Nông dân số thắng lớn bất chấp đại dịch
Ngồi dự diễn đàn Nông dân với chuyển đổi số nông nghiệp tại Hà Nội ngày 2/12, ông Lê Văn Quyết - Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát (Đồng Nai) - vẫn xuất bán được 3 vạn con gà chỉ với vài thao tác trên chiếc smartphone của mình.
Ông cho biết, đó là nhờ áp dụng công nghệ số trong sản xuất và chăn nuôi. Thế nên, giờ đi bất cứ đâu ông cũng có thể trao đổi, mua bán một cách dễ dàng.
Là một trong những nông dân trẻ tuổi nhất và đi đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số, anh Phạm Văn Lộc với dự án hệ sinh thái nông nghiệp bền vững UCA (Hà Nội) chia sẻ, năm vừa qua, dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, dự án của anh đã "lội ngược" dòng thành công với doanh thu 50 tỷ đồng. Tất cả nhờ vào chuyển đổi số.
|
Nhiều nông dân thắng lợi lớn nhờ chuyển đổi số trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm (ảnh: TL) |
Vụ vải năm qua tại Bắc Giang đại thắng, một phần cũng nhờ nông dân đã dùng mạng xã hội để tiếp thị, bán sản phẩm. Hay ở những phiên chợ vùng cao, tuy còn mơ hồ về khái niệm chuyển đổi số, thậm chí không biết chuyển đổi số là gì nhưng bà con đã trực tiếp tham gia vào quá trình chuyển đổi từ 2 năm nay thông qua việc bán hàng livestream trên mạng, ông dẫn chứng.
Theo Giám đốc CropLife Châu Á Tan Siang Hee, Việt Nam đang có những bước tiến đầu tiên trong việc thực hiện số hóa nông nghiệp. Bối cảnh dịch Covid-19, ngành nông nghiệp đã tự chuyển mình rất nhanh. Trong đó, nổi lên sự kết nối giữa nông dân và người tiêu dùng.
Quý 1/2021, CropLife Asia đã thực hiện khảo sát với trên 130 nông dân. Kết quả, có 42% nông dân mong muốn chuyển sang ứng dụng nông nghiệp kỹ thuật số. Hiện hơn 89% người Việt Nam sử dụng điện thoại di động và 68% trong số đó là điện thoại thông minh, đây là cơ hội lớn để nông dân có thể phổ cập và áp dụng các công nghệ nông nghiệp cải tiến.
Tuy nhiên, ông Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược nông nghiệp nông thôn, cho rằng, việc ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp còn gặp một số khó khăn. Rào cản lớn nhất đối với các DN quy mô nhỏ và vừa, với 9,1 triệu hộ nông dân là thiếu vốn và thông tin về công nghệ mới.
Dựng kho dữ liệu cho 7 triệu mảnh ruộng
Để thúc đẩy chuyển đổi số nông nghiệp, ông Trần Công Thắng đề xuất xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia về nông nghiệp; xác định các công nghệ số ưu tiên và các lĩnh vực ưu tiên phát triển trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Cùng với đó, cần có chính sách khuyến khích và hỗ trợ tài chính cho nông dân quy mô nhỏ; khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai; thúc đẩy kinh tế tập thể và liên kết theo chuỗi giá trị và triển khai thí điểm các mô hình xã nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025.
Đề cập cụ thể tới ngành chăn nuôi, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết, chăn nuôi ở nước ta quá nhỏ lẻ. Hiện có hơn 2 triệu hộ nuôi lợn, 8 triệu hộ nuôi gia cầm, 2 triệu hộ nuôi bò. Để chuyển đổi số phải bắt đầu từ trang trại.
|
Xây dựng kho dữ liệu số sẽ điều tiết được cung cầu thị trường (ảnh: TL) |
Theo ông Nguyễn Văn Long, Phó cục trưởng Cục Thú y, phải số hóa cơ sở chăn nuôi, vùng nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, hệ thống thông tin cảnh báo dịch bệnh cần được ghi chép trên điện tử, khi có dịch bệnh sẽ phát hiện và xử lý ngay.
Muốn có cơ sở dữ liệu này, bà Nguyễn Thị Thành Thực - Hiệp hội Nông nghiệp số VN, nhấn mạnh, chính nông dân sẽ là người xây dựng. Họ sẽ phải cập nhật ngày trồng, ngày phun thuốc, dự kiến ngày thu hoạch,... Doanh nghiệp nắm được thông tin sẽ chủ động trong việc thu mua và tiện lợi khi cần truy xuất nguồn gốc, bà cho hay.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho hay, cả nước có 4,1 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp nhưng lại được chia nhỏ ra thành 7 triệu mảnh ruộng. Hàng năm, Việt Nam cũng xuất khẩu tới 42-43 tỷ USD các mặt hàng nông, lâm, thủy sản tới trên 180 nước, vùng lãnh thổ. Đây thực sự là một số liệu, dữ liệu khổng lồ đòi hỏi cần "số hóa" hay chuyển đổi số từ các dữ liệu đơn lẻ, từ các hình thức ghi chép, thống kê khác nhau thành một kho dữ liệu để phục vụ chuỗi giá trị của ngành.
“Chuyển đổi số đầy gian nan, thách thức nhưng cũng là cơ hội rất lớn để làm cuộc đại thay đổi cho ngành nông nghiệp”, ông Tiến nói.
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, nền nông nghiệp giờ không “trông trời, trông đất, trông mưa, trông nắng” để sản xuất, mà cần trông vào dữ liệu, vào các thiết bị kết nối thông minh; cần ghi nhận, thu thập rồi phân tích thông tin để kịp thời cập nhật, chuyển đến người nông dân, HTX, doanh nghiệp, nhà tiêu thụ, cơ quan quản lý; cần được tích hợp thêm tự động hóa, thương mại hóa và số hóa.
“Đứng trước đoàn tàu chuyển đổi số đang tiến vùn vụt, chúng tôi không chấp nhận để lỡ chuyến tàu, đứng lại sân ga trong tiếc nuối”, Bộ trưởng nói.