Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM chấp thuận cho CTCP Pymepharco niêm yết hơn 65 triệu cổ phiếu với mã PME bắt đầu từ ngày 8/11 với giá tham chiếu 68 ngàn đồng/cp. Đây là một doanh nghiệp có lợi nhuận đứng thứ 2 ngành dược, đóng góp thêm nguồn cung cho thị trường.
Với biên độ +/-20% trong phiên đầu tiên, giá PME có thể lên tới 80 ngàn đồng và tổng vốn hóa của doanh nghiệp có thể lên tới 5,2 ngàn tỷ đồng. Hãng dược phẩm Đức Stada (49%) sở hữu số cổ phiếu PME trị giá khoảng 2,6 ngàn tỷ đồng, trong khi đó đại gia Trương Viết Vũ (13,2%) có gần 700 tỷ đồng (gần 30 triệu USD).
Cá nhân ông Trương Viết Vũ có thể sẽ ngay lập tức lọt nhóm siêu giàu trong vài ngày tới.
Pymepharco tiền thân là Công ty Dược và Vật tư Y tế Phú Yên, có lịch sử gần 20 năm hoạt động và có lợi nhuận đứng thứ 2 trong ngành dược, chỉ sau DHG Pharma.
Hàng loạt các doanh nghiệp lớn lên sàn trong thời gian gần đây và sắp lên sàn trong thời gian tới mang đến cho thị trường chứng khoán (TTCK) rất nhiều người siêu giàu (với mức tài sản từ 30 triệu USD) và cả những tỷ phú USD.
Sự bứt phá ngoạn mục của các doanh nghiệp tư nhân như trường hợp VietJet, VPBank, FLC, Địa ốc Đất Xanh (DXG)… đã mang đến cho TTCK rất nhiều doanh nghiệp có quy mô lớn và nhiều doanh nhân giàu có.
Hãng hàng không Vietjet Air lên sàn đầu năm 2018 vừa ghi nhận lợi nhuận ngàn tỷ trong quý 3 và gần 3 ngàn tỷ trong 9 tháng. CEO Nguyễn Thị Phương Thảo được Forbes đánh giá là nữ tỷ phú đầu tiên tại Việt Nam và Đông Nam Á với tài sản gần 2 tỷ USD.
Ngân hàng tư nhân VPBank lên sàn hồi tháng 7 cũng bứt phá mạnh mẽ với lợi nhuận hơn 5,6 ngàn tỷ đồng trong 9 tháng. Ngân hàng này tạo ra một loạt các đại gia siêu giàu trong đó có ông Ngô Chí Dũng, Bùi Hải Quân, Lô Bằng Giang…
Sự bùng nổ của thị trường bán lẻ, thị trường bất động sản cũng khiến nhiều đại gia có cổ phiếu lên sàn từ trước đó giàu lên nhanh chóng.
Với lợi nhuận đột biến trong quý 3 (tăng 47 lần), đại gia bất động sản Lương Trí Thìn đang sở hữu khối tài sản hàng trăm tỷ đồng.
Trên thị trường chung, hàng loạt các cổ phiếu, nhất là nhóm blue-chips đang có mức giá cao kỷ lục. VN-Index cũng đang ở vùng đỉnh 10 năm. Áp lực chốt lời là khá lớn. Tuy nhiên, triển vọng thị trường nói chung khá tốt. Lượng cung hàng hóa tốt ngày càng nhiều.
Dòng vốn ngoại rất lớn đang chờ các đợt cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đầu ngành khác.
Mặc dù vậy, áp lực chốt lời là không tránh khỏi. Thị trường phiên giao dịch cuối tháng 10 bất ngờ chịu áp lực bán rất manh. VN-Index kết phiên giảm 7,9 điểm với nhiều cổ phiếu lớn giảm sau một chuỗi ngày tăng liên tục như: ROS, VCB…
Nhóm cổ phiếu đầu cơ như AMD, HAI, HID, HAR… giảm mạnh.
Trái ngược với các nhà đầu tư nội, khối ngoại đẩy mạnh mua vào phiên thứ 4 liên tiếp sau nhiều phiên bán ròng khi thị trường ở đỉnh. Khối ngoại tiếp tục mua vào các cổ phiếu lớn như Vinamilk (VNM), DXG, HAG, BID, VGC…
Về tổng thể, thị trường chứng khoán được đánh giá có triển vọng dài hạn vẫn khá tích cực. Quy mô và chất lượng sẽ còn tăng mạnh và đây là yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư lớn trên thế giới.
Theo đánh giá chung của nhiều CTCK, tâm lý của nhiều nhà đầu tư có phần thận trọng trước diễn biến điều chỉnh giảm sâu của thị trường trong phiên hôm qua. Rủi ro ở vào thời điểm này (ngăn hạn) là khá cao. Thị trường có thể điều chỉnh thêm một vài phiên tới.
Tuy nhiên, phiên giảm điểm này cũng có mặt tích cực khi phần nào giải tỏa tâm lý cho nhà đầu tư và kích hoạt những lệnh mua mới từ các nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt cao. Trên góc nhìn kỹ thuật, việc VN-Index lùi về gần sát vùng hỗ trợ có thể là tiền đề cho sự hồi phục trong phiên tới.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 31/10, VN-index giảm 7,92 điểm xuống 837,28 điểm; HNX-Index giảm 0,82 điểm xuống 105,16 điểm. Upcom-Index giảm 0,15 điểm xuống 52,51 điểm. Thanh khoản đạt gần 240 triệu cổ phần được giao dịch. Giá trị đạt 4,6 ngàn tỷ đồng, thấp hơn so với mức trung bình những tuần sôi động gần 4,8 ngàn tỷ đồng hồi tháng 6-7.