Cảnh báo người tiêu dùng sử dụng gas an toàn, bài học từ những vụ nổ bình gas

Google News

Để tránh những vụ nổ bình gas gây thiệt hại về người và tài sản, người dùng cần chú ý lựa chọn các sản phẩm bình gas đạt chuẩn. Đồng thời, cần sử dụng, bảo quản bình gas đúng cách.

Nhiều vụ nổ bình gas nghiêm trọng, nguyên nhân do đâu?

Ngày 16/8, Công an TP. Hải Phòng thông tin về vụ cháy xảy ra tại thôn 3, xã Kiền Bái, huyện Thủy Nguyên làm 4 người chết, 1 người bị thương có nguyên nhân xuất phát từ việc nổ bình gas. Cụ thể, vào khoảng 19h56 ngày 15/8, tại nhà ông Nguyễn Văn H. (55 tuổi, xã Kiền Bái) xảy ra vụ nổ lớn gây cháy làm 4 người chết, 1 người bị thương nặng được đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.

Ngay khi nhận tin báo, Công an huyện Thủy Nguyên và Công an xã Kiền Bái cử hàng chục cán bộ chiến sĩ cùng 2 xe chữa cháy nhanh chóng có mặt tại hiện trường khoanh vùng dập lửa, tiếp cận các nạn nhân.

Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện vợ ông H., con gái ông H., con rể ông H. cùng cháu ngoại tử vong tại khu vực phòng ngủ, một số đồ đạc bị cháy biến dạng. Bản thân ông H. cũng bị thương nặng, đã được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Theo Công an TP Hải Phòng, nguyên nhân vụ việc bước đầu được xác định là do nổ bình gas. Hiện Công an huyện Thủy Nguyên đang phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Công an thành phố khẩn trương điều tra nguyên nhân vụ nổ.

Canh bao nguoi tieu dung su dung gas an toan, bai hoc tu nhung vu no binh gas

Hiện trường một vụ nổ bình gas. Ảnh: Trí thức trẻ

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên một vụ cháy nổ do nguyên nhân từ bình gas xảy ra tại Việt Nam nói chung và tại Hải Phòng nói riêng. Bởi vào thời điểm tháng 7/2019, một vụ nổ bình gas lớn cũng đã diễn ra tại phường Trại Chuối, quận Hồng Bàng (Hải Phòng). 

Vụ nổ làm rung chuyển nhiều nhà dân xung quanh, ngôi nhà bị bung mái, nứt nhiều mảng tường. Khi người dân chạy sang, bà T. - chủ nhà đã tử vong, một cháu bé là cháu bà T. bị thương do đồ gia dụng đè vào người. Tại hiện trường, nhiều đồ gia dụng trong nhà bà T. bắn văng tung toé, vỡ nát

Theo ông Đỗ Tuấn - Trưởng Phòng An toàn chất lượng Công ty cổ phần kinh doanh khí hóa lỏng miền Bắc, hầu hết các vụ tai nạn đó đều do khách hàng sử dụng sai quy trình.

Ông Tuấn cũng nhận định, các vụ nổ gas ngày càng nhiều và tính nghiêm trọng càng ngày càng lớn, do đó sự hiểu biết của người dân về gas, các phản ứng liên quan đến gas không nhanh nhẹn. Ngay tại khoa Bỏng - Bệnh viện Xanh Pôn mỗi tháng cũng tiếp nhận vài chục bệnh nhân bỏng do nổ gas, vùng bỏng rộng và thường bị ở mặt, tay. 

Còn trong quá trình sử dụng, có thể xảy ra sự cố rò rỉ gas. Gas có thể rò rỉ trên thân bình, ở các điểm nối gen van an toàn, rò rỉ trên van, cả đường ống dẫn, bếp… nhưng hay gặp nhất là dây dẫn gas bị rò rỉ. Để ngăn chặn nguy cơ này, người dân cần khóa van đầu bình gas sau khi đun nấu. Vì có nhiều trường hợp không khóa van gas, sau một đêm ngủ dậy chuột cắn hở dây dẫn gas khiến một lượng gas thoát ra ngoài, nếu không nhận biết được, một tác động nhỏ có đánh điện (như bật công tắc điện, bật quạt, bật đèn pin, thậm chí chỉ có một cuộc điện thoại di động gọi tới khi đang đứng ở vùng có gas) đều có thể gây cháy nhanh và nổ. Nguy hiểm ở chỗ, sức công phá của nổ gas rất lớn. Có thể thấy các vụ chết người, sập nhà do nổ gas không còn là hiếm.

Để nhận biết sự rò rỉ gas, các nhà sản xuất gas đã pha thêm vào gas một chất tạo mùi (bản chất gas không có mùi) rất hôi để người tiêu dùng phát hiện dễ dàng khi có sự cố rò rỉ. Khi ngửi thấy mùi gas, động tác đầu tiên là phải kiểm tra nguồn rò rỉ như thế nào. Tốt nhất là người sử dụng không nên tạo một tia lửa điện nào. Phải nhanh chóng mở hết cửa cho thông thoáng, dùng quạt nan quạt đẩy khí gas ra ngoài. Tuyệt đối không sử dụng các thiết bị điện và ra khỏi vùng nguy hiểm. Nếu phát hiện chính xác nguồn gas rò rỉ ở van, dây dẫn gas thì việc ưu tiên hàng đầu là cô lập gas bằng cách đóng van an toàn của bình gas.

Lựa chọn sử dụng bình gas theo chuẩn nào để bảo đảm an toàn?

Theo một số chuyên gia, bình gas vốn đã ẩn chứa nhiều nguy hiểm nếu sử dụng một cách bất cẩn và nếu dùng phải bình gas không rõ nguồn gốc, kém chất lượng thì càng nguy hiểm hơn. Với những bình gas không đạt chuẩn hiện tượng khí gas bị thoát ra ngoài rất dễ xảy ra dẫn tới cháy nổ, gây nguy hiểm và để lại hậu quả khôn lường cho bản thân người sử dụng và những người xung quanh.

Do đó, để không có trường hợp đáng tiếc nào xảy ra, đòi hỏi phải có những biện pháp khắt khe, kiểm tra, xử lý các bình gas đã hư hỏng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Và cách tốt nhất là người dân nên thận trọng trong việc sử dụng bình gas, có thiết bị khóa van, bình gas đảm bảo chất lượng, có nhãn mác đầy đủ.

Liên quan tới vấn đề trên, vào ngày 15/11/2019, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ra Thông tư 14/2019/TT-BKHCN về việc ban hành "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG)” (QCVN 08:2019/BKHCN). Quy chuẩn kỹ thuật này quy định mức giới hạn đối với các chỉ tiêu kỹ thuật liên quan đến an toàn, sức khỏe, môi trường và các yêu cầu về quản lý chất lượng đối với khí dầu mỏ hóa lỏng (được viết tắt là LPG) sử dụng làm: Khí đốt dân dụng; Khí đốt công nghiệp; Nhiên liệu cho phương tiện giao thông.

Thông tư cũng nêu rõ, kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, khí dầu mỏ hóa lỏng nhập khẩu, sản xuất, chế biến, pha chế đáp ứng yêu cầu quy định tại QCVN 08:2019/BKHCN trước khi lưu thông trên thị trường. Thông tư khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất, chế biến, pha chế khí dầu mỏ hóa lỏng áp dụng các yêu cầu quy định tại QCVN 08:2019/BKHCN kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

Theo quy định tại QCVN 08:2019/BKHCN, LPG sản xuất, chế biến, pha chế phải được công bố hợp quy với các quy định tại Mục 2 (quy định về chỉ tiêu kỹ thuật cơ bản) của Quy chuẩn kỹ thuật này trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường. Cụ thể, việc công bố hợp quy LPG sản xuất, chế biến, pha chế phù hợp với các quy định kỹ thuật tại Mục 2 của Quy chuẩn kỹ thuật này căn cứ trên kết quả thực hiện chứng nhận hợp quy của tổ chức chứng nhận được chỉ định theo quy định của pháp luật (đối với trường hợp áp dụng Phương thức 5); căn cứ trên cơ sở kết quả chứng nhận, giám định của tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định được chỉ định theo quy định của pháp luật (đối với trường hợp áp dụng Phương thức 7).

Việc công bố hợp quy thực hiện theo quy định tại Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN ngày 31/3/2017 của Bộ Khoa học và Công nghệ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012. Việc thử nghiệm phục vụ cho công bố hợp quy được thực hiện tại tổ chức thử nghiệm do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chỉ định theo quy định của pháp luật.

Canh bao nguoi tieu dung su dung gas an toan, bai hoc tu nhung vu no binh gas-Hinh-2

Khí dầu mỏ hóa lỏng - LPG (hay còn gọi là khí gas) hiện phải tuân theo QCVN 08:2019/BKHCN. Ảnh minh họa

LPG nhập khẩu phải được kiểm tra nhà nước về chất lượng phù hợp với các quy định tại Mục 2 của Quy chuẩn kỹ thuật này trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường. Việc kiểm tra chất lượng LPG nhập khẩu thực hiện theo quy định tại khoản 2c Điều 7 bổ sung Nghị định số 132/2008/NĐ-CP (được quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa). Việc thử nghiệm phục vụ cho hoạt động đánh giá sự phù hợp đối với LPG nhập khẩu được thực hiện tại tổ chức thử nghiệm do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chỉ định theo quy định của pháp luật.

Các phương thức đánh giá sự phù hợp và nguyên tắc áp dụng được quy định tại Điều 5 và Phụ lục II của Quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật ban hành kèm theo Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Cụ thể, đối với LPG sản xuất, chế biến, pha chế trong nước áp dụng chứng nhận hợp quy theo Phương thức 5 “Thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất” tại cơ sở sản xuất, chế biến, pha chế. Trường hợp cơ sở sản xuất, chế biến, pha chế không thể áp dụng các yêu cầu đảm bảo chất lượng theo Phương thức 5 thì phải áp dụng theo Phương thức 7 “Thử nghiệm mẫu đại diện, đánh giá sự phù hợp của lô sản phẩm, hàng hóa”;

Đối với LPG nhập khẩu áp dụng chứng nhận hợp quy theo Phương thức 7 “Thử nghiệm mẫu đại diện, đánh giá sự phù hợp của lô sản phẩm, hàng hóa” đối với từng lô LPG nhập khẩu. Trường hợp cơ sở sản xuất, chế biến có yêu cầu chứng nhận tại cơ sở sản xuất, chế biến tại nguồn thì áp dụng chứng nhận hợp quy theo Phương thức 5 đã được quy định tại điểm 4.3.1.

Hiệu lực của Giấy chứng nhận hợp quy hoặc Chứng thư giám định chất lượng đối với Phương thức 7 chỉ có giá trị đối với từng lô hàng nhập khẩu hoặc lô sản phẩm được lấy mẫu đánh giá hợp quy; đối với Phương thức 5, Giấy chứng nhận có hiệu lực không quá 3 năm. Nguyên tắc thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp, sử dụng kết quả thử nghiệm

Tổ chức đánh giá sự phù hợp (tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định) có thể xem xét sử dụng kết quả thử nghiệm của tổ chức thử nghiệm tại nước xuất khẩu để phục vụ chứng nhận, giám định nếu tổ chức thử nghiệm đó có đủ năng lực và đáp ứng các quy định tại tiêu chuẩn ISO/IEC 17025 General requirements for the competence of testing and calibration laboratories (Yêu cầu chung về năng lực của các phòng thử nghiệm và hiệu chuẩn).

Trước khi sử dụng kết quả thử nghiệm của các tổ chức đánh giá sự phù hợp tại nước xuất khẩu, tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định phải gửi thông báo đến Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng để theo dõi và quản lý. Khi cần thiết Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng sẽ tổ chức kiểm tra (hậu kiểm) việc sử dụng kết quả thử nghiệm của các tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định; Khi sử dụng kết quả thử nghiệm của các tổ chức đánh giá sự phù hợp tại nước xuất khẩu, tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định phải chịu trách nhiệm về kết quả chứng nhận, giám định của mình.

LPG sản xuất, chế biến, pha chế, nhập khẩu khi lưu thông trên thị trường phải đảm bảo chất lượng phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật này và tiêu chuẩn do nhà cung cấp (nhập khẩu, sản xuất, chế biến, pha chế) công bố áp dụng và chịu sự kiểm tra nhà nước về chất lượng theo quy định của pháp luật. LPG sử dụng làm khí đốt dân dụng, khí đốt công nghiệp và nhiên liệu cho phương tiện giao thông lưu thông trên thị trường phải đảm bảo đã được bổ sung chất tạo mùi đặc trưng cho khí gas để nhận biết nhằm đảm bảo an toàn trong quá trình vận chuyển và sử dụng.

Mùi của khí phải là đặc trưng (nghĩa là phân biệt được và có mùi khó chịu), có thể phát hiện tại nồng độ trong không khí là 20 % giới hạn cháy dưới (LFL), khi được thử nghiệm theo Phụ lục A được quy định tại TCVN 6548:2019...

Theo ông Đỗ Tuấn, cháy, nổ trong khi sử dụng bình gas gây hậu quả rất nghiêm trọng là chuyện không mới nhưng tình trạng này vẫn diễn ra thường xuyên. Qua điều tra các vụ cháy nổ khi sử dụng bình gas cho thấy, nguyên nhân của sự cố là gas bị rò rỉ, phát tán ra ngoài không khí gặp tia lửa hoặc nguồn nhiệt cao gây cháy nổ. Để đảm bảo an toàn trong sử dụng gas, người tiêu dùng cần lưu ý:

- Trước hết, người tiêu dùng tự bảo vệ quyền lợi cho mình bằng cách mua bình gas và phụ kiện bình gas (van điều áp, ống dẫn gas, kẹp) của các hãng kinh doanh gas có uy tín để có được sản phẩm tốt, an toàn, đã được mua bảo hiểm; mua bình gas ở những cửa hàng có địa chỉ rõ ràng, những nơi mình biết để tránh mua phải sản phẩm của các cơ sở sang chiết lậu.

- Kiểm tra bình gas khi nhân viên hãng gas mang bình tới. Bình gas phải nguyên vẹn, không móp méo, nước sơn còn tốt, không rỉ sét và còn nguyên niêm phong, nhãn hàng hóa theo bình.

- Khi thay bình gas, tuyệt đối không được sử dụng ngọn lửa trần, các thiết bị, vật dụng có thể phát sinh tia lửa điện.

- Sau khi lắp đặt phải kiểm tra độ kín của bình gas, van điều áp, ống dẫn gas,… bằng nước bọt xà phòng, cả trong trạng thái mở và khóa van. Và thực hiện công việc này thường xuyên trong quá trình sử dụng.

- Phải khóa van bình khi không sử dụng bếp để tránh gas phát tán ra ngoài khi chuột cắn đứt ống dẫn gas.

- Do gas nặng hơn không khí, khi rò rỉ sẽ phán tán ra ngoài nằm lại, nếu gặp nguồn lửa, nhiệt cao sẽ cháy nổ. Khi phát hiện gas rò rỉ, tuyệt đối không bật lửa, bật đèn, quạt, sử dụng các thiết bị phát sinh tia lửa. Mở cửa để thông thoáng làm giảm nồng độ gas trong bếp, sau đó thông báo cho cửa hàng bán gas để nhân viên đến xử lý.

- Sau 3-5 năm sử dụng nên thay van điều áp và ống dẫn gas.

Theo PV/ Viet Q

>> xem thêm

Bình luận(0)