Chặt đào, phá quất vì giá rẻ: Tại ai?

Google News

Người kinh doanh phải tôn trọng thị trường, tôn trọng người tiêu dùng thì mới có thể phát triển được.

Dù ngày 4/2 (30 tháng Chạp) mới kết thúc Hội chợ hoa Xuân 2019 Hạ Long (Quảng Ninh), nhưng ngay từ chiều 3/2, nhiều tiểu thương đã thẳng tay phá bỏ đào, quất cảnh, nhất quyết không bán tháo, bán đổ, bán rẻ.
Nguyên nhân là do càng cận Tết, những cây quất cảnh, cành đào rừng, hoa mai vốn có giá hàng trăm nghìn, thậm chí cả triệu đồng càng rớt giá thảm. Dù tất cả các loại hoa, quất cảnh đều đã hạ giá xuống mức thấp nhất, nhưng nhiều người đi mua hoa vẫn ép giá. Trong khi nhiều chủ kinh doanh phải chấp nhận bán đổ bán tháo, nhưng cũng nhiều người bán hoa, cây cảnh có suy nghĩ và hành động rằng, thà chặt, đập bỏ, nhất quyết không chịu bị ép giá.
Vì thế, cảnh tượng như mọi năm lại diễn ra: những người bán đào, quất cảnh thẳng tay chặt, phá hàng chục cây đào, quất cảnh ế.
Cộng đồng mạng đang truyền tay nhau clip ghi lại hình ảnh một người đàn ông đang cầm dao chặt từng gốc cây quất cảnh giữa chợ trước sự chứng kiến của rất nhiều người xung quanh. Nguyên nhân được cho là những cây quất bày bán ở đây đều bị khách trả quá rẻ.
Nhìn nhận hiện tượng tiểu thương đập nát hoa, chặt cây cảnh để tránh bị ép giá, một số chuyên gia văn hóa coi đây là hành vi thiếu văn hóa, thể hiện sự ích kỷ.
Chat dao, pha quat vi gia re: Tai ai?
 Người đàn ông vung dao chặt quất để không phải bán rẻ. Ảnh cắt từ clip
Đành rằng hoa, cây cảnh ngày giáp Tết rất dễ bị ép giá rẻ, tiểu thương không muốn bán bởi giá tiền không bõ với công sức họ bỏ ra. Nhưng rõ ràng, ngay từ đầu, chính những tiểu thương ấy thấy người dân mến mộ hoa nên nâng giá vượt lên giá thật của hoa, khiến không ai mua và cuối cùng hoa ế.
Theo GS.TS Hoàng Chương - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, hoa là biểu trưng của cái đẹp, cái đẹp của cuộc sống, con người, nên phải ứng xử với hoa ra sao để có văn hóa.
Đó là ở góc độ văn hóa, còn xét về mặt kinh tế, hiện tượng phổ biến vẫn diễn ra trên thị trường Việt Nam, đó là khi nhu cầu thị trường tăng cao thì nhiều chủ hàng tranh thủ hét giá lên tận mây xanh, không giữ đúng cam kết với người tiêu dùng, hám lợi trước mắt.
Tiểu thương chặt đào, quất vì bị trả giá quá rẻ nhưng không phải ở Việt Nam mới có chuyện người tiêu dùng “canh” khi nào có hàng giá rẻ mới ồ ạt đến mua.
Trên thế giới có hẳn những ngày, những tháng xả hàng giá rẻ (như Black Friday, dịp giáng sinh, tết…). Trong số những người chầu trực hàng tháng trời để mua được hàng giá rẻ có không ít những người giàu, những người có thu nhập cao.
Chính vì đắt đỏ nên ở Việt Nam, nhiều khi chỉ có đại gia hoặc những người có kinh tế khá giả mới dám mua đào, mai, hoa, cây cảnh để chơi trước tết hàng tuần, hàng tháng. Còn những người có thu nhập ở mức trung bình, họ chỉ dám nghĩ đến những món ăn tinh thần này khi đã tạm yên tâm vì lo được cái Tết cho gia đình.
Chừng nào vẫn còn tư duy buôn bán theo kiểu “chăn”, “bóp” được ai thì làm “tới bến”, không bán hàng đúng với giá trị thật của nó thì người mua còn phải cân nhắc trước khi móc hầu bao mua bất kỳ sản phẩm nào.
Triết lý kinh doanh đòi hỏi những người làm nghề phải tôn trọng thị trường, tôn trọng người tiêu dùng thì mới có thể phát triển được. Việc chặt bỏ cây cảnh để không bán rẻ thể hiện một tư duy kinh doanh ích kỷ chỉ biết mình.
Để năm sau không còn cảnh chặt đào, phá quất, thiết nghĩ người kinh doanh trước hết phải bán đúng giá sản phẩm, phục vụ nhiều phân khúc thị trường với nhiều đối tượng khách hàng phong phú. Khi giá cả hợp lý thì không chỉ nhà vườn kinh doanh có lãi mà nhiều người dân có cơ hội thưởng lãm vẻ đẹp của cây cảnh dịp Tết.
Theo Minh Thái/Báo Đất Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)