu tiền thông minh, trước hết hãy trở thành khách hàng thân thiết của Hermès cũng như các nhà mốt khác bằng việc mua những món đồ be bé xinh xinh, có mức độ tiếp cận rộng rãi hơn. Và hãy luôn nhớ nguyên tắc, với hàng hiệu xa xỉ, không phải cứ có thật nhiều tiền là mua được.
Ngoài túi tiền của bạn, nhà mốt còn quan tâm đến gu thời trang, độ am hiểu và mức độ thân thiết của bạn, đồng thời vẫn đảm bảo tính công bằng cho những khách hàng khác. Do vậy, với những phụ kiện như túi xách, họ chỉ bán số lượng giới hạn cho từng khách.
Lịch sử mua hàng của mỗi người sẽ được thể hiện trong một hệ thống mạng liên kết các cửa hàng. Và mỗi lần vào cửa hàng tại châu Âu, bạn chỉ được mua một món cùng mặt hàng. Chẳng hạn, với Chanel, bạn chỉ được mua một chiếc túi. Lỡ thích chiếc tiếp theo ư? Vui lòng chờ từ 2-6 tháng. Với Louis Vuitton, 4 mẫu túi khác nhau trong 6 tháng là giới hạn tối đa cho một khách hàng.
Đừng nghĩ có tiền là có tất cả. Bước vào cửa hàng đồ hiệu chính hãng, bạn hiếm khi được chọn đồ. Thay vào đó, hãy nói cho nhân viên biết nhu cầu, phong cách của bạn, họ sẽ chọn hộ vì họ thực sự là những chuyên gia trong lĩnh vực này.
Và nếu cửa hàng có 10 nhân viên mà bạn là người khách thứ 11 thì… vui lòng đợi. Được biết, để có tên trong danh sách khách hàng chờ của Hermès, có thể bạn cần phải dùng “chiêu”, chẳng hạn như làm quen, kết thân với nhân viên cửa hàng hoặc sử dụng thẻ tín dụng American Express Platinum Concierge, loại thẻ VIP của những người thường xuyên mua sắm.