Thông tin turbin trên một trụ điện gió của Nhà máy Phong điện Bình Thạnh (huyện Tuy Phong, Bình Thuận) do Công ty CP tái tạo năng lượng Việt Nam (REVN) làm chủ đầu tư vừa bị chập điện cháy đang gây xôn xao dư luận.
Được biết, Nhà máy điện Bình Thạnh đã được vận hành 10 năm, tuabin lắp ráp theo công nghệ của Đức, giá của mỗi tuabin khoảng 70 tỷ đồng. Mỗi cột điện gió cao từ 90 - 95m, công suất 1,5 MW/cột. Tổng trọng lượng tuabin là 89,4 tấn, cột tháp là 165 tấn.
|
Hiện trường sự việc turbin trên một trụ điện gió của Nhà máy Phong điện Bình Thạnh bị cháy. |
Tính đến cuối tháng 6/2019, cả nước có 89 nhà máy điện gió và điện mặt trời, với tổng công suất đặt 4.543,8MW, chiếm 8,3% tổng công suất của hệ thống điện quốc gia. Trong đó, có 9 nhà máy/trang trại điện gió đang vận hành với tổng công suất 304,6 MW, trong đó lớn nhất là trang trại điện gió Bạc Liêu với gần 100 MW, nhỏ nhất là nhà máy điện gió Phú Quý 6 MW nối lưới độc lập (không nối lưới điện quốc gia) trên đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận), còn lại là 7 nhà máy điện gió quy mô công suất nhỏ dưới 50 MW.
|
Việt Nam là quốc gia có tiềm năng về điện gió lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á. |
|
Các nhà máy/trang trại điện gió đang vận hành tại Việt Nam. |
Báo cáo mới đây của Hiệp hội Điện gió toàn cầu cho thấy, Việt Nam là một trong những quốc gia tiềm năng nhất trong khu vực Đông Nam Á về cả gió trên bờ và trên biển. Đường bờ biển dài 3.200 km giúp Việt Nam có được nguồn tài nguyên gió tốt nhất, nổi bật là từ Ninh Thuận trở vào khu vực phía Nam. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất trong khu vực đã phát triển điện gió trên biển với 99 MW đã được lắp đặt.
Tuy nhiên, theo dự báo của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam - EVN, nếu tốc độ tăng trưởng GDP trung bình tiếp tục được duy trì hàng năm là 7% nhu cầu điện của Việt Nam vào khoảng 200.000GWh năm 2020 và tăng đến 327.000GWh năm 2030. Nếu phát triển tối đa các nguồn điện truyền thống thì lượng điện của Việt Nam chỉ đáp ứng khoảng 165.000GWh vào năm 2020 và 208.000GWh vào năm 2030.