Chiều 18/9, công an khám xét trụ sở công ty Alibaba xuyên đêm đến 2h sáng 1/9, thu giữ hàng trăm thùng tài liệu và áp giải Chủ tịch Địa ốc Alibaba Nguyễn Thái Luyện lên xe công vụ, đưa về nhà tạm giam. Chiều 18/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra CATP Hồ Chí Minh cũng đã ra Quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét đối với Nguyễn Thái Lĩnh, sinh năm 1989, Tổng giám đốc Công ty Alibaba (thường trú tỉnh Gia Lai; tạm trú quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trước tình hình 2 lãnh đạo cấp cao của Địa ốc Alibaba bị tóm, khách hàng đầu tư vào công ty này như "ngồi trên đống lửa" lo lắng không biết số tiền họ đầu tư sẽ "trôi về đâu"? Ai là người chịu trách nhiệm trả lại tiền cho họ trong khi công ty lâm vào cảnh bê bối này.
|
Công an làm việc với Nguyễn Thái Luyện và Nguyễn Thái Lĩnh. |
Liên quan đến vụ việc nói trên, trao đổi với PV, luật sư Nguyễn Tri Đức - Đoàn Luật sư TP HCM cho biết, căn cứ vào kết quả điều tra, tài liệu chứng cứ thu thập được Cơ quan CSĐT sẽ ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với các đối tượng chủ mưu và đồng phạm của Công ty Alibaba.
Theo đó, các đối tượng sẽ bị truy tố và xét xử với tội danh và hình phạt được quy định tại điều 174 Bộ luật Hình sự hiện hành với khung hình phạt tù cao nhất từ 12 đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.
Theo luật sư Tri Đức, để đảm bảo quyền lợi của mình, khách hàng của Công ty Alibaba nên trình báo với Cơ quan CSĐT về tất cả các giao dịch đối với công ty địa này.
Nếu khách hàng nào “may mắn” ký hợp đồng mua được các thửa đất do Công ty Alibaba bán có đầy đủ hồ sơ pháp lý rõ ràng phù hợp với luật định (nếu có) thì mặc nhiên quyền lợi khách hàng sẽ được bảo đảm.
Ngược lại, nếu khách ký hợp đồng mua các thửa đất không hồ sơ pháp lý do Công ty Alibaba làm giả để nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản các khách hàng thì các hợp đồng đó coi như bị vô hiệu.
|
Luật sư Nguyễn Tri Đức - Đoàn Luật sư TP HCM |
Cũng theo luật sư Tri Đức, theo luật định ngoài trách nhiệm hình sự thì Công ty Alibaba và các cá nhân chủ mưu phải có trách nhiệm bồi thường hoàn trả lại số tiền đã “chiếm đoạt” của khách hàng.
“Tuy nhiên, khả năng các đối tượng khắc phục, bồi thường thiệt hại cho toàn bộ khách hàng là điều rất khó xảy ra. Quyền lợi của khách hàng chỉ được khắc phục một phần nếu các cơ quan tố tụng thu hồi được phần các tài sản do các đối tượng chiếm đoạt.
Trường hợp quá trình điều tra, truy tố và xét xử vẫn không thu hồi được số tiền do các đối tượng chủ mưu nói trên thì khách hàng đã đóng tiền vào Công ty Alibaba sẽ trắng tay”, luật sư Tri Đức nêu quan điểm.