Cao tốc TP HCM - Mộc Bài đội vốn gần 3.000 tỷ: Điểm các dự án đội vốn

Google News

(Kiến Thức) - Sau thông tin dự án đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài đội vốn gần 3.000 tỷ, dư luận đã đặt câu hỏi: Hiện nay còn các dự án nào đang đội vốn “khủng”?

Dư luận đang đặc biệt quan tâm đến thông tin về văn bản khẩn của UBND TP HCM vừa gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xem xét, hướng dẫn thực hiện một số nội dung vướng mắc về thủ tục quy định chủ trương đầu tư dự án cao tốc TP HCM - Mộc Bài (Tây Ninh).
Theo văn bản, tổng vốn thực hiện dự án đường cao tốc này đã tăng gần 3.000 tỷ đồng so với thời điểm hai địa phương ký kết thực hiện dự án vào tháng 10/2019 được công bố là khoảng 10.700 tỷ đồng.
Cao toc TP HCM - Moc Bai doi von gan 3.000 ty: Diem cac du an doi von
Dự án cao tốc TP HCM - Mộc Bài (Tây Ninh) đã đội vốn gần 3.000 tỷ đồng.
Được biết, cao tốc TP HCM - Mộc Bài về nguyên tắc là do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư. Tháng 9/2019, UBND TP HCM và UBND tỉnh Tây Ninh cùng kiến nghị Bộ Bộ Giao thông Vận tải báo cáo Thủ tướng cho phép TP HCM phối hợp với tỉnh Tây Ninh thực hiện dự án.
Theo tìm hiểu của PV, ngoài dự án đường cao tốc TP HCM - Mộc Bài hiện đang đội vốn gần 3.000 tỷ đồng, còn có khá nhiều dự án trọng điểm khác cũng đang nằm trong tình cảnh tương tự.
Metro số 2 của Hà Nội đội vốn hơn 16.000 tỷ đồng
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP Hà Nội, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (Metro số 2 Hà Nội) sau khi điều chỉnh đã tăng từ 19.555 tỷ đồng lên 35.678 tỷ đồng (tương đương với 195.365 triệu yen Nhật), tăng 16.123 tỷ đồng so với ban đầu. Trong đó, nguồn vốn vay cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) là 164.762 triệu yen, chiếm 84,33% tổng mức đầu tư.
Lý do điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng so với quyết định phê duyệt năm 2008, theo UBND TP Hà Nội, là do thay đổi về quy mô đầu tư, thay đổi tỉ giá quy đổi. Cạnh đó, thay đổi chế độ chính sách và các quy định của Nhà nước liên quan đến việc xác định và quản lý chi phí đầu tư…
Thời gian thực hiện dự án theo kế hoạch ban đầu là từ năm 2009 đến 2015. Thế nhưng, do điều chỉnh dự án nên dự kiến thời gian hoàn thành xây dựng, đưa vào vận hành toàn tuyến năm 2027. Thời điểm kết thúc công tác đào tạo vận hành bảo dưỡng là 5 năm (từ năm 2027 đến 2032).
Hiện UBND TP Hà Nội đang tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, làm cơ sở phê duyệt điều chỉnh dự án.
Dự án Metro số 2 Hà Nội có quy mô ban đầu:
Xây dựng tuyến đường sắt đô thị với chiều dài 11,5 km (trong đó đoạn đi ngầm dài 8,9 km; đoạn đi trên cao dài 2,6 km). Công trình bao gồm 10 ga với 3 ga trên cao và 7 ga ngầm.
Cung cấp và lắp đặt hệ thống thiết bị phục vụ như đầu máy toa xe, các hệ thống cơ điện, thông tin, tín hiệu, kiểm soát, bán vé tự động...
Dự án đội vốn, mịt mờ ngày vận hành
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh-Hà Đông có tổng mức đầu tư ban đầu được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt năm 2008 là 8.700 tỷ đồng (tương đương 552,86 triệu USD), trong đó vay Trung Quốc là hơn 400 triệu USD.
8 năm sau, vào năm 2016, dự án được điều chỉnh lên hơn 18.000 tỷ đồng, tăng hơn 9.200 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu. Trong đó, phần vốn vay của Trung Quốc cũng lên con số 13.800 tỷ đồng (tương đương trên 669 triệu USD), tăng 7.200 tỷ đồng (tương đương 250,62 triệu USD).
Cao toc TP HCM - Moc Bai doi von gan 3.000 ty: Diem cac du an doi von-Hinh-2
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông mịt mờ ngày vận hành.
Báo cáo gửi Quốc hội về dự án này, Chính phủ cho biết, tổng mức đầu tư điều chỉnh tăng do thay đổi phương án nhà ga từ 2 tầng thành 3 tầng; bổ sung hạng mục xử lý nền đất yếu khu Depot; bổ sung hạng mục đường tránh Quốc lộ 6; điều chỉnh vật liệu vỏ tàu từ thép chịu khí hậu sang thép inox; kinh phí giải phóng mặt bằng (bao gồm cả công trình di dời hạ tầng kỹ thuật) thay đổi; biến động về giá nguyên, nhiên, vật liệu, tỷ giá hối đoái; các chế độ, chính sách trong thời gian thực hiện dự án cũng như các khối lượng, đơn giá chưa tính chính xác được trong bước thiết kế cơ sở…
Hiện công tác nhập khẩu vật tư, thiết bị đang được tổng thầu tiếp tục thực hiện (tổng khối lượng vật tư, thiết bị đã về đến công trường đạt khoảng 99%). Công tác thi công lắp đặt thiết bị đang được Tổng thầu triển khai đạt khoảng 97%. Các công việc còn lại bao gồm thi công biển báo chỉ dẫn, thiết bị công nghệ khu Depot, khắc phục tồn tại và sửa chữa khiếm khuyết các chuyên ngành thông tin, AFC, cấp điện…
Tính đến nay, dự án đã giải ngân được phần lớn lượng vốn. Cụ thể, vốn ODA Trung Quốc giải ngân được 518 triệu USD trên tổng số vốn vay là 669,62 triệu USD (khoảng 77,49%); còn vốn đối ứng phía Việt Nam giải ngân được 3.196 tỷ đồng trên tổng số 4.134 tỷ đồng (khoảng 77,30%).
Mặc dù tổng thầu trung Quốc đã đề xuất mốc thời gian hoàn thành công tác nghiệm thu, chuyển giao tuyến Cát Linh - Hà Đông dự kiến ngày 31/12/2019. Thế nhưng, Bộ Giao thông Vận tải đánh giá mốc thời gian này khó khả thi.
Dự án bị đội vốn gấp 9 lần
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1, Yên Viên - Ngọc Hồi (DA Ngọc Hồi - Yên Viên) được Chính phủ đồng ý chủ trương từ năm 2004, chia làm 3 giai đoạn. Từ năm 2007, dự án được tách thành 2 dự án riêng biệt gồm: Dự án giai đoạn 1, xây dựng tổ hợp Ngọc Hồi và đoạn Giáp Bát- Gia Lâm; Dự án giai đoạn 2, xây dựng đoạn Ngọc Hồi - Giáp Bát và đoạn Giáp Bát - Yên Viên.
Chỉ tính riêng ở DA Ngọc Hồi - Yên Viên giai đoạn 1, năm 2008, Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt với tổng mức đầu tư cho toàn bộ dự án là 19.460 tỷ đồng (vốn vay ODA của Nhật Bản, vốn đối ứng ứng) nhưng đến năm 2017, Bộ này đã phải phê duyệt điều chỉnh dự án chỉ riêng khu tổ hợp Ngọc Hồi tổng mức đầu tư mới cũng gần bằng với tổng mức đầu tư cho toàn bộ dự án ở giai đoạn 1 được phê duyệt trước đó là 19.046 tỷ đồng.
Nếu tính chung toàn bộ tuyến số 1 của 2 dự án, tổng mức đầu tư đẩy lên gấp 9 lần, từ 9.197 tỷ đồng lên 81.537 tỷ đồng.
Cao toc TP HCM - Moc Bai doi von gan 3.000 ty: Diem cac du an doi von-Hinh-3
 Phối cảnh tổ hợp ga Ngọc Hồi của tuyến metro Yên Viên - Ngọc Hồi.
Ngoài các dự án nêu trên, còn loạt siêu dự án như: Đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 3 Nhổn - Ga Hà Nội; Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP HCM Bến Thành - Suối Tiên; Dự án tuyến Metro số 2 Bến Thành - Tham Lương (TP HCM); Dự án nạo vét, xây kè và bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê (thuộc Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình); Dự án nạo vét sông Đáy; Dự án cấp nước Khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) cũng lần lượt đội vốn khủng, gây rúng động dư luận.
Khánh Hoài (T/H)

>> xem thêm

Bình luận(0)