Doanh thu giảm 40%
Đưa hơn 200.000 gói cháo bột cá lóc đến 20 quốc gia là kết quả mà anh Nguyễn Đức Nhật Thuận (33 tuổi, ngụ tại TPHCM) đạt được, sau hơn 1 năm dốc sức mang món ăn quê nhà vượt biên giới.
Điều này không chỉ tạo ra doanh thu, mà còn tạo việc làm cho hơn 50 người dân địa phương, tạo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Đó là những thành tựu, thuận lợi của một trong những doanh nghiệp xuất khẩu mới từ Việt Nam sang nước ngoài, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế.
|
Anh Nguyễn Đức Nhật Thuận chia sẻ về thành tựu khởi nghiệp sau khi xuất khẩu thành công món ăn địa phương sang 20 nước (Ảnh: Nguyễn Vy). |
Tính đến năm 2023, Việt Nam có 4 công ty kỳ lân công nghệ và hơn 3.400 start-up (người khởi nghiệp). Báo cáo thường niên về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của Do Ventures và Start-up Blink chỉ rõ, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam nay đã ở vị trí thứ 3 trong số 6 nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á.
Theo báo cáo Nền Kinh tế số Đông Nam Á năm 2022, Việt Nam dần trở thành trung tâm khởi nghiệp của khu vực khi nền kinh tế internet quốc gia được dự đoán đạt doanh thu mức 50 tỷ USD vào năm 2025.
Tuy nhiên, anh Lê Duy Toàn, CEO công ty TNHH xuất nhập khẩu thực phẩm Duy Anh cho biết, đơn vị của anh không may mắn như thế. Bởi sản lượng xuất khẩu đang trên đà giảm do gặp nhiều khó khăn kinh tế.
Theo đó, từ sau tết Nguyên đán 2023 đến hiện tại, sản lượng xuất khẩu giảm 30-40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về yếu tố khách quan, anh Toàn cho biết, người dân đang ngày càng thắt chặt chi tiêu. Khách Tây ít lui tới các nhà hàng Việt. Việc thay đổi, cạnh tranh giá cả toàn cầu cũng khiến doanh nghiệp vấp phải nhiều trở ngại.
Ngoài ra, giá cước vận chuyển tăng cao, từ 1.000 USD lên hơn 10.000 USD và thay đổi liên tục, khiến giá bán không ổn định, tác động tiêu cực đến tâm lý người tiêu dùng. Vì vậy, các đối tác là nguồn ra cho sản phẩm đang rơi vào cảnh tồn hàng rất nhiều.
Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng 10/2023 lấy lại đà tăng trưởng, đạt 5,3% sau khi giảm hơn 6% trong tháng 9.
Tính chung 10 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 291,28 tỷ USD, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước cho thấy mức suy giảm trong tăng trưởng xuất khẩu đã thu hẹp đáng kể so với mức giảm 12% trong nửa đầu năm 2023.
Bên cạnh đó, hầu hết doanh nghiệp khởi nghiệp với quy mô nhỏ lẻ, tuổi đời trung bình khoảng một năm và khả năng tăng trưởng không cao. Thực tế, các thống kê khác chỉ ra rằng, chỉ 3% đơn vị khởi nghiệp thực sự thành công và đến 90% thất bại trong 1-2 năm đầu tiên.
Doanh nghiệp Việt cần chỉn chu hơn
Tại Talkshow "Cơ hội vàng cho Star-up xuất khẩu", ThS. Huỳnh Phước Nghĩa, Phó Viện trưởng Viện Đổi mới sáng tạo Trường Đại học Kinh tế TPHCM, cho biết, đến nay vẫn chưa có cơ chế chính sách cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp chế biến thực phẩm tham gia vào thị trường xuất khẩu.
|
Các chuyên gia thảo luận về những cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tại thị trường nước ngoài, diễn ra vào sáng 15/11, tại TPHCM (Ảnh: Nguyễn Vy). |
Về khía cạnh chủ quan, ông Nghĩa đánh giá, tư duy khởi nghiệp của doanh nghiệp Việt chưa đủ hàm lượng tri thức để phát triển.
"Thế giới có nhiều tiêu chuẩn, nhưng nhiều doanh nghiệp chỉ có thể thành công ở phòng thí nghiệm, khó chủ động mang sản phẩm ra thị trường nếu không hợp tác với công ty nước ngoài. Việt Nam phải tìm cách sáng tạo, phát triển năng lực lõi thì mới mong cạnh tranh được trên thị trường nước ngoài", ông Nghĩa nói.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia nhận xét, công nghệ về truyền thông, xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp Việt ở nước ngoài còn kém.
Ông Nghĩa dự đoán, các ngành sản xuất chủ lực ở Việt Nam sẽ khó bứt phá được ở thời điểm hiện tại. Diễn biến này được dự báo có thể kéo dài đến hết năm 2024.
"Mặc dù cả nước đang đứng trước khó khăn nhưng đó cũng là một luồng cơ hội mới từ bên ngoài tới, dành cho những ai biết tận dụng. Thực tế, Việt Nam vẫn là nước phụ thuộc xuất khẩu, doanh nghiệp cần tiếp cận vốn đầu tư nước ngoài để phát huy", ông Nghĩa nhận định.
Theo bà Jolie Nguyễn - Chủ tịch công ty LNS International Corporation - nhu cầu món ăn Việt của kiều bào ở nước ngoài càng tăng cao, đặc biệt là các món đặc sản vùng miền. Thực tế, trụ sở của đơn vị này đã hoạt động tại Mỹ từ năm 2018.
"Hơn 300 món đặc sản Việt đã vào hơn 1.000 siêu thị, chuỗi hệ thống ở Mỹ, với 42 xe tải chạy xuyên bang hằng tuần, giúp mang sản phẩm Việt đến người tiêu dùng ở nước ngoài. Mỹ là một thị trường mở, luôn chào đón các doanh nghiệp", bà Jolie nói.
Song, bà cũng chỉ ra mối lo ngại khi trong năm 2023, kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, lạm phát dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn đáng lo ngại. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt cũng gặp nhiều trở ngại trong việc chi trả phí vận chuyển cao hay "đau đầu" khi suy nghĩ đến việc bảo quản hàng hóa trong thời gian dài.
Ngoài ra, các doanh nghiệp ngày nay vẫn còn loay hoay trong việc hoàn thiện chỉn chu các sản phẩm xuất khẩu.
"Hoạt động khởi nghiệp tại Việt Nam vẫn chưa chú trọng nhiều đến thị trường nước ngoài, dù có thể nhìn rõ nhiều tiềm năng. Để mang một sản phẩm từ thị trường nhỏ sang lớn, doanh nghiệp Việt phải đầu tư hơn về chất lượng, bao bì và đáp ứng mọi yêu cầu kiểm định ở nước ngoài", bà Jolie nhận định.
Đơn cử, bà chỉ ra, một số bao bì hàng hóa từ nội địa xuất khẩu sang nước ngoài vẫn giữ tiếng Việt "toàn tập". Khi đưa sang nước bạn, các đơn vị làm thương mại phải thay đổi bao bì, dịch sang ngôn ngữ khác, thêm công đoạn, chi phí.
"Mỗi sản phẩm đều cần chỉn chu ngay từ đầu, bởi chỉ một sai sót cũng dễ bị cộng đồng kiều bào ở nước ngoài tẩy chay, có thể làm ảnh hưởng đến những doanh nghiệp xuất khẩu sau này. Thực ra, Việt Nam không cần làm số lượng quá lớn để tự tạo áp lực mà cần chú trọng chất lượng trước", bà Jolie cho hay.