Khuyến nghị mua BWE với giá mục tiêu 58.500 đồng/cp
CTCK Bản Việt (VCSC): CTCP Nước – Môi trường Bình Dương (BWE) công bố KQKD sơ bộ 9 tháng đầu năm 2022 với doanh thu đạt 2,8 nghìn tỷ đồng (+15% YoY) và LNST đạt 523 tỷ đồng (+6% YoY), lần lượt hoàn thành 82% và 70% dự báo cả năm.
Chênh lệch tăng trưởng giữa doanh thu và lợi nhuận chủ yếu do BWE trích lập dự phòng cho các khoản đầu tư tài chính. Ngoài ra, BWE có khoản doanh thu chưa ghi nhận trị giá 90 tỷ đồng từ mảng xử lý nước thải vào cuối tháng 9/2022.
Tính riêng tháng 9/2022, LNST của BWE đạt 74 tỷ đồng (+14% YoY), tương ứng đà phục hồi mạnh so với giai đoạn giãn cách xã hội trong cả nước do COVID19 trong quý 3/2021.
Sản lượng nước thương phẩm 9 tháng đầu năm 2022 đạt 136 triệu m3 (+5% YoY), hoàn thành 72% dự báo cả năm và phù hợp với kỳ vọng. Ngoài ra, sản lượng nước thương phẩm tháng 9/2022 đạt 15,3 triệu m3 (+14% YoY). BWE kỳ vọng sản lượng nước thương phẩm tăng trong quý 4/2022 khi bắt đầu bước vào mùa khô.
BWE lên kế hoạch khánh thành giai đoạn 2 dự án mở rộng công suất của CTCP Cấp Nước Gia Tân (GIWACO) trong tháng 11/2022. Trong 6 tháng đầu năm 2022, BWE đã tăng vốn tại GIWACO, qua đó giúp GIWACO tăng vốn điều lệ thêm 50% lên 300 tỷ đồng.
GIWACO đặt mục nâng công suất lên gấp 3 lần lên 60.000 m3 và mở rộng mạng lưới phân phối ra ngoài huyện Thống Nhất, Đồng Nai sang các huyện khác như Long Khánh, Cẩm Mỹ và Định Quán trong quý 4/2022, cũng như nâng sản lượng nước lên gấp đôi đạt khoảng 2 triệu m3 trong năm 2022.
BWE đang làm việc với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Japan International Cooperation Agency (JICA) về khoản vay 20 triệu USD để đầu tư vào nhà máy nhiệt điện sẽ giúp giảm giá điện và cải thiện biên lợi nhuận của mảng xử lý nước thải.
Nhà máy điện công suất 5 MW này đang trên đà đưa vào vận hành trong quý 4/2022. Tính đến ngày 30/6, BWE đã chi 172 tỷ đồng – tương đương hơn 50% tổng số vốn XDCB – vào nhà máy nhiệt điện này.
VCSC hiện có khuyến nghị MUA đối với BWE với giá mục tiêu là 58.500 đồng/CP, tương ứng tổng mức sinh lời dự phóng là 35,7%, bao gồm lợi suất cổ tức là 2,7%.
|
Cổ phiếu nào được khuyến nghị phiên 10/10? |
Khuyến nghị mua PHR với giá mục tiêu 65.500 đồng/cp
CTCK Tiên Phong (TPS): Vườn cao su của PHR tại Campuchia bắt đầu hoạt động trồng cao su vào 2009 và đã đưa vào khai thác 402 ha đầu tiên vào 2016. Trong 2021, đơn vị này thu hoạch tổng cộng 11.462 tấn cao su (tăng 17,4% so với năm trước), chính thức vượt sản lượng cao thu tại thị trường nội địa (10,469 tấn). Hiện tại, diện tích vườn cao su đã đạt 7.589 ha, tương đương 55% tổng diện tích cao su công ty mẹ.
Trong giai đoạn tiếp theo, chúng tôi đánh giá vườn cây tại khu vực Campuchia sẽ là động lực thúc đẩy chính cho mảng cao su của PHR trên cơ sở: (1) Vườn cây đã được đầu tư đầy đủ, đảm bảo hiệu suất khai thác tối ưu trong điều kiện thời tiết bất lợi; (2) Tuổi cây trung bình tại Campuchia chưa cao, đem lại nhiều dư địa để tăng trưởng sản lượng; (3) Dây chuyền sản xuất mủ SVR CV50/60 dự kiến sẽ gia tăng giá trị cho thành phẩm.
Với tổng diện tích rừng cao su hơn 15.277 ha tại các khu vực trọng điểm về công nghiệp như Nam Tân Uyên (Bình Dương), công ty đang có định hướng chuyển mình để phát triển bền vững với mục tiêu chuyển đổi khoảng 5.000 ha đất để xây dựng 5 khu công nghiệp và nghiên cứu đầu tư lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao trong giai đoạn 2020– 2025. Hiện tại việc chuyển đổi đất cao su vẫn còn vướng mắc một số quy trình pháp lý, dẫn đến giai đoạn đầu tư có thể bị kéo dài.
TPS dự báo PHR sẽ đạt mức doanh thu thuần đi ngang với cùng kỳ, đạt 1.936 tỷ đồng (giảm 0,5%) trong năm 2022 nhưng nguồn thu nhập từ tiền đền bù đất sẽ hỗ lợi nhuận sau thuế công ty tăng trưởng mạnh lên mức 863 tỷ đồng (tăng 111,5%)
Dựa trên phương pháp định giá từng phần (SOTP) giá trị hợp lý của PHR được xác định ở ở mức 65.500 đồng/CP, tương ứng với lợi nhuận kỳ vọng 27.7% so với giá đóng cửa ngày 03/10/2022. Hiện tại, cổ phiếu đang giao dịch mở mức 10.2x, chiết khấu 7% so với giá trị trung vị 5 năm gần nhất.
Khuyến nghị theo dõi cổ phiếu VHM
CTCK Bản Việt (VCSC): CTCP Quản lý và Đầu tư Bất động sản VMI (VMI) được thành lập với vốn điều lệ 18 nghìn tỷ đồng, trong đó ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup (VIC) - sẽ chuyển quyền sở hữu 243 triệu cổ phiếu VIC cho VMI (tương đương 6,3% tổng số cổ phiếu VIC hoặc 25% tổng số cổ phần VIC do ông Vượng sở hữu) để góp 90% cổ phần vào VMI.
Giao dịch chuyển quyền sở hữu này sẽ được thực hiện dự kiến từ ngày 12/10 đến ngày 10/11. Hai cổ đông sáng lập khác của VMI là CTCP Vinhomes (HOSE: VHM) (5% cổ phần) và bà Phạm Thu Hương - vợ ông Vượng (5%). Với sự góp vốn này, VMI cũng trở thành cổ đông của VIC với 6,3% cổ phần.
VMI được thành lập nhằm cung cấp sản phẩm đầu tư tài chính (Fantasy Home) cho các nhà đầu tư vốn nhỏ có cơ hội hợp tác đầu tư vào các bất động sản của VHM. Cơ chế hoạt động của sản phẩm là VMI sẽ mua một số lượng nhất định các bất động sản của VHM (ví dụ: biệt thự, nhà phố), sau đó ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với các nhà đầu tư cá nhân.
Theo đó, nhà đầu tư có thể nhận được lợi ích kinh tế phát sinh từ tài sản này. Sau thời hạn đầu tư (ví dụ: 5 năm), nhà đầu tư sẽ nhận được khoản lợi nhuận phát sinh từ quyền tài sản này tương ứng với tỷ lệ đầu tư trong khi VMI cũng cam kết mức lợi nhuận tối thiểu hàng năm cho nhà đầu tư (thanh toán khi kết thúc thời hạn đầu tư).
Theo ban lãnh đạo công ty, sản phẩm Fantasy Home sẽ được triển khai chung với việc mở bán dự án The Crown (Hưng Yên), dự kiến vào cuối năm 2022.
VCSC cho rằng chiến lược này sẽ giúp mở rộng nhóm khách hàng mua nhà tiềm năng cho các dự án sắp tới của VHM, không chỉ tiếp cận tầng lớp trung lưu và cao cấp mà còn hướng đến các nhà đầu tư có vốn đầu tư nhỏ hơn.