Khai thác khoáng sản vi phạm xử phạt thế nào?
Liên quan đến thông tin người dân phản ánh về việc ở khu 3 Tử Đà thuộc xã Bình Phú (huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) nhiều năm qua, các doanh nghiệp rầm rộ kéo nhau về đây tìm mọi cách để được khai thác cát trên sông Lô khiến cuộc sống và hoạt động sản xuất của người dân địa phương bị đảo lộn, luôn trong tình trạng lo lắng, bất an. Điển hình là hoạt động khai thác cát của Công ty CP Thái Sơn E&C - chi nhánh tại Phú Thọ.
Đáng chú ý là gần khu vực khai thác cát của Công ty CP Thái Sơn E&C đã và đang xuất hiện nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng với chiều cao khoảng 4m so với mực nước sông, chạy dài hàng trăm mét và ăn sâu vào những cánh đồng trồng ngô của người dân…
|
Khu vực khai thác cát của Công ty CP Thái Sơn E&C - chi nhánh tại Phú Thọ trên sông Lô, đoạn qua địa bàn xã Bình Phú. |
Trao đổi với PV Kiến Thức về vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết: Luật khoáng sản 2010 quy định hoạt động khoáng sản phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch khoáng sản, phương án bảo vệ, thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản trong quy hoạch tỉnh, gắn với bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh và các tài nguyên thiên nhiên khác; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường, chủ dự án phải tiến hành tham vấn UBND cấp xã, nơi thực hiện dự án, các tổ chức và cộng đồng chịu tác động trực tiếp bởi các vấn đề môi trường của dự án (nước thải, khí thải, bụi, chất thải rắn, chất thải nguy hại, sụt lún, sạt lở, bồi lắng, tiếng ồn, đa dạng sinh học); nghiên cứu, tiếp thu, giải trình những ý kiến của các đối tượng liên quan được tham vấn để hạn chế thấp nhất tác động bất lợi của dự án đến chất lượng môi trường sống, đa dạng sinh học.
Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản có trách nhiệm kết hợp khai thác với xây dựng hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ, phục hồi môi trường theo dự án đầu tư khai thác khoáng sản; nếu gây thiệt hại đến hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ, phục hồi môi trường theo dự án đầu tư khai thác khoáng sản, nếu gây thiệt hại đến hạ tầng kỹ thuật, công trình, tài sản khác thì tùy theo mức độ thiệt hại phải có trách nhiệm sửa chữa, duy tu, xây dựng mới hoặc bồi thường theo quy định của pháp luật. Điểm g khoản 2 Điều 55 Luật khoáng sản 2010 cũng quy định quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản là bồi thường thiệt hại do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra.
|
Hầu hết các tàu thuyền quốc cát trên sông Lô, đoạn qua địa bàn xã Bình Phú đều không có biển số, nhãn hiệu rõ ràng. |
|
Đất đai, hoa màu canh tác của người dân bị sạt lở kéo dài do hoạt động khai thác cát của các doanh nghiệp. |
Luật sư Cường nhấn mạnh: “Pháp luật nghiêm cấm hành vi lợi dụng hoạt động khoáng sản xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; Cố ý hủy hoại mẫu vật địa chất, khoáng sản có giá trị hoặc quý hiếm”.
Vị luật sư viện dẫn, tại Điều 24 Nghị định 33/2017/NĐ-CP ngày 3/4/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản thì hành vi vi phạm các quy định về bảo đảm sự lưu thông của dòng chảy, phòng, chống sạt, lở bờ, bãi sông bị xử phạt: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 500.000 đồng (hành vi đặt vật cản, chướng ngại vật, trồng cây gây cản trở thoát lũ, lưu thông nước ở các sông, suối, hồ, kênh rạch);
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng (hành vi đặt đường ống hoặc dây cáp bắc qua sông, suối, kênh, rạch, đặt lồng, bè không phù hợp với tiêu chuẩn phòng, chống lũ, các yêu cầu kỹ thuật có liên quan theo quy định của pháp luật gây cản trở dòng chảy); phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (hành vi khai thác khoáng sản, xây dựng cầu, bến tàu hoặc công trình khác ngăn, vượt sông, suối, kênh, rạch không phù hợp với tiêu chuẩn phòng, chống lũ, các yêu cầu kỹ thuật có liên quan theo quy định của pháp luật gây cản trở dòng chảy).
Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng nếu cải tạo lòng, bờ, bãi sông, xây dựng công trình thủy, khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông, hồ gây sạt, lở lòng, bờ, bãi sông, hồ; San lấp hồ, ao, đầm, phá nằm trong danh mục hồ, ao, đầm phá không được san lấp do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Ngoài ra, phạt từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu gây thu hẹp dưới 20% cắt ngang sông, suối, kênh, rạch; phạt từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi gây thu hẹp từ 20% đến dưới 40% mặt cắt ngang sông, suối, kênh, rạch; phạt từ 60.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi gây thu hẹp từ 40% đến dưới 50% mặt cắt ngang sông, suối, kênh, rạch; phạt từ 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi gây thu hẹp từ 50% mặt cắt ngang sông, suối, kênh, rạch trở lên…
Ngoài ra, biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do hành vi vi phạm gây ra; buộc tháo dỡ công trình, dỡ bỏ, di dời các vật gây cản trở dòng chảy đối với các hành vi vi phạm quy định…
Cần tước ngay giấy phép khai thác khoáng sản nếu hoạt động vi phạm
Theo ghi nhận thực tế của PV Kiến Thức ngày 17/3/2020 cho thấy, hầu hết các tàu thuyền đang khai thác ở khu vực xã Bình Phú (huyện Phù Ninh) đều không có biển số, nhãn hiệu. Thế nhưng không hiểu vì sao những chiếc thuyền, sà lan hút vẫn hoạt động hút cát trên sông Lô một cách rầm rộ. Trong khi đó, các mốc giới cho phép Công ty CP Thái Sơn E&C - chi nhánh Phú Thọ, khai thác cũng không được phân định rõ ràng.
Về vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường cho hay, tại Điều 36 Nghị định 33/2017/NĐ-CP ngày 3/4/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản đã nêu rất rõ: Đối với hành vi không thực hiện cắm mốc các điểm khép góc khu vực được phép khai thác khoáng sản thì sẽ bị phạt cảnh cáo đối với khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của hộ kinh doanh.
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu giấy phép khai thác khoáng sản do UBND cấp tỉnh cấp, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản này; Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với trường hợp giấy phép khai thác khoáng sản do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp.
Đối với hành vi khai thác khoáng sản có tổng diện tích đã khai thác vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác thì tùy vào diện tích vượt theo bề mặt và độ sâu mà có mức xử phạt tương ứng, mức phạt cao nhất có thể đến 1.000.000.000 đồng.
Hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu toàn bộ khoáng sản đã khai thác trong diện tích vượt ra ngoài phạm vi của khu vực được phép khai thác đối với một số trường hợp vi phạm; Tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản từ 1 tháng đến 24 tháng tùy trường hợp vi phạm.
Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc san lấp, cải tạo, phục hồi môi trường; thực hiện các giải pháp đưa các khu vực đã khai thác vượt ra ngoài phạm vi được phép khai thác về trạng thái an toàn.
Đối với trường hợp khai thác cát, sỏi lòng sông còn phải khắc phục, sửa chữa những hư hỏng của công trình đê điều, công trình khác có liên quan do hành vi vi phạm gây ra và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính.
Luật sư Đặng Văn Cường nhấn mạnh, nếu các doanh nghiệp hoạt động khai thác cát trên sông Lô vi phạm lĩnh vực khoáng sản thì cần phải tước ngay quyền sử dụng giấy phép thăm dò, khai thác từ 11-12 tháng. Điều này nêu trong Nghị định 33/2017/NĐ-CP.
Hình thức xử phạt bổ sung có thể tước quyền sử dụng giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản từ 1 tháng đến 24 tháng; Đình chỉ hoạt động khai thác khoáng sản từ 1 tháng đến 12 tháng.
“Ngoài ra theo quy định tại Điều 227 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi 2017 về Tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên, thì pháp nhân thương mại vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên trong đất liền, hải đảo, nội thủy, vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và vùng trời của Việt Nam mà gây sự cố môi trường thì có thể thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 7.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm”, - luật sư Cường thông tin.
Ngày 17/3/2020, PV Kiến Thức đã đến liên hệ và đặt lịch công tác với UBND xã Bình Phú, UBND huyện Phù Ninh liên quan đến phản ánh nhiều thuyền bè, sà lan ngày đêm rầm rộ khai thác cát trên sông Lô, đoạn qua xã Bình Phú (huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) khiến hàng nghìn m2 đất canh tác, hoa màu và tính mạng của người dân địa phương bị ảnh hưởng, đe dọa. Điển hình là hoạt động khai thác cát của Công ty CP Thái Sơn E&C - chi nhánh tại Phú Thọ.
PV cũng đã chủ động liên hệ trực tiếp với ông Hà Kế Tài - Chủ tịch UBND xã Bình Phú về vấn đề này, tuy nhiên vị Chủ tịch xã báo bận và cho biết ẽ chỉ đạo cấp dưới sắp xếp làm việc để cung cấp thông tin cho PV. Thế nhưng, đến nay đã hơn 1 tuần qua đi phía UBND huyện Phù Ninh và UBND xã Bình Phú vẫn im lặng với báo chí đến khó hiểu?