Công ty Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) gần đây đang vướng lùm xùm xung quanh việc đề nghị giảm tiền thuê mặt bằng. Sau 2 công văn đề nghị giảm giá thuê trong tháng 6 và 7, đơn vị này tiếp tục gửi thêm công văn đơn phương giảm giá thuê đến số ít các chủ thuê vẫn chưa thương lượng.
Để giải quyết những khó khăn và tiếp tục đồng hành cùng đối tác, MWG thông báo sẽ không thanh toán 100% tiền thuê trong thời gian cửa hàng phải đóng cửa hoàn toàn, không kinh doanh theo yêu cầu bắt buộc của cơ quan Nhà nước.
Với những cửa hàng bị hạn chế hoạt động để phối hợp phòng chống dịch, tập đoàn sẽ thanh toán 30% tiền thuê mặt bằng với các đối tác và không tính tiền thuê 70% còn lại.
Thời gian áp dụng trong 8 tháng đầu năm (1/1-1/8), tiền thuê đã thanh toán sẽ cấn trừ vào các kỳ thanh toán tiếp theo, cũng như sẽ áp dụng cho đến hết hạn hợp đồng thuê nếu xảy ra các trường hợp bất khả kháng. Công văn này không áp dụng đồng thời với các hợp đồng thuê đã đạt được thỏa thuận giảm giá được ký trước đó.
MWG trả trước 456 tỷ đồng tiền thuê cửa hàng
Đây là công văn một chiều mà MWG gửi đến số ít đối tác còn lại vẫn chưa thương lượng được. Thông tin này gây ra nhiều dư luận khi một chủ mặt bằng gửi đơn phúc đáp bày tỏ sự không đồng ý với động thái trên.
Cá nhân đang cho thuê mặt bằng tại địa chỉ 160A Trần Phú (tỉnh Bình Định) cho rằng không có điều khoản nào nêu rõ Thế giới Di động được tự ý giảm giá thuê mặt bằng khi xảy ra dịch Covid-19. Ông chia sẻ thêm sẽ chuyển hồ sơ khởi kiện đến toà án nếu bên đi thuê vẫn không tuân thủ các điều khoản đã ký.
Phía Thế giới Di động thừa nhận có công văn này nhưng không áp dụng cho toàn bộ đối tác mà chỉ gửi cho số ít chủ nhà "thiếu thiện chí" thương lượng. Phía công ty chưa có thông báo chính thức về vấn đề này.
Thực tế chi phí thuê mặt bằng chiếm tỷ trọng khá đáng kể và tác động lớn đối với các doanh nghiệp bán lẻ. Chủ tịch MWG Nguyễn Đức Tài từng chia sẻ chi phí thuê mặt bằng của tập đoàn chỉ vào khoảng 1,5-2% trên doanh thu nhờ lợi thế về quy mô.
Hiện MWG không thể hiện chi tiết các chi phí liên quan đến mặt bằng đã chi trả trong kỳ hoạt động. Tuy nhiên doanh nghiệp có trình bày các khoản trả trước chi phí thuê cửa hàng trên báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm.
Cụ thể tại thời điểm cuối quý II, doanh nghiệp đã chi trước hơn 456 tỷ đồng tiền thuê cửa hàng, bao gồm 420 tỷ đồng trả trước ngắn hạn (thời hạn không quá 1 năm) và 36 tỷ đồng dài hạn (trên một năm). Như vậy, tính trung bình doanh nghiệp trả trước hơn 10 triệu đồng cho mỗi cửa hàng.
Đương nhiên số lượng cửa hàng của MWG khá đa dạng bao gồm các chuỗi Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh và Bách Hóa Xanh. Trong mỗi chuỗi thì diện tích và vị trí địa lý của mỗi cửa hàng cũng rất khác biệt, do đó con số trung bình chỉ mang tính chất tham khảo.
Số tiền trích trước chi phí thuê mặt bằng có xu hướng tăng lên trong các năm gần đây là bởi MWG vẫn đang trong giai đoạn mở rộng các chuỗi. Tập đoàn này có tổng cộng 4.610 cửa hàng vào cuối tháng 6, tức tăng thêm 551 địa điểm so với con số cuối năm ngoái.
Trong một tọa đàm cuối năm ngoái, ông Nguyễn Đức Tài cho biết tập đoàn “đã đi một vòng và lấy về 200 tỷ đồng tiền giảm giá thuê, đây là khó khăn thật chứ không phải tung hỏa mù với đối tác. Tôi đã khó khăn thật mà bạn còn làm khó tôi nữa thì thôi, tôi trả mặt bằng chứ làm gì bây giờ".
Thực tế hoạt động kinh doanh của MWG cũng sa sút rất đáng kể trong gần đây. Tháng 8 trở thành tháng kinh doanh thấp điểm khi có 70% tổng số điểm bán điện thoại/điện máy bị hạn chế và 50% tổng số cửa hàng Bách Hóa Xanh không thể phục vụ khách mua sắm trực tiếp.
Theo đó, doanh thu thuần chỉ đạt mức 6.509 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 222 tỷ đồng, lần lượt giảm gần 25% và 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng có doanh số thấp nhất từ đầu năm.
Chi phí của FPT Retail và PNJ
Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) có trình bày chi tiết khoản chi phí thuê cửa hàng trong nửa đầu năm là hơn 137 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy chi phí thuê mặt bằng chiếm khoảng 1,2% doanh thu thuần trong kỳ.
Tính đến tháng 6, PNJ ghi nhận tổng số lượng cửa hàng đang kinh doanh là 337 địa điểm. Như vậy tính trung bình doanh nghiệp này phải trả tiền thuê hơn 400 triệu đồng/cửa hàng/nửa năm.
Các cửa hàng PNJ thường đặt tại các vị trí đắc địa, đông dân cư và các trung tâm thương mại, do đó mức giá thuê cũng thường cao hơn mặt bằng chung.
Bên cạnh tiền thuê đã trả, PNJ cũng có trích trước chi phí thuê cửa hàng dài hạn số tiền gần 13 tỷ đồng và chi phí thuê hoạt động ngắn hạn gần 28 tỷ đồng.
Theo báo cáo trong các tháng 7 và 8, kết quả kinh doanh của PNJ đi xuống rõ rệt do ảnh hưởng của đợt giãn cách thắt chặt. Công ty báo lỗ 110 tỷ đồng trong 2 tháng này và và là tháng thứ 6 liên tiếp ghi nhận lợi nhuận đi xuống.
Chuỗi bán lẻ kim hoàn này trong tháng 4/2020 cũng từng đàm phán giảm tiền thuê mặt bằng và nhận được sự đồng ý từ khoảng 40% các chủ nhà. Tỷ lệ giảm chi phí khi đó khoảng 15% trở lên, thậm chí có nơi lên đến 100%.
Hay như FPT Retail, đơn vị quản lý chuỗi bán lẻ hàng công nghệ FPT Shop và chuỗi nhà thuốc Long Châu, cũng phải chi số tiền lớn cho việc thuê mặt bằng. Tổng chi phí thuê và sửa chữa cửa hàng trong nửa đầu năm là 330 tỷ đồng, tăng hơn 14% so với cùng kỳ.
Theo báo cáo đến tháng 6, chuỗi này ghi nhận có 625 cửa hàng FPT Shop và 268 nhà thuốc Long Châu, mang về doanh thu hơn 9.000 tỷ đồng. Như vậy chí phí mặt bằng và sửa chữa chiếm gần 3,7% doanh thu thuần, và trung bình chi gần 370 triệu đồng cho mỗi cửa hàng/nửa năm.
Tương tự các ông lớn bán lẻ trên, FPT Retail cũng có một khoản trích trước tiền thuê cửa hàng và văn phòng ngắn hạn gần 122 tỷ đồng và chi phí để cải tạo cửa hàng dài hạn trên 206 tỷ đồng.