Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) vừa có báo cáo cho biết, trong năm 2022, các doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ tổng cộng 244.565 tỷ đồng, giảm 66% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhóm ngân hàng hiện vẫn dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng giá trị đạt 136.772 tỷ đồng, tương đương 53,6% tổng giá trị phát hành. Nhóm bất động sản đứng ở vị trí thứ hai với 51.979 tỷ đồng, chiếm khoảng 20,4% (giảm gần 76% so với cùng kỳ năm ngoái).
|
Ảnh minh họa, nguồn internet. |
Đáng lưu ý, trong năm 2023, sẽ có khoảng 289.819 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Trong đó, số lượng trái phiếu bất động sản đáo hạn rơi vào khoảng hơn 119.000 tỷ đồng.
Tính riêng tháng 1/2023, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn là gần 17.458 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở nhóm bất động sản và xây dựng. Cụ thể, nhóm doanh nghiệp bất động sản phải thanh toán 10.500 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, chiếm 60% giá trị trái phiếu doanh nghiệp đến hạn. Còn doanh nghiệp xây dựng phải thanh toán 5.900 tỷ đồng trái phiếu đến hạn, chiếm 34% giá trị trái phiếu đến hạn.
Như vậy, nếu tính cả số lượng trái phiếu mua lại trước hạn, áp lực thanh toán của doanh nghiệp lớn hơn nhiều.
Khối lượng trái phiếu đáo hạn lớn, cộng thêm năng lực tín dụng trên đà suy yếu đang được xem là những chỉ báo đáng lo ngại về thanh khoản của các doanh nghiệp BĐS trong thời gian gần đây.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, thống kê trong 10 tháng đầu năm 2022 đã có khoảng 147.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp được mua trước hạn. Tổng giá trị trái phiếu bất động sản sẽ đáo hạn sau ngày 15/11/2022 đến ngày 31/12/2022 chỉ còn ở mức 21.850 tỷ đồng. Điều này không đáng lo ngại đối với các công ty bất động sản. Tuy nhiên, áp lực đáng kể xảy ra từ năm 2023 (119.050 tỷ đồng) và năm 2024 (111.810 tỷ đồng).
Ông Lê Hoàng Châu cho rằng, doanh nghiệp dồn lực để mua lại các lô trái phiếu trong bối cảnh thị trường bất động sản khó khăn về thanh khoản và vốn vay sẽ “kiệt sức” không còn khả năng triển khai xây dựng dự án để giao nhà cho khách hàng.