Chuyện về kỳ lân 7 tỷ USD
Trả lời phỏng vấn tạp chí Forbes, William Tanuwijaya, đồng sáng lập công ty thương mại điện tử khổng lồ Tokopedia của Indonesia, cho biết anh không ưng ý lắm với tên của công ty mình suốt nhiều năm.
"Tôi thực sự không thích, vì cái tên Tokopedia quá dài. Ban đầu, chúng tôi chỉ dùng từ này đặt tên cho dự án," Tanuwijaya cho biết. "Chúng tôi đã có ý định đổi tên vào ngày kỷ niệm thứ năm hoặc thứ sáu của công ty, nhưng chưa làm được vì vẫn không thể tìm được cái tên nào hay hơn. Nói gì bây giờ nhỉ? Thật may là chúng tôi chưa đổi tên."
Giờ đây, Tokopedia là một thương hiệu rất khó bỏ qua. Tính đến thời điểm tháng 6/2020, Tokopedia là mức định giá 7 tỷ USD và là kỳ lân lớn thứ ba ở Đông Nam Á, chỉ xếp sau Grab của Singapore và Gojek của Indonesia, theo thông tin từ công ty CB Insights của Hoa Kỳ.
Mô hình kinh doanh của Tokopedia tương tự như Alibaba, là một nền tảng mua bán, nơi mọi doanh nghiệp có thể dễ dàng sắp xếp và bán hàng hóa của họ (hiện tại, Alibaba là một trong những nhà đầu tư lớn nhất của Tokopedia).
Năm 2018, Tokopedia đưa ra kế hoạch đầy tham vọng nhằm thâm nhập sâu hơn vào nền kinh tế trị giá 1.000 tỷ USD của Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á. Công ty này cho ra mắt ứng dụng Mitra Tokopedia, đã được tải xuống hơn một triệu lần. Ứng dụng này được thiết kế cho chủ sở hữu của warung, một dạng cửa tiệm tạp hóa nhỏ ngoài trời, thường phục vụ cho một khu phố duy nhất. Hiện có khoảng hai triệu warung trên toàn Indonesia.
Ứng dụng mang lại cho chủ sở hữu warung hai lợi thế lớn: Một là khi đặt hàng cho warung trên app, họ sẽ được giao hàng với giá thấp hơn so với giá của các nhà phân phối địa phương; hai là cung cấp các sản phẩm của Tokopedia cho khách hàng, đặc biệt là những người quá nghèo không thể mua điện thoại thông minh hoặc chi trả dịch vụ Internet.
Một nguồn tin khác cho biết nhờ khả năng kết nối chủ tiệm tạp hóa với các cơ sở sản xuất kinh doanh, xóa bỏ các rào cản về vị trí địa lý, giảm tải quy trình vận hành bán lẻ, Mitra Tokopedia được ưa chuộng và đã có mặt tại hơn 20 thành phố lớn, bao gồm Bogor, Bekasi, Bandung, Yogyakarta, Banda Aceh, Medan, Palembang và Pekanbaru.
Kết quả nghiên cứu từ PT Visa Worldwide cho thấy, hơn 90% giao dịch tại Indonesia vẫn được thực hiện bằng hình thức tiền mặt. Chính vì vậy, nhiều "ông lớn" đã tiên phong xây dựng cầu nối cho mua sắm truyền thống và trực tuyến giống như Tokopoedia và đây là xu hướng tất yếu của thị trường. Đây cũng là giải pháp để thương mại điện tử và những công ty công nghệ tiếp cận nhiều khách hàng hơn, đặc biệt là những người từ phân khúc thu nhập trung bình đến thấp và chủ yếu thực hiện tất cả các giao dịch truyền thống
Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Khoa học Xã hội của trường Đại học Universitas Indonesia, Tokopedia đã đóng góp vào hơn 1% GDP nền kinh tế Indonesia và tạo ra 10,3% tổng số cơ hội việc làm mới. Trong khi đó, Warung Pintar, dù chỉ mới thành lập năm 2017 nhưng đã đón nhận sự hợp tác từ hơn 1.000 chủ tiệm tạp hóa. Công ty này cho biết, trung bình mỗi chủ tiệm tạp hóa đạt mức thu nhập cao hơn 40% so với trước đây nhờ sử dụng ki-ốt thông minh và các dịch vụ Warung Pintar.
Nhìn lại thị trường Việt Nam
Quay trở lại với Việt Nam, số liệu từ Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho thấy, đã gần 30 năm liên tục phát triển, nhưng đến nay kênh bán lẻ hiện đại (siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại) mới chỉ chiếm được 25% - 26% tổng doanh thu thị trường bán lẻ. Phần doanh thu lớn nhất vẫn thuộc về các chợ truyền thống, tiệm tạp hóa. Tỷ lệ bao phủ của hệ thống bán lẻ hiện đại ở Việt Nam chỉ chiếm 25% tổng mức bán lẻ, thấp hơn nhiều nước trong khu vực như Thái Lan (34%), Malaysia (60%) hay Singapore (90%).
Theo số liệu của Nielsen, Việt Nam có khoảng 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và 9.000 chợ truyền thống, chiếm thị phần 75%, doanh thu trên dưới 10 tỷ USD mỗi năm. Còn theo Kantar Worldpanel Việt Nam, các kênh bán lẻ truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hóa) vẫn đang đáp ứng đến 85% nhu cầu tiêu dùng của người dân.
TS. Nguyễn Hoài Long, Trưởng Bộ môn Bán hàng và Digital Marketing, Đại học Kinh tế Quốc dân lí giải về 5 lợi thế đặc biệt của mô hình bán hình truyền thống gồm: Sự tiện lợi - sự phù hợp - dịch vụ tốt - bán qua mối quan hệ gần gũi - chi phí thấp.
"Khách hàng dễ dàng tiếp cận tiệm tạp hoá để mua hàng do các cửa hàng này thường nằm trong khu dân cư, người dân có thể mua với số lượng ít, mua nhiều lần trong ngày. Mô hình bán lẻ này cũng phản ứng nhanh nhạy với nhu cầu của người dùng hơn siêu thị. Cùng đó, các tiệm tạp hoá thường có mối quan hệ chặt chẽ với khách hàng. Và cuối cùng, các tiệm tạp hoá thường sử dụng mặt bằng của gia đình, người chủ tiệm đồng thời là người bán hàng do đó họ không bị sức ép về mặt bằng nên có thể đưa ra mức giá tốt hơn cho khách hàng", vị chuyên gia tổng kết.
Dù vẫn chiếm vị trí thượng phong trong ngành bán lẻ tại Việt Nam, tuy nhiên, bà Đinh Thị Mỹ Loan, nguyên Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, bán lẻ truyền thống cũng đã phải vượt qua chính mình để phù hợp hơn trong thời đại mới.
"Các nhà bán lẻ truyền thống đã chấp nhận cạnh tranh thay vì sợ hãi trước bán lẻ hiện đại. Họ biết những hạn chế, nhược điểm của mình, hiểu được nhu cầu người tiêu dùng Việt Nam thời hội nhập để mang lại giá trị tốt hơn cho khách hàng mà kênh bán lẻ hiện đại chưa làm được".
Mới đây một số nguồn tin cho biết tập đoàn Vingroup đã có những động thái âm thầm tấn công vào mảng bán lẻ đầy tiềm năng mà chưa doanh nghiệp nào khai thác: Hệ thống các cửa hàng bách hóa.
Trên cửa hàng ứng dụng xuất hiện ứng dụng VinShop kết nối giữa chủ tạp hóa bán lẻ và các đơn vị cung cấp hàng hóa. Một số hình ảnh rò rỉ cho thấy khi các chủ tạp hóa hợp tác cùng VinShop thì sẽ được hỗ trợ về biển hiệu, bố trí cửa hàng. Ngoài ra trên biển hiệu của cửa hàng tạp hóa này ngoài VinShop có sự xuất hiện của cả VinID.
Giới phân tích cho rằng việc VinShop xuất hiện và đem công nghệ vào bán lẻ truyền thống có thể đánh giá là nước đi tiên phong táo bạo, khôn ngoan và nếu thành công sẽ đem lại nhiều lợi ích từ độ phủ của VinShop cũng như hệ sinh thái của VinID.