Chị Diễm Chinh ( quận Cái Răng, TP Cần Thơ) than: “Sáng 11/5, thầu xây dựng lại gọi báo cát xây dựng tăng giá 50.000 đồng/m3. Ba bữa trước, cửa hàng vật liệu giao cát chỉ có 120.000 đồng, giờ tăng lên 180.000 đồng/m3”.
Giá tăng gấp đôi nhưng không mua được cát xây nhà
Nhiều gia đình đang xây dựng nhà, san lấp mặt bằng trên địa bàn Cần Thơ và các tỉnh miền Tây đang khóc ròng với giá cát liên tục tăng chóng mặt những ngày qua.
Anh Kiệm, chủ thầu xây dựng ở quận Ninh Kiều, cho biết: “Tôi nhận xây nhà cấp 4 tại khu dân cư 3A (quận Ninh Kiều) cho gia chủ với giá 210 triệu đồng bao luôn vật tư. Giá cát mấy bữa nay biến động quá mà đã lỡ nhận rồi, đành bấm bụng làm để giữ uy tín”.
|
Sà lan neo đậu san sát bên bờ chờ xáng cạp khai thác cát trên sông Tiền. Ảnh Minh Anh. |
Ghi nhận ở các cửa hàng vật liệu xây dựng tại Cần Thơ chiều 11/5, giá cát san lấp là 170.000 đồng/m3, cát tô 180.000 đồng/m3 và cát xây 300.000 đồng. Mức giá này tăng 50.000 đồng/m3 so với mấy ngày trước.
“Giá cát liên tục biến động. Mấy bữa nay, cơ quan chức năng kiểm tra chặt nên chủ sà lan không có cát để giao. Nhiều khách hàng dù chịu giá cao hơn gấp hai lần so với mấy ngày trước lễ 30/4 vẫn không có cát để giao”, chị Mai, chủ cửa hàng vật liệu ở quận Ninh Kiều cho hay.
Con theo anh Đinh Tông, một chủ thầu xây dựng: “Trước đây khách mua còn kén chọn này nọ, bây giờ cát lẫn cả bùn đất cũng phải lấy”.
Sà lan chờ “ăn" cát neo san sát trên sông
Trên tuyến sông Tiền, sông Hậu qua 2 tỉnh Đồng Tháp và An Giang, những này sà lan san sát cặp bờ sông tại các vị trí mỏ được cấp phép khai thác, chờ "ăn" cát.
Do sà lan từ các nơi về lấy cát quá nhiều, hầu như tỉnh nào cũng có từ Vĩnh Long, Trà Vinh đến Cà Mau, Sóc Trăng…. nên phải xếp hàng chờ rất lâu. Nhiều sà lan đậu 3-5 ngày, thậm chí hơn cả tuần vẫn không có cát, vì chủ mỏ không xuất hoá đơn.
|
Nhiều chủ sà lan phản ánh, họ phải chờ nhiều ngày mới có cát để vận chuyển. Ảnh Minh Anh. |
Theo nhiều chủ sà lan, khi mua cát tại mỏ họ đều đòi hóa đơn nhưng đại diện mỏ cát không cung cấp. Muốn có hoá đơn phải đợi thêm nhiều ngày, trong khi chủ công trình hối thúc, nếu phải chở cát mà không có hóa đơn sẽ bị cơ quan chức năng bắt giữ.
Anh Ánh - chủ thầu xây dựng lớn tại Hậu Giang, người có nhiều sà lan vận chuyển cát về giao cho các cửa hàng vật liệu, cho biết: “Sà lan của tui đậu ở chợ Vàm (khu vực giáp ranh Đồng Tháp và An Giang) 3 ngày rồi vẫn chưa đến lượt xếp tài lấy cát. Nhiều sà lan đang neo tại đây, dự là cả tuần nữa mới có cát”, anh Ánh nói.
Theo lời anh, trước đây sà lan mua cát ở mỏ không cần lấy hoá đơn. Còn nay, lực lượng chức năng kiểm tra chặt chẽ, sà lan nào không xuất trình được hoá đơn chứng minh nguồn gốc cát đều bị tạm giữ.
“Vì lý do này, các sà lan đã phải xếp hàng chờ đến lượt có cát, và tiếp tục chờ để lấy hoá đơn mới vận chuyển đi, thời gian tăng gấp đôi”, anh Ánh nói.
Còn chị Liên – chủ cửa hàng vật liệu ở huyện Châu Thành A (tỉnh Hậu Giang) thì cho biết từ sau 30/4 đến nay, giá cát san lấp tại các mỏ ở An Giang và Đồng Tháp đã tăng gấp 2-3 lần.
|
Phương tiện vận chuyển cát không rõ nguồn gốc bị tạm giữ trên sông. Ảnh Minh Anh. |
"Tôi thường lấy cát san lấp tại khu vực chợ Vàm với giá 18.000 đồng/m3 và bán lại cho các cửa hàng 35.000 đồng/m3. Còn bây giờ, giá tại mỏ đã 55.000 đồng/m3, cộng các chi phí khác, tôi phải bán cho cơ sở vật liệu với giá 88.000 đồng/m3”, chị Liên nói.
Theo lời chị, giá cát cao gấp 2-3 nhưng muốn lấy cũng không dễ, vì rất khó xin hoá đơn. Nhiều chủ sà lan cũng cho biết việc xin hoá đơn từ các mỏ cát khai thác cát trên sông Tiền và sông Hậu thật không dễ dàng gì.
“Thường mua 500 m3 cát, chủ mỏ chỉ đưa hoá đơn khoảng 150 m3 đến 200 m3 thôi. Chủ mỏ chỉ được cấp phép theo trữ lượng, giờ họ phải xuất hoá đơn theo đúng khối lượng thực tế khai thác rất khó”, anh Nhật, chủ sà lan vận chuyển cát tại Hậu Giang nói.
Hàng chục phương tiện bị tạm giữ
Từ cuối tháng 4 đến nay, Công an TP Cần Thơ mở đợt cao điểm kiểm tra phương tiện vận chuyển cát trên sông Hậu. Cơ quan này đang tạm giữ khoảng 30 phương tiện, sà lan vận chuyển trên dưới 12.000 m3 cát nhưng chủ phương tiện chưa xuất được hoá đơn chứng từ.
Theo cảnh sát, hiện nay tình hình vận chuyển cát không rõ nguồn gốc vẫn chưa có dấu hiệu tạm lắng. Trong số hơn 30 sà lan bị tạm giữ, đến nay chỉ có một số ít đến xuất trình hóa đơn.
“Trước giờ tôi chở cát không có hóa đơn, nếu có xuất hóa đơn thì mỏ chỉ xuất một phần thôi. Sà lan tôi chở 400 m3 nhưng chỉ xuất có 200 m3. Nếu thêm nữa là giá thực tế tôi lấy đã gần 40.000 đồng/m3 nhưng hóa đơn chỉ ghi hơn 10.000 đồng/m3”, anh Em, chủ một sà lan đang bị tạm giữ cho hay.